Kể lại chuyện đời mình
Hình ảnh ấy mãi khắc ghi trong tâm trí mẹ bà Phượng. Vậy nên, 43 năm sau, gặp nhau tại sân bay ở Pháp, thấy trước mặt mình là một người phụ nữ trung niên, mẹ bà không nhận ra cô con gái nhỏ nhắn ngày nào. “Má ơi! Con đây”, nghe con gái gọi, người mẹ thụt lùi vài bước, ngước mắt nhìn thật lâu. “Tôi đến gần, ôm mẹ và tiếp tục gọi “Má ơi!”. Lúc ấy, bà sờ lên tai tôi rồi nhận ra sự thân quen dù hơn 40 năm chưa gặp lại. Bà gục đầu vào người tôi. Những ngày sau đó, khi gia đình cùng nhau ở trong một khách sạn tại Paris, mẹ chăm sóc tôi như cách bà từng làm khi xưa.
Gặp lại mẹ sau hơn 40 năm, bà Phượng nhận ra mình và mẹ vẫn chưa hiểu nhau. “Tôi nghĩ bà cần có lời giải đáp cho việc một cô bé như tôi bỏ nhà vào rừng làm cách mạng, chịu bao gian nguy vẫn không bỏ cuộc. Tôi nghĩ cần kể lại chuyện đời mình…”, đạo diễn Xuân Phượng hồi tưởng.
Vậy mà, ý định đó mãi hơn 30 năm sau mới thành hiện thực. Năm 2020, khi đã ngoài 90 tuổi, đạo diễn Xuân Phượng mới ngồi vào bàn viết cuốn hồi ký đầu tiên. Các mảnh ghép cuộc đời tưởng chừng bị năm tháng làm mờ bỗng hiện lên rõ nét như từng thước phim. Khi viết “Gánh gánh gồng gồng”, đạo diễn Xuân Phượng muốn kể cho mẹ và các em nghe về hành trình mình tham gia kháng chiến với đủ nghề, đủ việc. Bà muốn mẹ hiểu lựa chọn của mình. Bà cũng muốn dặn dò con cháu rằng, có hôm nay đừng cho phép bản thân quên công ơn của những người đã ngã xuống, đã hy sinh vì độc lập, hòa bình.
Đạo diễn Xuân Phượng nói, bà có hai cuộc đời, một trước hưu và một sau hưu. Cuộc đời nào cũng đầy ắp kỷ niệm đáng nhớ. Rời gia đình, mấy chục năm liền theo cách mạng, đi qua bao cột mốc khốc liệt của chiến tranh, trong hành trình đầy hiểm nguy ấy, bà chọn cách bình thản đối đầu với từng thử thách. Cuộc đời sau hưu lại vô cùng phong phú khi bà có điều kiện thực hiện nhiều kế hoạch còn dở dang ngày trẻ, trong đó có nhiệm vụ làm đẹp cho đời.
Năm 16 tuổi, khi cả gia đình ở miền nam, bà lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Thấy ai cũng đi chân trần, bà bỏ đôi giày êm, bắt đầu băng rừng với đá lởm chởm khắp nơi. Đôi chân thiếu nữ chẳng mấy chốc túa máu nhưng miệng chẳng than vãn. Bà nhớ như in giai đoạn thử thách ấy: “Khi đó làm gì có băng bông gì đâu, đến nơi nghỉ tạm, tôi lấy áo lót băng chân lại rồi đi ngủ. Sáng hôm sau, khi gỡ cái áo lót đó ra, phần da non bị kéo theo, đau tận xương. Cứ thế, ngày thứ hai, thứ ba chân đau hơn nhưng tôi không cho phép mình bỏ cuộc. Rồi vết thương chai lại, hai tháng sau, tôi đi phăng phăng trong rừng”.
Bước ngoặt
Năm 37 tuổi, đạo diễn Xuân Phượng lại tiếp tục đứng trước lựa chọn quan trọng của đời mình. Khi ấy, bà là bác sĩ, phụ trách một phòng khám đầy đủ tiện nghi tại Hà Nội, chuyên phục vụ các nguyên thủ quốc tế, khách quý của Việt Nam. Thế nhưng, sau hơn hai tháng theo phiên dịch cho đoàn làm phim tài liệu của đạo diễn người Pháp tại Vĩnh Linh (Quảng Trị), cảm nhận rõ sự can trường của quân dân tại những điểm nóng chiến tranh, khi trở về Hà Nội, bà cứ thấy lòng day dứt. Trước khi rời Việt Nam, vị đạo diễn người Pháp vỗ vai bà, nhắn nhủ: “Phượng ơi! Tôi thấy Phượng có tố chất của một phóng viên chiến trường vì nhanh nhẹn, can đảm. Lúc này, nghề bác sĩ rất cần, nghề phiên dịch rất cần nhưng cần hơn hết là những người làm phim chiến trường để ghi lại tội ác của quân xâm lăng cho cả thế giới biết và lên án”.
