Dấu ấn một ngôi trường (Kỳ 1)

Vào những năm đầu thập niên 70 thế kỷ XX, một đề án táo bạo ra đời, với mục tiêu tuyển chọn là những chiến sĩ có thành tích học tập tốt từ các đơn vị trong toàn quân, cùng các học sinh có chất lượng cao. Học viên được lựa chọn sẽ được đào tạo trong môi trường quân đội một năm, sau đó được gửi đi Liên Xô (trước đây) và các nước Đông Âu học đại học, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cao về khoa học kỹ thuật cho đất nước.
Các thầy, cô giáo cùng các học viên một trung đội của C196 trong thời gian học tập tại Trường đại học Kỹ thuật quân sự.
Các thầy, cô giáo cùng các học viên một trung đội của C196 trong thời gian học tập tại Trường đại học Kỹ thuật quân sự.

Kỳ 1: Một đề án táo bạo

Mỗi khóa đào tạo của đề án này sẽ thành lập những đại đội (C), sau đó chia ra từng trung đội (B) vừa học tập, vừa huấn luyện. Những học viên thuộc đề án đào tạo này, sau này đều được gọi chung tên là học viên 1x6.

Những lựa chọn bất ngờ

16 tuổi, cậu bé Trần Phước Tới (sinh năm 1954) đã là “Dũng sĩ diệt Mỹ”, từ quê hương Quảng Nam được ra bắc học tập năm 1970. Chỉ trong 4 năm, Trần Phước Tới đã hoàn thành bậc học phổ thông, thi đỗ Trường đại học (ĐH) Kỹ thuật quân sự ngành Thông tin với số điểm cao và là lực lượng được lựa chọn cho đề án 1x6. Năm 1974, Thượng sĩ Trần Phước Tới là Trung đội phó Trung đội 5, Đại đội (C) 196.

Võ Văn Mai (sinh năm 1957) khi đang học giữa năm lớp 10, đang là học sinh lớp chuyên Toán của Trường ĐH Sư phạm Vinh thì nhận được thông báo trường quân sự đến tuyển người vào bộ đội. Khi đó, Hiệp định Paris vừa ký kết, tinh thần cho một ngày thống nhất sôi sục, vào quân ngũ là niềm vinh dự với bất kỳ một chàng trai 17 tuổi nào nên ông Mai đồng ý không do dự. Lúc đó, những gì cậu thanh niên Võ Văn Mai biết là một đề án tuyển chọn người vào quân đội học tập và đi nước ngoài, chỉ có vậy. Thế nhưng kết thúc kỳ thi đại học với số điểm rất cao, đạt tiêu chuẩn đi du học, cậu thanh niên chờ mãi không có giấy gọi nhập ngũ, mà chỉ có giấy báo chuẩn bị đi du học Rumani. Chiều 30/9, người phụ trách tuyển quân trên địa bàn Nghệ An đạp xe 60 km tìm đến tận nhà Võ Văn Mai ở Đô Lương. Hóa ra, vì một vài nhầm lẫn, giấy báo nhập ngũ của Võ Mai vẫn nằm trên huyện đội, trong khi 30/9 đã là ngày nhập học của toàn bộ học viên Đại đội 196. Hồ sơ được hoàn thành gấp rút và Võ Văn Mai gần như là một trong những học viên cuối cùng nhập ngũ, tham dự vào đề án lịch sử ở Trường đại học Kỹ thuật quân sự.

Nguyễn Hồng Lam (sinh năm 1957), nói cơ duyên đến với C196 của ông cũng khá tình cờ, khi được cán bộ đến lựa chọn tuyển quân vào giữa năm lớp 10. Lúc đó cậu học sinh Trường Việt Đức (Hà Nội) chỉ nghĩ được đi bộ đội, chứ chưa hề hình dung mình sẽ được đào tạo như thế nào. Khi nhận kết quả thi đại học, chàng thanh niên khăn gói lên Vĩnh Yên nhập ngũ, lần đầu xa gia đình bước vào đời sống tập thể.

17 tuổi, Trần Minh Nguyệt (sinh năm 1957), nguyên cán bộ Viện Khoa học Việt Nam bước vào đại đội 196 cũng theo một cách hoàn toàn bất ngờ. Cô học sinh chuyên Toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận kết quả thi ĐH với số điểm đạt tiêu chuẩn du học, nên khi có giấy gọi thì chỉ nghĩ đơn giản mình chuẩn bị đi ra nước ngoài. Chỉ đến khi lên Vĩnh Yên, cô mới biết mình được tham gia vào một dự án đào tạo chưa từng có thời điểm ấy. Và Trần Minh Nguyệt trở thành thành viên của trung đội (B) 2, trung đội gồm toàn các học sinh dân sự giữa một môi trường quân sự.

Tất cả trong số họ, có người là bộ đội đã qua huấn luyện chiến đấu, có người là học sinh các trường chuyên trong toàn miền bắc như các Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Vinh, Trường Chu Văn An (Hà Nội), Trường Việt Đức (Hà Nội), có người là thành viên đội tuyển Toán quốc tế. Điểm chung họ đều là những người có thành tích học tập xuất sắc, thi đại học từ 23 điểm trở lên, trong đó môn Toán phải được ít nhất 8 điểm. Tất cả sẽ được đào tạo 1 năm tại Trường ĐHKTQS, sau đó hầu hết sẽ được cử đi các nước Liên Xô và Đông Âu học tập.

