Văn Cao, lao động gian khổ và vinh quang

NDO - Vào một buổi chiều tối rét buốt, Văn Cao ra khỏi nhà, đi từ phố Ga sang phố Hàng Bông, rồi sang Bờ Hồ. Dưới ánh điện vàng nhợt, ông thấy một bé gái chừng hơn mười tuổi không mảnh vải che thân ngồi lặng phắc bên lề đường. Ông đau đớn nhận ra em bé đã chết.
Nhạc sĩ Văn Cao qua ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)
Nhạc sĩ Văn Cao qua ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Những ngày này không ít những trẻ em lưu lạc chết bên đường như bé gái đó. Gần đấy, có mấy người gày gò rách rưới đang đun nấu bằng những ống bơ bên những gốc cây. Ý nghĩ về giống nòi đau thương, lầm than đè lên trái tim ông, nặng trĩu. Văn Cao lê bước về căn gác hẹp nhà 45 phố Nguyễn Thượng Hiền, và rồi, những âm vang đầu tiên trỗi lên trong tim óc ông: Ðoàn quân Việt Nam đi/Chung lòng cứu quốc/Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...

Không phải huyền thoại, mà là lịch sử. Ðó là những ngày rét buốt ghê gớm năm 1944. Nhiệm vụ tổ chức giao cho Văn Cao, không phải dùng súng, mà là viết một bài hát để những chiến sĩ du kích kháng Nhật ở chiến khu Ðông Triều hát trong cuộc sống chiến đấu. Trực tiếp chứng kiến cảnh lầm than của người dân mất nước, từ sâu thẳm hồn ông đã vang lên tiếng ca, không chỉ của riêng mình, mà của cả dân tộc đau thương đang dấn bước tới một cuộc tổng khởi nghĩa giành lại quyền sống, quyền được sống trong độc lập, tự do.

Khác với Thiên thai, Trương Chi trước kia, thường kéo dài những than thở với khúc thức phức tạp đòi hỏi một nghệ thuật biểu diễn công phu, lần này Văn Cao viết ngắn, chỉ 16 nhịp thôi, để những người chân đất có thể hát lên khi tiến bước trên đường, để những chiến sĩ trước lúc xuất quân, đứng nghiêm hát xong bài ca mà không mỏi chân. Ca khúc này là sự tiếp nối từ Thăng Long hành khúc ca, 'cùng tiến bước về Thăng Long thành cao đứng...'; tiếp nối cả hành khúc Ðống Ða, 'dòng máu ái quốc lưu truyền trong bao đấng anh hùng...'.

Cũng có thể nói, từ những ca khúc trên cô đọng lại, dồn nén thêm biết bao khí tiết và khát vọng to lớn mà thành Tiến quân ca. Trong đêm sâu giá buốt, người nhạc sĩ của dân tộc đã hình dung thấy một viễn cảnh tươi sáng của đội quân cách mạng, và một xúc cảm âm nhạc cao lồng lộng: Ðoàn quân Việt Nam đi/Sao vàng phấp phới/Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa... Tháng 11-1944, Tiến quân ca được chính nhạc sĩ Văn Cao viết lên thạch bản để in báo Ðộc lập. Trong khóa Quân chính kháng Nhật, bài Tiến quân ca được phổ biến cho các cán bộ quân sự, từ đó, những cán bộ Việt minh đem bài hát truyền đi khắp ba miền bắc, trung, nam...

Theo hồi ức của Văn Cao, trong cuộc mít-tinh lớn ngày 17-8-1945 của đông đảo công chức Hà Nội, 'khi ngọn cờ đỏ sao vàng được thả từ bao lơn Nhà hát Lớn, Tiến quân ca đã nổ như một quả bom'. Và, ngày 19-8-1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn diễn ra cuộc mít-tinh của đông đảo nhân dân Thủ đô, cùng với dàn đồng ca của thiếu niên tiền phong, hàng chục nghìn giọng hát của quần chúng nhân dân cất lên tiếng ca hùng cường của dân tộc Việt Nam độc lập và tự do. Không lâu sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc hội khóa I nước Việt Nam ta trong kỳ họp đầu tiên khai mạc ngày 2-3-1946 đã chọn Tiến quân ca làm Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam!

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Văn Cao là một trong những văn nghệ sĩ lừng danh đi kháng chiến với một tấm lòng yêu đất nước, quê hương hết sức sâu xa mà cũng thật hồn nhiên. Trong những năm gian lao trên chiến khu Việt Bắc, ông đã cho ra đời những ca khúc với giai âm và lời ca bình dị mà đẹp lạ lùng, như Làng tôi, Ngày mùa...

