Những người lính nhà giàn

Những năm tháng ấy, chúng tôi đã phải đối mặt với sóng gió, với hiểm nguy rình rập từ hướng biển để đặt nền móng vững chắc cho chủ quyền Tổ quốc hôm nay. Câu chuyện tôi viết ra đây không phải về một Paven Kochagin của Liên Xô những năm 1930 mà là về những người lính nhà giàn dành trọn thanh xuân cho biển cả. Biết bao trận cuồng phong đã càn quét qua thềm lục địa phía nam, thế nhưng, lính nhà giàn vẫn sừng sững, hiên ngang nơi đầu sóng, sống trên thép và bền gan hơn thép.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam Tổ quốc.
Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam Tổ quốc.

Vừa vần vô-lăng, tôi vừa liếc mắt theo dõi vệt chỉ đường mầu xanh trên ứng dụng google map tìm về thị trấn Vĩnh Trụ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Tôi đi thăm một người bạn đặc biệt, từng công tác ở một đơn vị đặc biệt, từng rơi vào một hoàn cảnh đặc biệt, từng có những hành động đặc biệt và đồng thời từng là cấp dưới đặc biệt của tôi: Trung tá Dương Văn Hoan, nguyên chỉ huy trưởng các Nhà giàn DK1, Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân.

Hoan ra đón tôi đầu đường, mặc áo sơ-mi trắng, đóng thùng nghiêm chỉnh trong chiếc quần vải mầu xanh than truyền thống của hải quân. Làn da sạm, đôi mắt sáng, khuôn mặt rắn rỏi, cương nghị. Cậu giơ tay ngang chân mày chào điều lệnh trước khi nhào tới ôm tôi.

Chúng tôi cùng bước vào căn nhà ống hai tầng xây theo kiểu nhà phố những năm đầu thế kỷ 21, bên trong vô cùng gọn gàng, ngăn nắp. Tất cả đồ đạc được sắp xếp vuông vắn, khoa học đến mức kỳ lạ. Hoan gãi đầu cười gượng: “Người ta nói là em bị OCD anh ạ. Em thì chẳng hiểu OCD lắm nhưng đúng là em bị ám ảnh về sự gọn gàng, luôn muốn sắp xếp đồ khoa học, tiết kiệm diện tích như hồi ở nhà giàn”. Tôi thông cảm: “Thế là em bị hội chứng nhà giàn rồi. Ngăn nắp gọn gàng là tốt mà”.

Vừa pha trà mời khách, Hoan vừa tiếp: “Về nghỉ hưu hai năm rồi nhưng em vẫn nhớ biển, nhớ nhà giàn lắm anh ạ. Em thuê người ta in phun ảnh nhà giàn lên cửa. Em muốn sáng ngủ dậy sẽ nhìn thấy nhà giàn, khi ăn cơm ngắm nhà giàn và trước khi đi ngủ cũng nhìn thấy nhà giàn”. Tôi xúc động nhìn “nhà giàn” của Hoan. Đó là nhà DK1/9 ở giữa sóng nước mênh mông. Tấm ảnh được phun trên cánh cửa kính, một mặt hướng vào phòng ngủ của hai vợ chồng, mặt còn lại hướng ra phòng ăn. Dù tay nghề in phun của các bác thợ nông thôn có hơi kém thẩm mỹ, tôi vẫn thấy tác phẩm này đẹp vô cùng. Chỉ những người đã dành trọn thanh xuân cho biển mới thấu được nỗi chông chênh của Hoan khi trở về đất liền.

Tôi nhớ tháng 7/1989, tôi tốt nghiệp ra trường đúng vào thời điểm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị số 180 về việc xây dựng “Cụm Dịch vụ Kinh tế - Khoa học kỹ thuật” (gọi tắt là công trình DK1 thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tại các bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía nam. Tôi là sĩ quan hàng hải được phân công về tàu chiến đấu với nhiệm vụ: trực sẵn sàng bảo vệ việc xây dựng lắp đặt các nhà giàn, bảo vệ các nhà giàn đã lắp đặt xong, bảo vệ bộ đội nhà giàn. Việc nghiên cứu, thiết kế, thi công lắp đặt nhà giàn vô cùng gian nan, vất vả, thế nhưng, việc bảo vệ các nhà giàn, bảo vệ chủ quyền của bộ đội trên các nhà giàn, của bộ đội tàu còn vất vả, gian nan gấp bội phần. Để có được một vùng biển bình yên như hôm nay, cán bộ chiến sĩ hải quân nói chung và cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, Lữ đoàn 171 nói riêng đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, máu xương và cả những hy sinh thầm lặng không thể nói hết thành lời.

