Lê Hà là một phóng viên. Cô sống và làm việc tại Huế. “Vị quê thương nhớ” phần lớn viết về những món ăn dân dã quen thuộc của xứ Huế bên cạnh một số món ăn đặc trưng của người dân tộc Pa Cô trên vùng cao A Lưới rất hấp dẫn. Sức hút của tập tản văn này đến từ những câu chuyện gắn liền với mỗi món ăn. Những câu chuyện nhỏ nhuốm màu hoài niệm, rỉ rả như mưa Huế, lâu dần thành thứ cảm xúc khó quên trong lòng người đọc. Bóng dáng quê nhà, người bà, người mạ, từng dòng sông, từng khe núi hiện lên trong vắt êm đềm. Mùi của ký ức không chỉ có mùi thơm của món ăn, mà còn quyện cả mùi khói bếp, mùi của thương nhớ xa xôi. Một nhúm rau tàu bay luộc chấm tôm kho, nắm rau rìu được mạ hái ngoài ruộng, gói trong lá vả gửi lên cho con gái xa nhà, dĩa rau sắn chấm nước mắm dừa, cái hũ mắm cà sau chái bếp hay mớ lá sôn nấu với lóc đồng…, tất cả đều là miếng ngon, miếng thương với một người ở xa.
Món ngon ngày cũ trên mâm cơm nhà đạm bạc đã gây thương nhớ đến vậy, thì những món ngon ngày Tết xứ Huế càng khiến người ta bùi ngùi hơn. Lê Hà đưa người đọc đến gần Huế hơn với món mứt gừng không thể thiếu trong mấy ngày Tết. Mà món mứt đó, nhất định phải được sên từ gừng Tuần trồng ở ngã ba Tuần thượng nguồn sông Hương, có vị cay mạnh mẽ, thơm nồng nàn. Hay món mứt đậu trắng nay đã mai một dần trên mâm mứt hiện đại. Món dưa rối ngày xuân, vạt rau cải trước nhà được mạ gieo từ tháng Chạp đã lên xanh chờ đón Tết…Tất cả món ngon đều nên hình nên dạng từ bàn tay chắt chiu và tấm lòng yêu thương của người thân. Mùi của món, phải chăng vì vậy mà thêm nồng, thêm đượm?
Dưới ngòi bút tinh tế của Lê Hà, mỗi món ăn đều trở nên hấp dẫn. Khung cảnh quê nhà hay những nơi mà cô đã đi qua, dù chỉ làm nền cho món ngon, cũng đều mang đến cảm giác nguyên lành, gần gũi với thiên nhiên tươi đẹp.
Cô nói: “Ẩm thực luôn mở ra những chân trời thật rộng, ở đó không chỉ là hương vị thơm ngon của món ăn mà còn có mùi của ký ức, có vị của đắm say…”.
Sách do Nhà xuất bản Lao Động và Chibooks phát hành. Sách dày 300 trang với 74 món ngon xứ Huế.