Bước vào nhân học văn hóa ở Việt Nam

Viện Nhân học Văn hóa vừa ra mắt công trình “Nhân học văn hóa ở Việt Nam: Diễn trình và nghiên cứu” (NXB Khoa học xã hội). Công trình do PGS, TS Đỗ Lai Thúy và Thạc sĩ Phạm Minh Quân chủ biên.
0:00 / 0:00
0:00
Bước vào nhân học văn hóa ở Việt Nam

Ngoài những nghiên cứu của Viện Nhân học Văn hóa, công trình còn nhận được sự cộng tác của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong lĩnh vực nhân học văn hóa. Bên cạnh những bài viết mang tính chất lý thuyết về nhân học văn hóa, cuốn sách đi sâu vào quá trình sáng tạo văn học thông qua nhân cách, di sản văn chương của một số nhà văn, các hệ hình, trường phái, đề tài sáng tác.

500 trang của cuốn sách được chia làm 3 phần: phần 1 là các vấn đề lý thuyết, phần 2 là những nghiên cứu trường hợp và phần 3 là chân dung các nhà nhân học. Hơn 20 tác giả đã trình bày các nghiên cứu lý thuyết về nhân học văn hóa, các nghiên cứu mang tính chất ứng dụng vào văn học, tín ngưỡng, di sản và đồng thời dựng lên chân dung các nhà nhân học tiêu biểu, trong đó có các nhà văn, nhà thơ có thành tựu trong nền văn học nước nhà.

Điều dễ nhận thấy trong công trình “Nhân học văn hóa ở Việt Nam: Diễn trình và nghiên cứu” là sự quan tâm của các tác giả đối với văn học dân gian. Nhiều bài viết đã đi sâu vào nghiên cứu văn hóa và các tác phẩm đã trở thành biểu tượng cho tinh thần các dân tộc ít người ở nước ta. Có thể kể đến nghiên cứu “Nới rộng vào nghiên cứu tâm lý tộc người H’Mông” của tác giả Nguyễn Mạnh Tiến, “Một giả định về sự kết nối các biểu trưng tâm lý của người Bru - Vân Kiều trong truyện cổ” của Đàm Nghĩa Hiếu, “Truyện cổ và không gian xã hội tộc người qua trường hợp truyện cổ Cao Lan” của tác giả Nguyễn Văn Ba…

Đi vào cụ thể hành trình sáng tạo, các đề tài xuyên suốt trong sáng tác của các nhà văn, nhà thơ đã tạo được dấu ấn trên văn đàn, các tác giả đã chỉ ra được tư duy, tư tưởng, những nhân cách, văn cách đáng trọng. Có thể kể đến những nghiên cứu đáng chú ý như bài “Đọc “Hương rừng Cà Mau” nghĩ về một sinh thái học tư duy” của PGS, TS Đỗ Lai Thúy, bài “Đối thoại về môi trường sinh thái - đô thị trong tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ 21” của tác giả Nguyễn Thùy Trang, bài “Thị dân trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà từ góc nhìn xuyên văn hóa” của tác giả Ngô Minh Hiền, bài “Trần Dần - Từ nhân cách đến văn cách” của tác giả Nguyễn Hoài An.

Như lời của PGS, TS Đỗ Lai Thúy trong lời mở đầu công trình: “Do mang tính chất gợi mở và đặt ra những vấn đề tiếp cận đa dạng nên công trình chắc chắn còn nhiều vấn đề cần bàn luận và mở rộng thêm”, vấn đề mà công trình này đặt ra cũng mở ra hướng tiếp cận cụ thể hơn cho các công trình Viện Nhân học văn hóa dự kiến xuất bản trong thời gian tới.