Như lời đề từ của “Và rồi… mây gió thênh thang” mở đầu tập sách: “Phố núi cao phố núi trời gần/phố xá không xa nên phố tình thân/đi dăm phút đã về chốn cũ”, từng trang viết như ngọn lửa ấm, rưng rưng về phố núi quanh co. Ở đó, đến những giấc mơ cũng đỏ quánh mầu bazan.
Ngô Thanh Vân yêu phố bằng trái tim thiếu nữ nên từng góc nhỏ cho tới bức tranh rộng lớn đều da diết, hòa quyện giữa ký ức và hiện tại. Bạn đọc xúc động bởi “Nồi lá xông của bố” mộc mạc, tinh tế về tình cảm gia đình khiến những người con nhận ra mình không cô đơn trong những giây phút mong manh, yếu đuối. Bên cạnh đó là từng lát cắt nhỏ xinh mà sống động về phố núi Pleiku vương vấn hương trà nóng, mầu dã quỳ chói chang, hơi thở phố tựa men say vương vấn. Tác giả không quá cầu kỳ trong việc miêu tả chi tiết mà chủ đích phác ra từng đường nét, kỷ niệm để người đọc hình dung từ những điều thân thuộc.
Từng trang viết, hiểu hơn về một Pleiku vừa quen vừa lạ, một mối tình thủy chung mà tươi mới, căng đầy. Ngôn từ giản dị mà lắng đọng, Ngô Thanh Vân hòa mình vào mảnh đất này như có thể cảm nhận được nhịp đập của những con đường vắng, làn gió thoảng qua, hay những khoảnh khắc tĩnh lặng đến nao lòng. Men say phố núi đôi khi không đến từ cảm nhận bằng giác quan cụ thể mà mơ hồ, đượm buồn, lãng đãng. Tác giả dẫn dắt mời gọi người đọc về với phố, sà vào lòng Pleiku để “Ơn phố tình trầm”, để “Lưu luyến mùa xa”… đôi khi giản dị là nhìn ký ức từ một chiếc vòng tay vỡ. Nhiều chi tiết tưởng chừng nhỏ từ hoa chò nâu nhỏ li ti, Osaka vàng mơ trong nắng, hoa cà -phê thanh khiết tinh khôi đến mùi bùn, mùi nước… mà chị gói ghém thành “mùi của quê hương dâng kín trong lòng”.
Thong dong kể chuyện phố núi, cũng là câu chuyện về một tâm hồn, về những cảm xúc, nỗi niềm lên men trong tĩnh lặng. Ngô Thanh Vân dường như đã viết nên một áng thơ dài cho miền thương nhớ, cho khao khát tìm về. Giữa con người và thiên nhiên, giữa tình cảm và ký ức vọng ra những lời thủ thỉ, bình dị mà đầy thiêng liêng một cách thật tự nhiên. Từ miền không gian ấy, “Vân môi say phố” khiến người ta thấm thía cả những nỗi buồn không lời mà chỉ đất và người thuộc về thấu hiểu. Nhớ phố, thương phố, biết ơn phố ngay khi được nâng niu trong lòng phố. Lớp lang cảm xúc được bóc tách, khơi mở theo cách thật dịu dàng, đồng điệu, để thêm “khiêm cung từ ái” với cuộc đời.