“Hồi đó có hình dung được nhà giàn là như thế nào đâu”, nhấp ngụm nước chè đặc, Hoan thủng thẳng, “Năm 1995 em tốt nghiệp Trường sĩ quan Lục quân 1 xong thì được điều về Tiểu đoàn DK1 Lữ đoàn 171 Hải quân cùng 14 anh em nữa. Tới khi tàu đưa ra nhà giàn, bước lên ngôi nhà cao chân giữa biển thì mới thấy hết được sự khắc nghiệt. Kiến thức em học được ở Lục quân 1 chẳng thấm tháp vào đâu so với điều kiện thực tiễn ở nhà giàn. Em phải vừa làm, vừa học. Học tất cả kiến thức về hải quân, luật biển, khí tượng thủy văn rồi thói quen đi biển của ngư dân...”.

Tôi chăm chú lắng nghe từng lời Hoan kể, hồi tưởng lại giai đoạn đầu đầy gian khó của bộ đội nhà giàn. Thiếu thốn vật chất, tinh thần và gian khổ nhất là phải chống chọi với bão.

“Em vẫn nhớ như in cơn bão số 8 ngày 12/12/1998”, tiếng Hoan nói chạm đúng mạch suy tư của tôi. “Nghe tin báo bão, chúng em đặt một chậu nước đầy ở giữa nhà, mấy anh em ngồi quây quần chung quanh, vừa chia nhau lương khô, vừa nhìn chậu nước. Mọi người quan sát lượng nước sánh ra ngoài nhiều hay ít để đo lường sức mạnh của cơn bão. Tới 3 giờ 40 phút ngày 13 thì bão to quá, sóng trùm lên xô đổ nhà giàn, cả 9 anh em phải nhảy xuống biển. Năm người bám được vào phao, vừa chống chọi với sóng dữ, vừa gào gọi đồng đội. Gần sáng thì vớt thêm được pháo thủ Nguyễn Văn Thơ. Sáu anh em cứ thế trôi dạt 14 tiếng thì được tàu HQ606 tìm thấy. Ba người còn lại thì bặt tích”.

Kể tới đây, Hoan nghèn nghẹn và tôi cũng thấy trong mắt mình có nước.

Chậm rãi nhấp thêm ngụm chè chát, Hoan bồi hồi: “Ngôi nhà này em xây năm 1999. Sau lần chết hụt vì đổ nhà giàn năm đó, em không sợ, vẫn tiếp tục nhận nhiệm vụ đi các nhà giàn khác, thế nhưng lại nghĩ nếu mình có mệnh hệ gì thì thương vợ con thiệt thòi. Nên em quyết tâm gom hết tiền xây căn nhà tử tế cho vợ con ở”. Ngập ngừng một chút, Hoan tiếp: “Thực ra, nếu mình không đi tiếp thì cũng không ai chê trách gì mình, nhưng không đi thì không xứng với anh em, với cả người đang sống và cả những người đã hy sinh”.

Những người lính nhà giàn ảnh 1

CĐĐ Phạm Khắc Lượng (tác giả) và Trung tá Dương Văn Hoan (bên phải) cạnh hình ảnh nhà giàn in phun trên cửa. Ảnh: PHƯƠNG DUNG

Câu chuyện của Hoan làm tôi nhớ năm 1990, khi tàu chúng tôi đi trực bảo vệ tại bãi cạn Ba Kè. Một lần, tôi chỉ huy xuồng đưa thiết bị vào nhà giàn, lúc quay về tàu thì trời nổi cơn dông khiến xuồng bị lật. Ba anh em rơi xuống biển nhưng vẫn bám được mũi xuồng. Thật may là xuồng composite nên khi lật không bị chìm mà trôi lập lờ trên biển. Cơn dông chỉ kéo dài hơn 30 phút nhưng đã đẩy chúng tôi cách xa tàu, xa nhà giàn gần chục hải lý. Khi dông tan, biển lặng, trời tối dần. Chúng tôi bị thả trôi hơn ba tiếng đồng hồ trước khi được tàu vớt. Và thật sự, trong ba tiếng đó, đã có lúc tôi cảm thấy lo sợ. Vậy mà đối với Hoan là tận 14 tiếng thả trôi trong bão với cái lạnh thấu xương của biển đêm, rồi sự hoang mang tột cùng trước mất mát, hy sinh của đồng đội.