Với những năm tháng hoạt động trước đó, nếu lúc đó bà yên ổn ở Hà Nội, chẳng ai nói gì bà. Nhưng nếu chọn như vậy, lòng bà sẽ day dứt khôn nguôi. Đạo diễn Xuân Phượng mở lời với chồng con và quyết định: “Nhưng tôi nghĩ, mỗi người chỉ sống một cuộc đời thôi. Nếu ta làm được theo điều mình mong muốn thì có chết cũng không hối hận. Tôi may mắn khi gia đình không phản đối. Con trai út động viên vì sợ tôi lo nghĩ. Nó nói “Má ơi, nếu mà lương thấp không có cơm với cá thì mình ăn cơm với muối cũng được. Năm đó, tôi tình nguyện bỏ nghề y và bước vào học làm phóng viên chiến trường”, đạo diễn Xuân Phượng kể lại cơ duyên đưa bà đến với nghề phóng viên chiến trường và những bộ phim tài liệu đoạt giải quốc tế sau này.
Chiến trường khốc liệt, đàn ông khổ một, phụ nữ khổ mười, nhưng đạo diễn Xuân Phượng nói rằng bà không muốn làm kẻ phản bội. Nếu quay về vì không chịu được khổ cực, gian nguy thì khi nhìn cha mẹ mình, bà sẽ thấy vô cùng xấu hổ. Với lại, nếu ai cũng bỏ về thì đất nước sẽ ra sao? Ở nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, hạnh phúc của những người chọn theo kháng chiến như bà khi ấy vô cùng giản đơn. Với bà, hạnh phúc của đời làm phóng viên chiến trường là chẳng khi nào mất ngủ, cứ nghe lệnh là dừng lại, tựa lưng vào cây đánh một giấc ngon lành, đến khi nhận lệnh thì đi. Khi sống trong thiếu thốn lâu ngày, được tặng hai ba hạt muối tanh nồng đã đủ thấy hân hoan. Hay như ngày Tết, mấy chị em vượt rừng vài chục cây số để được xem phim. Khi thấy tên phim hiện lên, bao nhọc nhằn, sợ hãi tan biến, chỉ còn lại niềm vui.
Cuộc đời mang đến cho đạo diễn Xuân Phượng rất nhiều chọn lựa, và may mắn thay, lựa chọn nào cũng mang đến cho bà những trải nghiệm đáng nhớ. Về hưu được một thời gian, cuối những năm 80, bà quyết định sang Pháp làm công việc liên quan đến truyền hình, dịch thuật. Công việc đúng chuyên môn cộng thêm chế độ đãi ngộ tốt, ai cũng nghĩ bà sẽ chọn đây là điểm dừng chân. Thế nhưng chỉ sau hai năm, bà quay về Việt Nam bắt đầu hành trình mới với vài nghìn đô-la Mỹ tiết kiệm được khi ấy. Mở phòng tranh tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc bao lời ngăn cản của bạn bè, người thân, ai hỏi thăm, bà đều giải thích: “Tôi muốn người nước ngoài biết rằng, ngoài chiến tranh, Việt Nam còn có nền văn hóa mấy ngàn năm và hội họa là một phần trong đó. Tôi nghe quá nhiều lời thương cảm mà bạn bè quốc tế dành cho đất nước mình. Nào là Việt Nam chiến tranh, Việt Nam khó khăn, Việt Nam nhiều trẻ mồ côi… Thế còn nền văn hóa của chúng tôi, sao các bạn không nhắc đến?”.
Bà biết về tranh, có các mối quan hệ với các họa sĩ nổi tiếng thời ấy, vậy mà trong giai đoạn khó khăn nhất khi khởi nghiệp, bà chọn đồng hành với những họa sĩ tài năng nhưng chưa được nhiều người chú ý. Bà đi dọc Việt Nam, nghe ai giới thiệu nơi nào có họa sĩ tài năng là tìm đến hỏi thăm, trao đổi. Bà lắng nghe câu chuyện của các họa sĩ nghèo, thuyết phục họ bán tranh và sau này là tham gia nhiều triển lãm quốc tế. Trong 30 năm gắn bó với phòng tranh, đạo diễn Xuân Phượng đã tổ chức được rất nhiều triển lãm, đưa tác phẩm hội họa Việt Nam đến gần hơn với người yêu thích nghệ thuật tại các quốc gia phát triển và giúp nhiều họa sĩ tìm thấy niềm vui trong công việc sáng tạo mỗi ngày.
Sau hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” và “Khắc đi khắc đến”, đạo diễn Xuân Phượng đang tập trung hoàn thiện thêm hai đầu sách mới, dự kiến ra mắt vào năm 2025. Nếu ai đó thắc mắc tại sao hơn 90 tuổi vẫn chưa chịu nghỉ ngơi, đạo diễn Xuân Phượng hay trải lòng, bà đang tranh thủ từng ngày để viết và gửi gắm lại những bài học giá trị cho lớp trẻ sau này bằng chính cuộc đời của mình. Dù đã 95 tuổi, mỗi ngày, bà đều dành vài tiếng cho viết lách, vài tiếng cho chăm sóc sức khỏe rồi mới tính đến chuyện thư giãn, nghỉ ngơi. Đó là cách bà giữ một trái tim “thanh xuân” để làm thêm nhiều phần việc có ích.