Áo dài, kiến trúc và tập tục xưa
Mặc áo dài xanh, tay cầm bút lông chỉ lên tấm bảng vẽ đủ kiểu trang phục, kiến trúc xưa, Tính mở đầu buổi học bằng cách tóm lược vài nội dung cơ bản. Hôm nay, hơn 10 bạn trẻ tại “Cổ lệ học đàng” sẽ cùng nhau tìm hiểu về áo dài truyền thống và thực hành nghi lễ cúng bái xưa ngay tại đình. Tính giới thiệu về nguồn gốc, hành trình phát triển của áo dài Việt cùng lối mặc, cách may của người xưa. Mỗi phần hướng dẫn đều đi kèm thí dụ gắn liền với lịch sử, văn hóa của dân tộc theo từng giai đoạn. Các bạn trẻ, người lắng nghe say sưa, người tranh thủ ghi chép, người quay video hoặc ghi âm làm tư liệu.
Tính vẽ kỹ từng lớp áo, cấu tạo thân tà và lý giải chi tiết để người nghe hiểu rõ. Xong phần lý thuyết, cả lớp háo hức mặc thử áo dài xưa và bàn luận rôm rả. Trước khi ghé lớp, tất cả thành viên đều được thông báo về chủ đề bài mới nên chủ động dành thời gian tìm hiểu trước, đặt thêm câu hỏi rồi cùng nhau trao đổi, bổ sung các nội dung liên quan. Lần đầu được mặc áo dài xưa, học và thực hành từng công đoạn cúng bái tại đình, bạn trẻ vừa thích thú, vừa hồi hộp. Đứng một góc quan sát Tính hướng dẫn mọi người cách đi đứng, cúi đầu, chắp tay, ông Trần Văn Sung, Trưởng ban quản trị đình Phú Thạnh khẽ mỉm cười. Ông vui vì giới trẻ ngày nay vẫn muốn tìm hiểu về văn hóa, tập tục truyền thống của người xưa.
Lớp mở cố định tại đình vào chủ nhật hai tuần đầu tháng, bận cỡ nào ông Sung cũng ghé thăm, thi thoảng giúp đỡ, dạy thêm vài điều. Dần dà quen mặt, ông trở thành thầy giáo lớn tuổi của lớp. Như bữa nay, chờ từng người thực hành nghi lễ cúng bái xong, ông góp ý, chỉnh sửa sao cho chính xác nhất. Những nghi lễ này ông thực hành nhiều năm nên thuộc nằm lòng. Bạn trẻ nhìn theo không chớp mắt, phần tò mò, phần háo hức. “Các bạn trẻ học nhau rất nhanh, hướng dẫn người này là người kia rút kinh nghiệm nên mọi thứ đâu vào đấy. Từ ngày Tính đến đình xin mở lớp học này, tôi như trẻ lại vì thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với các bạn sinh viên. Tính hướng dẫn chính, tôi chỉ bổ sung thêm vài điều bản thân rút ra từ quá trình làm việc thực tế để mọi thứ trọn vẹn hơn. Thời hiện đại mà vẫn còn nhiều bạn trẻ duy trì được đam mê tìm hiểu, thực hành các phong tục tập quán xưa như vầy là quý lắm”, ông Sung nói với ánh mắt lấp lánh niềm vui.
“Cổ lệ học đàng” mở từ năm 2021 đến nay, mỗi khóa kéo dài một năm, thu hút nhiều bạn trẻ đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia. Mỗi tuần một chủ đề, khi thì tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa lễ nghi, văn học truyền thống, lúc lại mày mò khám phá trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán xưa… Lớp hoạt động vào ba ngày chủ nhật của tháng, trong đó hai ngày dành cho việc học lý thuyết và thực hành tại chỗ, ngày còn lại mọi người cùng vác ba-lô đi điền dã để tăng thêm trải nghiệm thực tế. Tính chia sẻ, cái khó là giữa tầng tầng lớp lớp kiến thức về văn hóa xưa, anh phải chọn cho bằng được những thứ cô đọng, gần gũi nhất với cuộc sống hiện đại mà giới thiệu, truyền tải đến người trẻ: “Không có kiến thức hàn lâm hay những điều mơ hồ, khó hình dung, tôi chọn lọc từng chi tiết sao cho nói ra là các bạn nắm bắt và có thể ứng dụng, kiểm chứng ngay. Tôi đưa ra những khái niệm khái quát cho từng chủ đề và hướng dẫn để khi nhìn vào các bạn sẽ phân biệt được đâu là trang phục, kiến trúc truyền thống, đâu là sản phẩm pha giữa nhiều nền văn hóa”, chủ nhiệm lớp học Cổ lệ cho biết thêm.
