“Văn hóa và đời sống xã hội”

Đây là một công trình mới của GS Hà Minh Đức chuyên sâu về văn hóa, do NXB Thuận Hóa ấn hành.

“Văn hóa và đời sống xã hội”

Phần thứ nhất nghiên cứu về văn hóa nói chung, tác động qua lại giữa văn hóa (tinh thần) và đời sống xã hội; văn hóa và vai trò kiến tạo con người, kiến tạo dân tộc; những hình thức tư duy phổ biến và văn hóa văn nghệ. Phần hai của cuốn sách, tác giả viết về một số nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật - là kết tinh và biểu hiện cụ thể của văn hiến. Đây là những trang viết mềm mại, hấp dẫn, bổ sung cho nhau vừa đem lại sự thưởng ngoạn thích thú, vừa như một chất men văn hóa để cất nên sự ngọt lành cho hồn người và xã hội.

Lấy con người và dân tộc làm cơ sở và hướng tới sự phát triển của con người và dân tộc Việt Nam là một hướng nghiên cứu thiết thực, vừa cơ bản, vừa đáp ứng những yêu cầu thời sự trong bối cảnh vừa phải tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, vừa phải chống lại những yếu tố phản văn hóa ngoại lai đang pha loãng, thậm chí phá vỡ truyền thống căn cốt của văn hóa dân tộc. Cho dù thế nào đi chăng nữa, nhất định phải tạo ra những yếu tố mới, sức mạnh mới cho con người và dân tộc Việt Nam để có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, hạnh phúc vào giữa thế kỷ XXI và hướng tới những chặng xa hơn.

GS Hà Minh Đức đã khẳng định và làm sáng tỏ định nghĩa về văn hóa của Hồ Chí Minh mà Người đã nghiền ngẫm một cách lâu dài và sâu sắc, đúc kết được trong những ngày bị giam ở nhà lao của Tưởng Giới Thạch. Trước 80 năm nhưng định nghĩa về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của UNESCO có sự tương đồng kỳ lạ. Văn hóa  là yếu tố bảo đảm sự thống nhất, sinh tồn của con người và dân tộc. Văn hóa tinh thần không chỉ là văn học và nghệ thuật, mà còn cả phong cách sống, phương thức chung sống, các hệ giá trị, truyền thống và niềm tin... GS Hà Minh Đức đã chứng minh, chính bằng văn hóa chứ không phải sức mạnh nào khác, đã làm cho dân tộc ta chiến thắng chống ngoại xâm và tỏa hương hoa (tức làm nên hạnh phúc) trong cuộc sống ngày thường. Và cũng bằng những số liệu, những dẫn chứng cụ thể, thuyết phục, GS Hà Minh Đức đã chứng minh, sự thống nhất đất nước, sự phát triển của kinh tế, khoa học, kỹ thuật… đã tác động to lớn đến sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng.

Kinh tế thị trường tạo ra sự phát triển, tạo ra thống nhất trong nước và hội nhập quốc tế, gián tiếp tạo ra văn hóa mới, con người mới. Nhưng chính con người, văn hóa lại phải bằng ý thức tỉnh táo của mình, hạn chế tính tiêu cực, tự phát của kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập. Thực tế cho thấy, thế giới phẳng chỉ là tương đối. Thế giới vẫn còn bị chi phối bởi những cường quốc với những mưu lợi dân tộc riêng. Chưa thật sự có một nền tảng công cộng chung cho thế giới như đạo đức, luật pháp… một cách vững chắc, nền hòa bình và sự nhân ái thật sự. Định hướng phát triển văn hóa, trước hết về mặt nhận thức, không thể ngây thơ, mơ hồ, không chú ý đến thách thức ấy! 

Tiếp thu tinh hoa văn hóa không phải là hớt váng, càng không thể bị lừa mị từ một số nước tự xưng là dân chủ, văn minh nhưng thực tế vẫn mang bản chất đế quốc!