Cũng trong năm đó, chúng tôi được lệnh đưa tàu đi cấp cứu nhà giàn DK1A. Khi tới nơi thì sóng gió đã lên đến cấp 6 - cấp 7, tàu không thể cơ động vào gần nhà giàn để đón anh em được nữa. Anh em trên nhà đành bọc những gói đồ thiết yếu, tài liệu mật trong các bao nylon rồi buộc vào dây mồi có phao thả xuống biển để tàu vớt. Sau đó, toàn bộ anh em mặc áo phao nhảy xuống biển bơi ra xa nhà giàn đợi tàu đến đón. Mà kỳ thực, theo tàu đi vớt người trong bão mới thấy bộ đội nhà giàn “lỳ” như thế nào. Lợi dụng sóng to xô nghiêng tàu, lúc mạn tàu chạm mặt nước, anh em dưới biển sẽ chộp lấy dây lan can và đu lên tàu. Những thân hình gầy gò, đen xạm vì gió và muối biển nhưng động tác thì dứt khoát, thành thục, nhoi từ biển lên boong tàu như những con rái cá. Tôi cảm phục họ vô cùng.

Gian khổ, hy sinh là vậy nhưng vì những vấn đề phức tạp và nhạy cảm trên biển mà trong vòng 20 năm kể từ khi thành lập đơn vị, bộ đội nhà giàn phải âm thầm chịu đựng trong bóng tối, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Năm 2011, sau rất nhiều hội thảo về thiết kế, công việc nâng cấp sửa chữa các nhà giàn chính thức bắt đầu với quy mô lớn hơn, vững chắc hơn. Đến giữa năm 2017 thì việc nâng cấp sửa chữa các nhà giàn ở khu vực DK1 hoàn thành.

Mở mấy tấm ảnh mờ cũ trong điện thoại của mình, Hoan chỉ cho tôi xem hình ảnh sóng biển trắng xóa trùm lên tận cây cầu nối giữa nhà mới và nhà cũ: “Thủ trưởng có nhớ cơn bão 16 cuối năm 2017 không? Các nhà giàn vừa nâng cấp xong thì bão đến, quét trọn một vòng tất cả các nhà giàn luôn”. “Ừ, nhớ chứ! Đó là cơn bão lớn nhất từ khi chúng ta xây dựng các nhà giàn, sức gió cấp 12, 13 giật cấp 14, 15. Lạ lùng là đường đi của nó càn qua tất cả các nhà như để kiểm tra chất lượng công trình của chúng ta vậy”. Nói tới đây, cả tôi và Hoan cùng cười vang.

Năm đó, từ Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh vùng, tôi đã phải cân não xem có đưa bộ đội rời nhà giàn không. Nếu quyết định quá sớm và không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ nhưng nếu không quyết định kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sự an nguy của anh em. Chính Hoan khi đó đang là chỉ huy trưởng nhà DK1/21 ở cụm Ba Kè, nơi đón bão đầu tiên, đã khẳng định với tôi về độ bền vững của nhà giàn và quyết tâm ở lại chống bão. Còn bản thân tôi cũng đã trực tiếp tham gia bảo vệ thi công nâng cấp sửa chữa các nhà giàn, tôi có niềm tin vào trình độ khoa học kỹ thuật của các chuyên gia thiết kế xây dựng và tin vào khả năng của anh em. Từ tất cả những yếu tố đó, tôi đã báo cáo Quân chủng Hải quân quyết tâm cho bộ đội ở lại nhà giàn chống bão.

Cả đêm thức trắng. Phải tới khi nghe cuộc bộ đàm cuối của Hoan: “Báo cáo Tư lệnh, gió giảm, bão đã đi qua, bộ đội và nhà giàn an toàn. Chúng ta đã thắng!”, tôi mới thật sự cất đi gánh nặng trong lòng mình. Đúng, chúng tôi đã thắng và chúng ta đã thắng. 15/15 nhà giàn an toàn qua cuộc “sát hạch” khắc nghiệt của thiên nhiên đã mang lại niềm tin tuyệt đối cho bộ đội nhà giàn, giúp họ yên tâm phục vụ Tổ quốc ngày một tốt hơn.

Bên ấm trà đã nguội, câu chuyện của chúng tôi về ngày hôm qua, những câu chuyện mà có lẽ đã nhiều người được nghe, vẫn là sợi dây tình cảm vững bền giữa chúng tôi, là chiến công mà chúng tôi đã hứa, đã quyết tâm thực hiện và vẫn đang ra sức gìn giữ vì chủ quyền Tổ quốc. Những cơn bão chỉ có thể bẻ cong sắt thép nhà giàn, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ có thể khuất phục được ý chí của những người lính DK1 anh hùng.