Tứ Xuyên tản mạn ký (kỳ 5)

Kỳ 5: Kể chuyện gấu trúc
Tứ Xuyên tản mạn ký (kỳ 5)

(Tiếp theo và hết)

Tôi biết tới hình ảnh loài gấu trúc (tên khoa học: Ailuropoda melanoleuca) lần đầu tiên là khi xem truyền hình lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh năm 2008. Còn nhớ, trong buổi lễ hôm đó, các nhà tổ chức đã cho diễu hành bộ linh vật “Ngũ Phúc Oa” thể hiện hình ảnh năm em bé Phúc (Bối Bối, Hoan Hoan, Nghênh Nghênh, Ni Ni và Tinh Tinh) tượng trưng cho triết lý “ngũ hành” và đại diện biển xanh, rừng rậm, ánh lửa, mặt đất, bầu trời bao la. Đó là 5 con vật quý của đất nước Trung Hoa, trong đó, chú gấu trúc Tinh Tinh mầu đen mũm mĩm đã lưu lại một hình ảnh ấn tượng…

Và đến hôm nay, tôi được ngắm nhìn tận mắt những chú gấu trúc đáng yêu ở ngọai thành thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Buổi sáng mưa lạnh, chúng tôi đến thăm Cơ sở Nhân giống và Nghiên cứu gấu trúc Thành Đô (Chengdu Research Base of Giant Panda Breeding) ở số 1375 đại lộ Panda, nơi nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10 km. Với diện tích hơn ba cây số vuông, đây là cơ sở bảo tồn gấu trúc lớn nhất thế giới; đồng thời là trung tâm nghiên cứu, nhân giống, giáo dục khoa học cộng đồng và du lịch văn hóa-thiên nhiên nổi tiếng. Theo chị Tô Phi, cán bộ Văn phòng Ngoại sự Tứ Xuyên, mỗi năm có hơn 11 triệu du khách từ khắp Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới đến đây tham quan và tìm hiểu về loài gấu trúc.

Nữ hướng dẫn viên của khu bảo tồn giới thiệu khái quát: Được thành lập vào năm 1987, cơ sở này hiện có hơn 250 con gấu trúc đang được nuôi dưỡng, trong đó, có số lượng gấu trúc đỏ nuôi nhốt lớn nhất thế giới với tổng cộng 160 con. Các loài gấu trúc được chăm sóc kỹ lưỡng và chuyên nghiệp bởi đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, bảo đảm sự trưởng thành và phát triển tốt nhất. Những chương trình tái thả gấu trúc về môi trường tự nhiên cũng đạt kết quả, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn loài động vật quý hiếm; tạo điều kiện tốt nhất cho sự trưởng thành và phát triển của “quốc bảo” Trung Quốc.