Hơn thế, ông là người nghệ sĩ có dự cảm phi thường. Trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội ta còn 'áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá' (thơ Chính Hữu), Văn Cao đã viết những ca khúc như Hải quân Việt NamKhông quân Việt Nam, mà thực tế đời sống hai mươi năm sau cho thấy, quân đội nhân dân Việt Nam ta mạnh và đẹp như vậy. Tác phẩm nổi tiếng Tiến về Hà Nội với giai âm phơi phới, tươi sáng như giấc mơ, gần sáu năm sau đã trở thành hiện thực. Ðặc biệt, một trong những tác phẩm để đời của Văn Cao là Trường ca sông Lô, một thiên sử thi hùng mạnh và đẹp đẽ, cũng được ông viết về Việt Bắc trong những ngày kháng chiến.

Nói đến Văn Cao, không thể không nói tới tài năng hội họa của ông. Từ thơ ấu ông đã say mê hội họa, lên Hà Nội khi còn nhỏ tuổi là để theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, và đó là nghề đầu tiên ông có. Âm nhạc với những thành công vang dội trong xã hội đã kéo tuột ông đi. Hòa bình lập lại, sau năm 1954, Văn Cao trở về Hà Nội với sự ngưỡng mộ rất lớn của công chúng âm nhạc. Vậy mà chỉ vài năm sau, ông vấp phải những khó khăn quá lớn. Con đường số phận ông nó vậy, có những chặng thật éo le, khốn khó.

Ðó là những năm sáu mươi của thế kỷ 20, ông dùng nghề vẽ để kiếm sống, như các họa sĩ Bùi Xuân Phái và Sĩ Ngọc. Những minh họa cho các báo, nhiều nhất là báo Văn Nghệ, và nhiều bìa sách ông vẽ thật sự mang vẻ đẹp của tác phẩm mỹ thuật. Ông chỉ ký tên là Văn mà người đời cũng biết đó là Văn Cao. Ðiều đó cũng như trường hợp dưới các bài tùy bút, tác giả ký là Nguyễn, người đọc biết đó là Nguyễn Tuân vậy...

Văn Cao là một tài năng đa dạng và đặc sắc trong văn học nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Ông là một trong những nhạc sĩ đặt nền móng cho nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Nhiều ca khúc của ông với ca từ vừa giản dị vừa tinh tế diễn tả những khung cảnh cuộc sống rất thường tình của dân tộc Việt Nam mà khiến người nghe thấy thương yêu vô ngần, và giai âm của nó đạt tới những vẻ đẹp kinh điển. Ðó là Làng tôi 'xanh bóng tre, vang tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung...'; đó là Mùa xuân đầu tiên 'dập dìu mùa xuân theo én về... với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông'. Chính quãng ngày rất khó nhọc trong việc kiếm sống bằng vẽ minh họa và bìa sách, Văn Cao đã viết ca khúc Mùa xuân đầu tiên với lời ca và âm điệu bình dị, đa cảm và tươi trong lạ thường.

Không chỉ là nghệ sĩ tài hoa trong âm nhạc và hội họa, Văn Cao còn là một thi sĩ đặc sắc. Ngay từ thời mười tám đôi mươi, nhạc sĩ Văn Cao đã phải dùng thơ để nói những điều về cuộc sống mà âm nhạc của ông không thể hiện hết được. Những năm ông viết các ca khúc lừng danh như Thiên thai, Suối mơ thì ông đã làm thơ: Mưa trong trăng tiếng nhỏ đều/ Bến mờ mịt mấy mái lều bơ vơ (bài Ðêm mưa, 1941).

Trong lĩnh vực nghệ thuật nào Văn Cao cũng tìm một lối đi riêng, ngay cả những bài thơ đầu viết năm 1941, khi phong trào Thơ mới trỗi lên giai đoạn cuối, ngôn ngữ thơ ông đã có sự không giống với Thơ mới. Rõ nhất là thơ lục bát: Sông chầm chậm chảy trong mưa/ Nghe chừng cô gái đã thưa nhát chèo. Nhịp thơ trong câu tám chữ 'Bến mờ mịt - mấy mái lều - bơ vơ' và từ 'nhát chèo' chính là nhịp điệu và ngôn từ riêng Văn Cao. Ðến bài Chiếc xe xác trên đường Dạ Lạc sáng tác ngay sau khi ông viết Tiến quân ca, thì ông thật sự đã tạo nên một giọng thơ gọn và sắc, là thứ thơ của riêng ông, cũng là thứ thơ của một thời đại thơ ca mới.

