Bao dáng hình đã khác mở ra

Tập thơ “Ngày chưa sương vội” của Trần Việt Hoàng (NXB Hội Nhà văn), với 53 bài thơ, được cấu trúc thành bốn phần: Gầy rạc thác lên ánh trăng, Tự họa, Chứng nhận cho nhiều trắc ẩn, và Còn cỏ sắc thì thầm. Tác giả sinh năm 2002, là học viên Trường Sĩ quan chính trị. Từng trang thơ không chỉ đánh dấu bước trưởng thành về tư duy, cảm xúc mà còn in đậm hồi tưởng, rung cảm và khắc khoải.
0:00 / 0:00
0:00
Bao dáng hình đã khác mở ra

Cảm hứng bao trùm, xuyên suốt tập thơ là sự trở về với ký ức trong không gian gia đình, quê hương, kỷ niệm: “ôi những đường cày/vẫn còn in dấu vết chân trâu/nét đứt nở của đất/ai đếm xuể chát mặn mồ hôi” (Tìm lại những đường cày). Không chỉ dừng ở nỗi nhớ đơn thuần, đó là từng dấu vết lắng đọng trên từng sự vật, phản chiếu chiều sâu nội tâm con người. Tác giả còn tạo ra những cung bậc ngân rung của mỹ cảm mong manh trước vẻ đẹp mơ màng, chấm phá: “nước mắt làm sen xanh hơn/hương thơm ngan ngát ngày buồn/mùa vắng dần những cơn mưa/bông sen nở lên dưới đặc ân ánh sáng” (Chuyển sen). Nỗi khắc khoải thường trực trong thơ Trần Việt Hoàng, từ “hàng cây đổ lá phủ đầy lối bước/giọt nước mắt rơi nghiêng rồi mặn về xa xứ” (Những giọt sương rơi). Anh cũng đầy trăn trở trước nỗi đau thương, biến động đời sống: “đêm mệt nhoài sóng nước/khói núi mang giấc đồng bằng/trăng khuya sót lại/mảnh khuyết đắp mùa thu” (Thượng nguồn). Người đọc bắt gặp sự trở đi trở lại của mầu hoa trắng. Gam mầu của mây, của sương và sự lặng im. Ký ức vây giăng, rưng rưng trong trạng thái “rụng” như cảm thức trở về nguồn cội.

Đặc biệt, Việt Hoàng tạo niềm xúc động với từng trang viết tri ân Tổ quốc, con người: “lược giờ chải tóc những ngọn núi/mười ngôi mộ bồ kết rưng rưng/con đường giấu tàn tích vào trong/nắng Đồng Lộc hong ấm hồi ức” (Viết ở Đồng Lộc). Người lính đặc công trong thơ anh đầy khỏe khoắn, tươi trong, bền chí: “lòng xanh như trái núi bốn mùa/vòng lửa sáng lên phía điểm cuối con đường/bước chân lạnh sắc/dấu lửa gọi nhau nhen nhóm những hình hài” (Dấu lửa). Thấp thoáng hình ảnh người lính trẻ trong một “Đêm thao trường”: “nỗi nhớ lưng chừng nỗi nhớ/tiếng thở gửi đêm hòa tiếng lá rụng gầy” hay một “Ngày tưởng tượng”: “những đêm ròng trong giấc trẻ trai/gối rằn ri loang mồ hôi ngày mỏi/nhớ cánh đồng rạ trơ buổi chớm rét/khắc khoải đường cày khát nứt một bàn chân”. Để rồi, ta chạm vào hình ảnh của chính tác giả - người lính trẻ: “binh nhất trở về quê mẹ/phồng rộp mấy mùa còn lưu dưới bàn chân/lòng đường xưa ấm lại/những đọng lắng mãi mang theo trên chuyến đi/ cuộc đời” (Phút hình dung).

Một tập thơ đủ gợi lên bước chuyển động không ngừng của cuộc sống: “sóng hồ lăn tăn quên đi nhiều lối rẽ/bao dáng hình đã khác mở ra…”. Một ẩn dụ đủ mạnh mẽ thôi thúc bạn đọc khám phá chiều sâu thế giới tinh thần để thêm đồng điệu và suy ngẫm.