Cơ sở Nhân giống và Nghiên cứu gấu trúc Thành Đô sử dụng các kỹ thuật làm vườn để tạo ra một không gian mô phỏng môi trường sinh thái tự nhiên của loài gấu trúc khổng lồ. Các phòng hộ sinh, khu vực nuôi dưỡng, trung tâm nghiên cứu khoa học và bệnh viện gấu trúc được tổ chức một cách bài bản. Các “biệt thự sân vườn” của gấu trúc được xây dựng ở những địa hình có đầy đủ núi non, sông suối, rừng tre, thung lũng và bãi cỏ thoáng rộng. Đây thật sự là “thiên đàng” cho những chú gấu trúc. Hằng ngày, sức khỏe của chúng được kiểm tra và chăm sóc kỹ lưỡng. Khoảng thời gian từ 9 đến 10 giờ mỗi ngày, những chú gấu trúc được cho ăn sáng. Lúc chúng tôi đến cũng là thời điểm mà những chú gấu trúc đáng yêu được rời nơi ở ra ngoài dạo chơi. Bởi vậy mà chúng tôi cùng đông đảo du khách có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng những chú gấu trúc lớn nhỏ leo trèo, đi lại trong môi trường tự nhiên. Tham quan trung tâm gấu trúc, em Wu Yi Ke, du khách đến từ Tây An (Trung Quốc) thích thú: “Chúng vô cùng đáng yêu. Em rất thích nhìn ngắm dáng vẻ chậm chạp, ngộ nghĩnh và có chút lười biếng của chúng…”.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Yang Xi, thành viên Đội giám sát Trung tâm bảo vệ thiên nhiên Daxiangling, nói: “Trước đây chúng tôi chưa xác định được dữ liệu về gấu trúc khổng lồ với việc sinh thêm gấu con, thì đột nhiên vào năm 2021, đã phát hiện ra điều đó. Nhóm của chúng tôi đặc biệt vui mừng vì điều này cho thấy những nỗ lực đã được đền đáp. Bây giờ quần thể gấu trúc đang dần tăng lên bởi đàn gấu trúc đã sinh con, chứng tỏ biện pháp bảo tồn đã mang lại hiệu quả.” Dữ liệu của trung tâm cho biết, khi mới ra đời, gấu trúc sơ sinh chỉ dài khoảng từ 15-17 cm và không có lông. Cho đến chín tháng tuổi, gấu trúc con mới bắt đầu được bố mẹ tập cho ăn tre, trúc và đến 18 tháng tuổi chúng sẽ bắt đầu cuộc sống tự lập. Một con gấu trúc trưởng thành có chiều cao hơn 1,5 m, nặng từ 70 đến 120 kg và có thể sống từ 20-30 năm.

Anh Yang Xi cũng cho biết thêm: “Tại Tứ Xuyên, ngoài cơ sở nghiên cứu gấu trúc Thành Đô mà các bạn đang trải nghiệm còn Trung tâm nghiên cứu nhân giống hoang dã Đô Giang Yển với “khe gấu trúc” có diện tích 2.004 mẫu nằm ở thành phố Đô Giang Yển, cách Thành Đô 50 km. Ở đó có hơn 700 loài động thực vật, và là một nơi tự nhiên để thả gấu trúc vào thế giới hoang dã.” Được biết, gấu trúc chỉ còn sinh tồn ở các vùng rừng núi của các tỉnh Tứ Xuyên, Cam Túc và Thiểm Tây. Tổng số lượng gấu trúc trên toàn Trung Quốc ước tính khoảng 1.000 con, trong đó Tứ Xuyên chiếm hơn 80%.

Tứ Xuyên tản mạn ký (kỳ 5) ảnh 1

Du khách mua những chú gấu trúc bông làm quà lưu niệm.

*

Gấu trúc là “quốc bảo” Trung Quốc. Hình ảnh chú gấu trúc khổng lồ, loài động vật hoang dã nhưng hiền lành và đáng yêu xuất hiện thân thiện mọi lúc mọi nơi chúng tôi đi qua. Bởi vậy, từ rất lâu rồi, nước bạn đã biến con vật tuyệt vời này thành một “sứ giả” trong các mối quan hệ quốc tế. Trung Quốc đã thiết lập một con đường ngoại giao mang tên “ngoại giao gấu trúc”. Tìm hiểu qua nhiều kênh, tôi đã thu được những tư liệu liên quan đến trường phái ngoại giao đặc biệt này. Hỏi chuyện thêm anh Cảnh Hiểu Hàm, chuyên viên Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng, đã được anh xác nhận nhiều thông tin thú vị.

Lần đầu tiên, gấu trúc được chọn làm “quà ngoại giao” là vào năm 1957. Dịp đó, Trung Quốc đã tặng Liên Xô (trước kia) một cá thể gấu trúc mang tên Ping Ping thay lời cảm ơn việc Liên Xô là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hai năm sau, Trung Quốc gửi thêm một chú gấu trúc khổng lồ mang tên An An sang Liên Xô để Ping Ping “có đôi có cặp”.

