“Ban mai thơm mắt nắng” (NXB Hội Nhà văn 2024) gồm 123 bài thơ với cùng một hình thức thể hiện theo lối 1-2-3. Nghĩa là tất cả các bài thơ đều có 6 câu, chia làm 3 khúc. Câu thơ thứ nhất đồng thời giữ vai trò làm nhan đề tác phẩm, hai câu thơ tiếp theo giống như khổ thứ hai của bài thơ và ba câu cuối là khổ kết khép lại thi phẩm. Hình thức thơ này được nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng năm 2018 và đã có khá nhiều tác giả thử nghiệm với lối đi trên.
Đề tài của tập thơ khá đa dạng, từ tình yêu thiên nhiên, cảnh sắc vùng miền cho đến tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, những suy tư, chiêm nghiệm, triết lý về đời sống. Cảm xúc chủ đạo của tập thơ là niềm tin yêu, hy vọng, lạc quan, chủ thể trữ tình rộng mở tâm hồn đón nhận và giao hòa với những vẻ đẹp chung quanh mình: “Nàng mọc lên từ ngực cỏ” (Xanh), “Người vén sương đặt lên môi nàng mùa xuân” (Cám ơn đường link ban mai), “Nàng gùi nắng mật ong bát ngát nương đồi” (Tít tắp cao nguyên dẫn dụ đồng bằng).
Chuyển đổi cảm giác như một phép tu từ chủ đạo, tạo nên nhiều thi ảnh gợi cảm, lộng lẫy. Có những bài thơ tràn ngập tu từ: “Sóng sánh mùa dậy hương bao giờ ngưng. Bao giờ thôi nông nổi/Gió sông Hồng ửng chín má đào hoa/Khép mắt Nhật Tân/Nụ hôn dậy thì phù sa đồng bãi/Em định vị tim mình sợ lạc lối mùa xuân”.
Những bài thơ 1-2-3 trong tập chủ yếu là thơ tự do, nhưng cũng có khi, một cặp lục bát ngọt ngào đã xuất hiện nối kết phần trước và phần sau của thi phẩm: “Những câu thơ mất ngủ/À ơi tôi ngủ chưa tôi/Chừng mưa đã tạnh, chừng lời đã mơ/Khúc ru rười rượi hương trăng không gian dịu lắng/Những vần thơ chống mắt xuyên đêm gọi nhau vượt sóng/Miết mải tay chèo bến chữ vẫn mờ xa”. Bài thơ vừa dẫn cũng có thể xem là một lời tự bạch của tác giả về hành trình sáng tạo, về lao động nghệ thuật. Trở trăn với từng con chữ mà biết đến bao giờ chạm được vào bến chữ.
Đọc tập thơ, có thể thấy bàn chân nữ sĩ đã đi qua biết bao vùng miền, cả trong nước và nước ngoài. Chỉ cần nhìn tên bài thơ là đã thấy những hành trình vô cùng phong phú: “Em đến nhé cổng trời Quản Bạ”, “Nở tím hồng cao nguyên Mộc Châu”, “Nếu mai này Venice chìm vào dâu bể”, “Mơ màng Bắc Sơn”, “Chân trần trên đảo Hòn Dấu”, “Engelberg - Cung đường của những giấc mơ”, “Đường cong thơ mộng trên sông Reuss”... Càng đi nhiều, tâm hồn càng phong phú rộng mở, càng thêm yêu quê hương đất nước mình, thêm yêu cuộc sống.