Thơ Văn Cao rất giàu hình ảnh, dường như ông làm hội họa trong thơ, những hình ảnh sự sống liên tiếp bày ra trước người đọc và trong đó chất chứa nhiều ý nghĩa cuộc đời. Ý thơ sau bồi đắp cho ý thơ trước, liên tục, ngôn ngữ hết sức thoải mái mà gắn kết với nhau thật tự nhiên. Dường như ông không bố cục sắp xếp gì. Xúc cảm của ông quyết định việc đó. Hình ảnh thơ ông đẹp tự nhiên như sự sống (trường ca Những người trên cửa biển):

Có mùa nhạn bay ra biển

Chim yến từ biển bay về

Lòng sông đất bồi ngày càng nhỏ

Bướm trắng rụng đầy ngọn sú ven sông...

Văn Cao là thi sĩ có biệt tài diễn đạt tâm trạng của mình bằng nghệ thuật tạo hình: Thềm nhà lăn tăn rơi/ Lá me vàng/ Những bóng người loang trên Hồ Gươm/ Mỗi góc phố/ Mỗi góc đường/ Mỗi góc nhà/ Giấu một cái bóng/ Cổ kính.../ Hà Nội còn lại một ngày xưa (bài Mùa thu). Có thể nói, ông trình bày đời sống tinh thần của mình bằng bố cục tạo hình:

Tất cả tình yêu khát khao hy vọng

Bốc lên trong lòng

Rơi xuống những giọt nước mắt

Ðó là hội họa ấn tượng mà Văn Cao vẽ bằng thơ, thành bức tranh Tình yêu bốc lên, rơi xuống. Bốc lên một hy vọng trong lòng, rồi thành nước mắt, rơi xuống. Qua rất ít ngôn từ, người đọc cảm nhận ở thơ ông được rất nhiều. Phẩm chất hàm súc trí tuệ của thơ Văn Cao hết sức đặc biệt. Ông còn vẽ bức tranh Giấc mơ, chỉ bằng sáu dòng thơ, mà thấy một con người trong một thế giới, đẹp và buồn bao la:

Dưới mái nhà

Một người đang ngủ

Với giấc mơ của những vì sao

Những vì sao đang kể chuyện

Giấc mơ của mái nhà

Giấc mơ của một người đang ngủ

Bài thơ này Văn Cao mô tả mình, ở trong một ngôi nhà chật, nhưng lại có giấc mơ của những ngôi sao, và những ngôi sao lấp lánh trên cao kia, là đang kể chuyện về giấc mơ của một con người khốn khó, là ông. Nhà nghệ sĩ Việt Nam lớn bậc nhất thế kỷ 20, những năm sáu mươi và bảy mươi, đi trên đường đời thật nhiều éo le, vất vả. Ông chìm sâu vào suy nghĩ nội tâm, và thơ ông là những chiêm nghiệm cuộc sống (bài Có lúc):

Có lúc

một mình một dao giữa rừng

đêm không sợ hổ

Có lúc

ban ngày nghe lá rụng sao

hoảng hốt

Có lúc

nước mắt không thể chảy ra

ngoài được.

Văn Cao làm thơ không nhiều, nhưng có hẳn một chùm thơ viết năm 1967 về những bạn bè tâm giao như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân, Nguyễn Sáng, Nguyên Hồng. Ông vẽ chân dung bạn mình bằng thơ. Phố Phái là chân dung tâm hồn Bùi Xuân Phái: Không người ở/Không số nhà/Không tên phố/Tôi gửi bài thơ về/Phố Phái/Người đưa thư sẽ tìm đến phố anh... Chân dung tinh thần của Nguyễn Tuân trong bài thơ Ðôi bạn được Văn Cao vẽ với gam mầu trầm: Chúng tôi nói như không nói/Im lặng nói nhiều hơn... Những câu thơ đặc tả buồn sâu xa:

Mắt anh và mắt tôi

Một lớp tro đang ròng ròng

kéo sợi

Như tơ nhện trong không gian

đầy nước...

Văn Cao qua đời tại Hà Nội năm 1995, vì tuổi già, sức yếu, để lại những giá trị văn học nghệ thuật rất lớn, nhất là âm nhạc và thơ ca. Lúc sinh thời, ông luôn tâm niệm: 'Người ta yêu những con người cố mở đường mà thất bại, yêu những người thất bại mà dám mở đường. Bởi vì những người đó đã nghĩ đến sự tiến bộ của nghệ thuật...'. Khép lại bài viết này, chúng tôi muốn thưa với Văn Cao rằng, ông là người mở đường thật gian khổ, nhưng đã thành công, nên ông trở thành niềm tự hào lớn của văn học - nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20!