Theo lời hướng dẫn viên, với những đóng góp quan trọng trong công việc nghiên cứu, bảo tồn và nuôi dưỡng “quốc bảo”, từ năm 2006, cơ sở Nhân giống và Nghiên cứu gấu trúc Thành Đô được xếp hạng là điểm tham quan cấp 4A quốc gia Trung Quốc. Cơ sở này cũng đã hai lần giành giải thưởng cao nhất của Liên hợp quốc về môi trường mang tên “Global 500”.

Tuy nhiên, do số lượng cá thể gấu trúc giảm mạnh, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng nên từ đầu năm 1980, Chính phủ Trung Quốc đã chuyển từ hình thức tặng quà sang cho mượn gấu trúc. Mục đích của hành động này là vừa quảng bá đất nước, vừa gửi thông điệp hữu nghị tới các quốc gia và đồng thời cũng là cách gây quỹ bảo tồn loài động vật quý báu này. Với hình thức này, theo trang mạng Slate.fr, hiện có khoảng 20 vườn thú trên thế giới đang nuôi dưỡng 40 chú gấu trúc của Trung Quốc. Các vườn thú có gấu trúc luôn thu hút đông du khách tham quan, như ở Vienna (Áo), Madrid (Tây Ban Nha), Edinburgh (Anh), Washington DC và Atlanta (Mỹ), cũng như ở Mexico City (Mexico). Một vườn thú ở Kuala Lumpur (Malaysia) cũng là nhà ở của một cặp gấu trúc và hai con của chúng. Công viên Pairi Daiza ở gần Brussels (Bỉ) đang nuôi cặp gấu trúc của Trung Quốc từ năm 2015. Cặp gấu này đã sinh một chú gấu con vào năm 2017, sau đó hai năm lại thêm cặp gấu song sinh đáng yêu. Được biết, sau vài năm cho mượn, gấu trúc lại trở về Trung Quốc, có thể cùng với các thành viên mới, trên những chuyến máy bay được trang bị đặc biệt.

Theo một thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo Pháp và Trung Quốc, năm 2012, Vườn thú Beauval của Pháp đã được Trung Quốc cho mượn cặp gấu trúc Yuan Zi và Huan Huan trong thời gian 10 năm. Năm 2017, cặp gấu trúc này sinh được một chú gấu trúc con, đặt tên là Yuan Meng trước khi sinh tiếp cặp song sinh khác vào năm 2021. Đệ nhất Phu nhân Pháp Brigitte Macron được chọn làm người bảo trợ cho Yuan Meng. Thỏa thuận cũng nêu rõ, khi chú gấu trúc đầu tiên ra đời ở Vườn thú Beauval sẽ được đưa trở về Trung Quốc khi nó được bốn tuổi. Nhẽ ra, Yuan Meng được đưa trở lại Trung Quốc từ năm 2021 nhưng do đại dịch Covid-19, nên chuyến “hồi hương” của chú gấu nặng gần 100kg này tạm hoãn. Khi trở về Trung Quốc, Yuan Meng sẽ được đưa tới Trung tâm Nghiên cứu và nhân giống gấu trúc ở Thành Đô.

Một thông tin thú vị là, cặp gấu trúc mang tên Đoàn Đoàn (Tuan Tuan) và Viên Viên (Yuan Yuan) cũng đã vượt biển đến với Vườn thú Đài Bắc (Đài Loan) từ tháng 12/2008. Nếu ghép tên hai chú gấu trúc này lại thì biến thành cặp từ “đoàn viên”. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận quốc tế ở thời gian đó…

Tứ Xuyên tản mạn ký (kỳ 4)

Tứ Xuyên tản mạn ký (kỳ 3)

Tứ Xuyên tản mạn ký (kỳ 2)

Tứ Xuyên tản mạn ký (kỳ 1)