Không gì là vô dụng
Gần 5 năm trước, khi họa sĩ Nguyễn Quốc Dân chở hàng trăm tấm nhôm hoen gỉ cùng nhiều loại phế liệu đến bãi đất trống tại thôn Bến Trễ, người dân quanh vùng ai cũng lắc đầu, thắc mắc cùng tiếng thở dài, rằng: “Ở đâu ra cái thằng mặc đồ mầu mè, thêu thùa chẳng giống ai lại vác toàn rác là rác tới đây thế này?”. Lần đầu chạm mặt, ai cũng nghĩ Dân khùng, bởi người bình thường mấy ai mê rác như anh. Sáng, trưa, chiều, tối, hễ có chút thời gian rảnh, Dân lại vác xe máy chạy dọc khu nghĩa địa gần nhà hoặc ra phía bãi biển để… tìm rác. Có bữa sắp giờ cơm, nghe ngoài bãi rác người ta đang đốt ma-nơ-canh, chẳng kịp mặc áo khoác, Dân phóng xe ra đường giữa cái nắng chang chang. Kịp thời dập lửa “cứu” đám ma-nơ-canh cũ mèm ai đó bỏ đi, anh đem về xưởng, chuẩn bị cho tác phẩm nghệ thuật tiếp theo của mình. Ở xã Cẩm Hà, người lượm ve chai hay chủ phế liệu, ai cũng biết Dân để hễ có rác gì lạ lạ thì liền gõ cửa giới thiệu.
Nguyễn Quốc Dân kể, chẳng phải đợi đến bây giờ anh mới tìm đến rác mà các bãi phế liệu đã trở thành điểm đến quen thuộc từ năm lên 3. Nhà nghèo, khi chưa nói giỏi, Dân đã lang thang nhặt rác cùng mẹ. Khi ấy, rác giúp anh có miếng cơm qua cơn đói. Về sau, rác gợi lên trong đầu nhiều ý tưởng sáng tạo nên anh muốn thử sức trên hành trình này. Xưởng tái sinh đi vào hoạt động gần 5 năm với đa phần vật dụng, đồ trang trí làm từ phế liệu. Ngồi ngẫm lại, Dân có hơn 20 năm miệt mài với rác. Hồi từ Hội An vào Thành phố Hồ Chí Minh học mỹ thuật, anh đã mê mẩn rồi lặng lẽ vác rác về phòng trọ để sáng tác. Quần áo chỉ chọn đồ đã qua sử dụng, vậy mà đến khi rách chỗ này, sứt chỗ kia, Dân đâu nỡ bỏ, lại lấy kim chỉ ra may vá, thêu thêm hoa lá đủ sắc mầu. Từ thời sinh viên, Dân đã chẳng giống ai, từ ăn mặc đến suy nghĩ.
Xưởng tái sinh rộng thênh thang, chứa hàng trăm loại phế liệu, vậy mà khách vào ai nấy đều trầm trồ vì mọi thứ đặt để rất hợp lý, tác phẩm nào cũng giàu tính nghệ thuật và khả năng ứng dụng cao. Can nước rửa chén, thùng phuy cũ, vỏ tivi hỏng, ma-nơ-canh sứt mẻ, thùng rác không ai dùng, nồi niêu xoong chảo “hết đát” hay những chiếc dép trôi trên biển được nam họa sĩ đem về, tỉ mỉ tái sinh vòng đời mới bằng những tác phẩm ấn tượng, độc bản. Hôm gặp tôi, Dân mặc bộ đồ tái chế với đủ gam mầu, đeo chiếc túi lạ lùng. Thấy khách tò mò, anh khoe: “Cái túi này là sản phẩm tái sinh của xưởng đó, làm bằng lưới đánh cá, can nhựa và nhiều loại rác khác. Nhìn vầy thôi chứ bán 5 triệu đồng mà không làm kịp hàng cho khách vì nhiều người ưng lắm. Rác đâu phải là thứ bỏ đi. Cái khó là mình nghĩ ra ý tưởng và biến rác thành món đồ giá trị, đưa nó từ bãi phế liệu đến tay người yêu thích cái đẹp, cái độc đáo”.
