Nặng tình màu áo lính

“Đỉnh kinh” gồm 17 truyện ngắn, do NXB Hội Nhà văn ấn hành, đánh dấu một chặng đường sáng tác truyện ngắn của Bùi Tuấn Minh, đầy đam mê, nhưng chậm rãi, chắc chắn, cẩn trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Nặng tình màu áo lính

Trong đó, nhiều truyện ngắn đã đạt giải thưởng như “Phía khuất” đoạt Giải A cuộc thi sáng tác văn học của Bộ Công an về đề tài “Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ Công an nhân dân” năm 2023 hay “Đỉnh kinh” đoạt Giải B cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về lực lượng trinh sát ngoại tuyến, Bộ Công an năm 2024.

Phần lớn nội dung tập truyện xoay quanh hình tượng người lính và chiến sĩ công an. Không gian, bối cảnh cụ thể thường được nhắc đến trong tác phẩm chính là quê hương của nhà văn. Đọc truyện, người ta hình dung đến một ngôi làng nhỏ bên sông Đáy với “Bên kia sông”, “Những cơn mưa đồng bằng”. Trong không gian làng quê tưởng bình dị, êm đềm, mà phơi đầy xác mưa, chất chứa niềm nỗi của phận người éo le khi người bộ đội tên Chiến lấy một người phụ nữ góa chồng là vợ liệt sĩ, đời này nối tiếp đời kia với những giằng rối; hay câu chuyện của nhân vật Bình có người anh trai biệt tăm tích ngoài mặt trận, để lại trong nhà hai người đàn bà góa. Những nỗi đau ám dài, sự chia lìa, mất mát tạo nên bi kịch cho các nhân vật suy cho cùng chính là hậu quả của bom đạn, của chiến tranh. Tuy câu chữ xé lòng người đọc vì đau, vì cảnh đời, phận người trớ trêu thì bầu trời luôn lóe lên nắng ấm bởi tình người, tình đồng đội. “Mưa Ắng Bằng” hay “Trở lại Nongchan” thấm đẫm nỗi day dứt, ám ảnh khôn nguôi của người lính, dù trận chiến đã khép lại, tâm thức họ còn đau đáu, chưa yên vì nhiều dang dở, vì nhiều chuyện không dễ dàng có thể lãng quên.

Bên cạnh hình tượng người lính thời chiến, có thể dễ dàng nhận ra những người phụ nữ - hậu phương vững chắc của họ, được nhà văn xây dựng khá tinh tế, luôn là người phụ nữ với những nín nhịn, an phận, giản dị, dịu dàng, chan chứa bao dung, tình yêu… như bà Lịu trong “Đỉnh kinh” hay Liên trong “Những cơn mưa đồng bằng”.

Khi đọc truyện ngắn Bùi Tuấn Minh, không thể phủ nhận sự từng trải, già dặn của nhà văn với cuộc sống đã chắp cánh cho những sáng tạo, khiến truyện ngắn xuất hiện nhiều tình tiết bất ngờ, đáng nghiền ngẫm, cứa sâu vào lòng độc giả. Nhưng với “Hoa đá” hay “Bình minh Đắk D’rao”, nhà văn dù đã khoác lên mình chiếc áo giáp sắc lạnh, cũng không giấu được một tâm hồn thơ lãng đãng nơi sâu thẳm. Giữa lằn ranh sinh - tử, gai nhọn, hiểm nguy hiện hữu, cận kề thì những cuộc tình đẹp, đẹp từ lý tưởng sống đến tình yêu riêng tư của nhân vật vẫn nở sáng.