Các thành viên lớp học Cổ lệ tham gia một buổi điền dã. |
Cùng nhau lan tỏa điều hay
Cũng như từng thành viên trong lớp, Tính thích nhất là những tuần cùng nhau góp tiền đi điền dã khắp các tỉnh, thành phố phía nam. Cũng có lúc, lớp chọn điền dã ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh với những địa chỉ ít người biết tới. Trong quá trình nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ xưa, Tính đọc nhiều, đi lắm, nơi nào độc đáo anh đều ghi lại và giờ lần lượt giới thiệu với mọi người. Điểm đến yêu thích của Tính và các bạn trẻ thường là đình miếu, chùa chiền, nơi còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc xưa cùng các tập tục truyền thống. Tại đây, họ được nghe những câu chuyện tạo nên di tích hay công trình cổ kính, được tận mắt chứng kiến rồi thực hành các tập tục xưa và học tập thực tế từ kiến trúc, hoa văn, họa tiết, từ các cổ vật còn sót lại theo thời gian. Những chuyến đi như thế giúp Tính và các thành viên trong lớp hiểu để yêu thêm văn hóa truyền thống.
Sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh, sống chung quanh rất nhiều di tích, thế nhưng, mãi đến khi vào đại học, Hà Thanh Hồng mới có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu sâu về kiến trúc xưa. Nhà trường tổ chức các buổi kiến tập, khảo sát lấy thông tin phục vụ cho ngành học văn hóa nên Hồng cùng bạn bè trong lớp được đưa đến khá nhiều đình chùa nổi tiếng trên địa bàn. “Văn hóa truyền thống và phong tục, tập quán của ông bà ngày xưa khiến tôi càng tìm hiểu càng mê. Đến khi làm đồ án tốt nghiệp đại học, tôi quyết định chọn đề tài Thiết kế bảo tàng trang phục Việt Nam. Tôi dành nhiều thời gian mày mò sách vở, tài liệu trên mạng và gặp gỡ các cô chú, anh chị chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này để học hỏi kinh nghiệm, bổ sung kiến thức. Trong quá trình ấy, tôi biết đến lớp học Cổ lệ và đăng ký tham gia. Ngày trước mê phượt nhưng chủ yếu đi chơi, chụp hình làm kỷ niệm, còn giờ đây, đến điểm nào tôi cũng thủ sẵn bút giấy để ghi chép, vẽ lại những dấu ấn đặc biệt”, Hồng chia sẻ.
Khi biết thêm về văn hóa, phong tục xưa, đôi chân cô gái trẻ lại muốn rong ruổi các vùng miền để học thực tế tại từng điểm đến. Từ việc thấy cái gì đẹp thì lưu lại để đó, giờ đây, nhờ được trang bị nền kiến thức cơ bản về văn hóa và kiến trúc truyền thống, Hồng biết họa tiết đó có ý nghĩa gì, tại sao mái đình ở nơi này lại khác nơi kia… Càng biết lại càng tò mò, muốn tìm hiểu, thực hành nhiều hơn. Mỗi dịp đi điền dã, thấy điểm mới hoặc điều gì còn băn khoăn, Hồng đều nhờ Tính giải đáp đến khi hiểu cặn kẽ mới thôi. Nghe thầy giáo trẻ nhiệt tình phân tích, dẫn chứng, Hồng ghi chép đầy đủ để về nhà đọc lại, ôn thêm.
Học chuyên ngành Thiết kế nội thất, không ưu tiên phong cách hiện đại như bạn bè đồng trang lứa, Lê Ngô Ngọc Tín (27 tuổi, cựu sinh viên Trường đại học Văn Lang) lại bị thu hút bởi các kiến thức liên quan đến vốn cổ, văn hóa truyền thống, đặc biệt là kiến trúc xưa. Thời còn là sinh viên, có lần Tín được tham gia khóa tìm hiểu, đo đạc tại ngôi đình nọ ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian một tháng. Ngày ngày đo đạc lại từng thước cột, tim tường, chụp cận nét các mẫu hoa văn rồi ghi chép, về nhà vẽ lại trên máy tính, Tín nhận ra mình yêu thích lĩnh vực này. Khoa có 121 sinh viên, chỉ Tín và một bạn nữ chọn theo các công trình cổ, thế nhưng cũng khiến thầy phụ trách xúc động.
Tham gia lớp học Cổ lệ suốt hai khóa liền, vậy mà Tín vẫn chưa muốn dừng lại dù lắm kiến thức đã thuộc nằm lòng. Tín đến lớp đều đặn, không sót buổi điền dã nào. Sau mỗi giờ học tại đình hay chuyến đi với lớp, Tín tỉ mẩn viết lại hành trình rồi chia sẻ trên mạng xã hội cùng với những hình ảnh, video do cô thực hiện, dựng ghép. Tín tạo riêng một trang Facebook để chia sẻ về văn hóa xưa, các di tích mà cô có dịp ghé thăm, tìm hiểu. Bạn bè, người thân rồi đến người lạ dần tò mò rồi chuyển sang thích thú với những điều Tín đăng tải trên mạng về “Cổ lệ học đàng”, về văn hóa truyền thống Nam Bộ và những người trẻ cùng tần số. Khi ai đó nhắn tin hỏi thăm, Tín đều rủ “Đi học với tụi mình cho biết. Vui và thú vị lắm”.