Cộng sự ăn ý nhất ở Xưởng tái sinh không ai khác là mẹ của Dân. Bà rành về các loại rác không kém gì con trai mình. Dân chở phế liệu về, bà lụi cụi phân loại, vệ sinh mọi thứ thật sạch, chờ ngắm vòng đời mới của mớ rác người ta vứt lăn lóc ngoài đường. Ban đầu, nghe hàng xóm xì xào, bà cũng tính đi giải thích cho người ta hiểu. Nhưng rồi nhìn con trai say sưa sáng tác, bà biết chẳng cần phải chứng minh hay nói thêm điều gì. Vài ba tác phẩm thành hình, hàng xóm chuyển từ hoài nghi sang yêu thích, chẳng mấy chốc ai có rác cũng nghĩ đến mẹ con Dân. Người ta đến xem vì tò mò, rồi dần chuyển sang yêu thích, cảm mến. Xưởng ngày càng đông khách ghé thăm, bà con trong xóm vui lây. Họ khen Dân khéo tay, lại biết tận dụng bao món bỏ đi tạo thành đồ nghệ thuật. Nhiều người học theo, tự dưng cả xóm xanh sạch, ai cũng thích.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân bên tác phẩm làm từ nhựa tái chế. |
Triển lãm nhựa tái chế đầu tiên
Nhiều ngày nay, công việc tại Hội An, Dân tạm nhờ mẹ và người em thân thiết trông coi, hai vợ chồng anh vào Thành phố Hồ Chí Minh chăm chút cho triển lãm nhựa tái chế mang tên “Loài phế liệu”. Để đưa 50 tác phẩm nhựa tái sinh vào nam phải cần đến xe tải 25 tấn cùng vài người hỗ trợ. Nguyễn Quốc Dân nói, đây là triển lãm tốn nhiều công sức nhất nhưng anh thấy đáng vì đã chuẩn bị, đợi chờ suốt nhiều năm liền. Triển lãm cá nhân anh tổ chức vài đợt rồi nhưng đây là lần đầu tiên các tác phẩm từ Xưởng tái sinh được đưa vào miền nam giới thiệu với cộng đồng. Vậy nên, trước ngày mở cửa đón khách, nam họa sĩ vẫn nôn nao đến khó ngủ.
Các loại rác thải nhựa phổ biến bỗng trở nên lạ mắt khi ở hình hài mới, lộng lẫy và độc đáo khiến khách tham quan trầm trồ. Đứng ở góc phòng trưng bày lặng ngắm mọi người thích thú chạm tay vào từng tác phẩm chế tác từ rác của mình, anh Dân cười mãi. Anh và vợ túc trực ở triển lãm này để kể cho mọi người nghe câu chuyện về từng bức tranh, pho tượng, về cách thu thập, xử lý và nâng niu rác trong mấy năm ròng. Khách ngạc nhiên với sự dày công, còn anh vui vẻ vì tác phẩm được đón nhận. “Loài phế liệu là cách tôi nhân hóa rác thải để gửi thông điệp tích cực đến cộng đồng. Trong mỗi bức tượng được chế tác từ nhựa cũ, gương mặt nào cũng có sự dằn xé như để thức tỉnh, nhắc nhở người xem rằng chúng ta đang chưa đối xử công bằng với rác thải. Tôi cho rác cơ hội chứng minh sự hữu ích bằng cách tái sinh nó với hình hài mới mẻ, ấn tượng. Người xem bị thu hút bởi cái đẹp và khi yêu thích câu chuyện chung quanh mỗi tác phẩm, tôi tin họ sẽ ít nhiều quan tâm đến việc tái chế những thứ tưởng chừng bỏ đi”, họa sĩ Nguyễn Quốc Dân chia sẻ.
Lo xong triển lãm, Nguyễn Quốc Dân lại quay về với Xưởng tái sinh để đón những đoàn khách nước ngoài ghé thăm. Anh mừng là bên cạnh du khách quốc tế, nhiều bạn trẻ Việt rất háo hức khi đến không gian tái chế và trưng bày rác mà mình đầu tư nhiều tâm sức thực hiện. Một bức tranh hay pho tượng ra đời, hàng trăm sản phẩm nhựa cũ được tái sinh. Anh muốn rác thải có vòng đời mới tốt đẹp hơn thay vì nằm vật vờ ngoài bãi rác đợi người ta đốt thành những làn khói đen kịt, hôi rình.
Mặc đồ vá, đi dép nhựa, hay cười, Nguyễn Quốc Dân cảm nhận rõ sự hạnh phúc khi ngày ngày được thỏa sức sáng tạo giữa “biệt thự phế liệu” do mình tạo ra. Chẳng làm gì to tát, anh chỉ muốn chứng minh với mọi người một điều: Rác không có lỗi cũng chẳng xấu, miễn chúng ta đừng xả nó vô tội vạ. Làm cho rác đẹp lên bằng những tạo hình độc đáo, những tác phẩm ấn tượng, anh chỉ mong cộng đồng có cái nhìn đúng hơn về rác và tận dụng, tái chế thứ bỏ đi ấy khi còn có thể. Từ Xưởng tái sinh, Dân mơ ước sẽ có thêm nhiều hẻm tái sinh, làng tái sinh, bảo tàng tái sinh để rác được tái tạo vòng đời, kể những câu chuyện thật đẹp về cuộc sống.
Từ ngày có xưởng, anh bận hơn với lịch đón khách, nói chuyện về rác với mọi người. Thế nhưng ngay khi rảnh tay, anh liền lang thang trong xóm gom đám trẻ con lại để rủ rê học vẽ, học cách phân loại rác và làm đồ chơi tái chế. Lo việc trong xưởng xong, anh lại lên xe máy dạo một vòng phố Hội, ghé vào các vựa phế liệu, bãi rác thân quen rồi cặm cụi nhặt nhạnh “của để dành”.