Gặp giọt sương bên cửa sổ

“Những giọt sương bên cửa sổ” (NXB Hội nhà văn) là tập thơ được viết từ năm 1971 đến 2024 của bạn tôi - Nguyễn Văn Á, gồm ba phần: “Những giọt sương bên cửa sổ”, “Khúc giao mùa”, “Hoài niệm”.
0:00 / 0:00
0:00
Gặp giọt sương bên cửa sổ

Phần một, “Những giọt sương bên cửa sổ” thuộc phạm trù văn học về đề tài chiến tranh cách mạng. Đó là những bài thơ nói về tình yêu của người lính đối với người yêu, với quê hương và đất nước. Những tình cảm đó lồng vào nhau mà chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc là trên hết. Thơ Nguyễn Văn Á có cái cảm xúc riêng của tuổi trẻ mới lớn, vừa trong trẻo, vừa đắm say; vừa thị giác, xúc giác “Má ửng hồng, vòm ngực nở tròn căng; Níu vành môi tìm kiếm nụ hôn đầu/Ta bỗng quấn vào nhau trong khoảnh khắc” (Vợ lính); vừa hình tượng, biểu tượng “Chị đã sống hút tầm thương nhớ/Về phương trời súng nổ phía anh đi” (Giọt sương bên cửa sổ)… Đó là một thời rất đẹp, dù gian khổ khó khăn, dù chiến tranh tàn khốc, con người vẫn vượt lên trong tình yêu con người, tình yêu lý tưởng.

Phần hai, “Khúc giao mùa” là những bài thơ viết về tình yêu và thế sự. Về thời gian, đây là những bài viết trong thời kỳ đất nước bước sang cơ chế thị trường. Là tâm tư riêng nhưng cũng phản ánh được tâm trạng xã hội của một thời kỳ lịch sử: Tình yêu chung thủy, chung thủy bằng mọi giá không còn nữa. Cá nhân, lợi ích được đặt lên hàng đầu. Nhiều giá trị đảo lộn. Nỗi buồn mất mát được phản ánh rõ nét trong thơ. Nguyễn Văn Á có bài thơ mang tên “Dại khờ” mà chẳng dại chút nào. Kỹ thuật thơ rất “khôn”, và với phần hai, tức là theo năm tháng, thơ Á đã mang tính chuyên nghiệp cao hơn, dần khẳng định một phong cách sáng tạo: “Anh vẽ vào mắt em/Màu hoàng hôn tím biếc/Anh đặt vào mi em/Nỗi buồn đau cách biệt…”. Tôi cũng thích thơ lục bát của Á, nghe như xưa mà không cũ: “Tóc xanh ngày ấy em vừa/Chạm hương bồ kết giữa trưa bên thềm” (Tương tư).

Phần 3, phần “Hoài niệm”, tôi thấy Nguyễn Văn Á là một “người già” ngồi nhớ quê hương, bè bạn, chiến trường, ngộ ra sự thật - giả, nguyện “Sống đời tâm đức bền lâu/Làm cây nhân nghĩa con cầu nguyện dâng”. Phần này, tôi quý Á ở chất người mà không thích ở chất thơ, ngoại trừ bài “Em có về thăm lại mái nhà xưa”: “Em có về thăm lại mái nhà xưa/Trong xóm nhỏ ngõ ba lần rẽ trái/Khế chín ngọt chờ tay người hái/Bắp ngô non mẹ luộc vẫn đang phần/Như con chim đậu xuống tần ngần/Trên lưng mẹ màu tranh nghèo mái rạ…/Em có về thăm lại buổi đất trời/Cơn bão tốc mái tranh nhà mới dựng/Cành khế gãy, mảnh sân đầy trái rụng/Mưa hay là mắt mẹ hóa màn sương…/Em có về với mẹ, đến bên giường/Giây hiu hắt ngọn đèn leo lắt cháy/Vòng tay mẹ ôm choàng thời khắc ấy/Em bỗng thành thơ dại của ngày xưa”.

Xin chúc mừng Nguyễn Văn Á và nhắn rằng: Không phải tuổi cao thì thơ già. Tôi vẫn thích những bài thơ tình yêu lãng mạn cách mạng, tình quê đậm đà trong thơ Á!