Suốt thời gian này, các học viên được chia thành các trung đội (B) và được học hành, luyện tập theo môi trường quân đội, tuân thủ kỷ luật nhà binh chặt chẽ. Ngoài học ngoại ngữ chuẩn bị cho việc học tập tại nước ngoài, các học viên cũng được học một số môn đại cương để có thể làm quen sớm với việc học đại học. “Các bạn đó đều đã là những người có tố chất tốt, khi ở cùng nhau thì thi đua nhau rất lớn. Bởi đây không chỉ là đào tạo các cá nhân, mà là đào tạo một đội ngũ. Trong đó cũng có cả sự đào thải. Một sự vươn lên nào cũng có đào thải, càng vươn lên, càng phải có đào thải. Những người sau đó được chọn đi nước ngoài học tiếp đều được các giáo viên Liên Xô khen ngợi”, Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo (1927-2024), nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật quân sự từng kể.

Nơi đào tạo nhân tài

Ý tưởng của đề án có từ cuối thập kỷ 1950. Khi đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có ý định tuyển chọn những cán bộ ưu tú làm nòng cốt cho lực lượng khoa học kỹ thuật quân sự để gửi đi nước ngoài đào tạo. Cố Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu đã chọn Trường ĐH Kỹ thuật quân sự để tạo nên sự “hợp tác” đào tạo đầy đột phá này. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1972, Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo - lúc đó là Hiệu trưởng kiêm Chính ủy Trường ĐH Kỹ thuật quân sự (thành lập năm 1968 - PV) nhận nhiệm vụ xây dựng và thực hiện đề án. “Lúc này, cuộc kháng chiến của dân tộc đang vào giai đoạn quyết định, chúng ta bước vào giai đoạn chuẩn bị cho tương lai. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ của cả GS Tạ Quang Bửu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những sinh viên được đào tạo đó sẽ là một lớp người ưu tú, là lực lượng làm khoa học kỹ thuật cho đất nước, có phẩm chất chính trị tốt”, ông Bảo nói.

Khóa học đầu tiên được tổ chức thí điểm vào năm 1973 có 40 học viên quân sự. Năm 1973, khóa học thứ 2 đã có một trung đội gồm các học sinh hệ dân sự, được đào tạo chung với các quân nhân, gọi là Đại đội (C) 186. Năm 1974, C196 gồm 181 học viên, trong đó có B2 gồm 40 học viên hệ dân sự. Đây cũng là năm Việt Nam lần đầu tiên cử người tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế, 3 thành viên của đội tuyển được tuyển thẳng vào đề án. Trong 10 năm của đề án, có khoảng 1.500 học viên ưu tú được lựa chọn, đào tạo và cái tên 1x6 trở thành một cái tên quen thuộc với nhiều người của thế hệ phát triển đất nước những ngày đầu thống nhất và thời kỳ đổi mới.

Nhiều giáo viên giỏi đã được mời đến đào tạo. Ngoài giảng viên của Trường ĐH Kỹ thuật quân sự, đề án còn mời đến các giáo viên giỏi nhất của các trường ĐH Bách khoa, ĐH Tổng hợp về giảng dạy. Đó cũng là 2 trường hàng đầu trong nước về khoa học cơ bản thời điểm đó. Ngoại ngữ do các giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ Thanh Xuân cùng các giáo viên người Nga đảm nhiệm. Nhiều học viên vẫn kể, mỗi sáng thức giấc đã có loa gọi bằng tiếng Nga, để học viên có thể quen với môi trường ngoại ngữ ngay từ đầu. Giáo trình trong trường được xây dựng tham khảo từ Liên Xô, Trung Quốc, bổ sung thêm từ thế giới. Thư viện của trường khi đó có tới 4 triệu đầu sách. Ngoài ra, cơ sở vật chất, chế độ ăn uống cho sinh viên cũng được ưu tiên hết mức. Khi đó Bộ Quốc phòng đã quyết định cho sinh viên các khóa 1x6 ăn theo chế độ tương đương chế độ cán bộ trung cấp trong quân đội.

Đề án đặc biệt phù hợp với điều kiện lúc đó, bởi nó mang tinh thần vươn lên của một dân tộc sau chiến tranh. Và đó là thời điểm cần tập trung đào tạo những lớp tri thức tinh hoa để xây dựng và phát triển đất nước. “Khác biệt đầu tiên là các bạn trẻ được chọn lựa trong các khóa học đó đều có trình độ vượt trên mặt bằng chung, có thể coi là nguồn trí thức cao cấp, có thể bắt kịp với thế giới”, ông Bảo chia sẻ.

Sau 1 năm học tại Trường ĐH Kỹ thuật quân sự, đa số các học viên đều lên đường sang các nước Liên Xô và Đông Âu. Bà Trần Minh Nguyệt kể lại, những thế hệ học viên đi nước ngoài thời điểm đó, đều được cấp một chiếc vali da, trong đó có 2 chiếc áo sơ-mi, nữ có thêm một chiếc áo dài, một chiếc chân váy, nam có một bộ comple. Họ gọi chung đó là “vali bác Bửu” (Tạ Quang Bửu - PV). Hành trang của các học viên trên hành trình ra thế giới khi đó, ai cũng giống ai, với một lời dặn dò của những người thầy, cô: “Cố mà học”. Nhờ 1 năm đào tạo tại Trường ĐH Kỹ thuật quân sự, có nhiều học viên đã bước thẳng vào năm thứ nhất ở nước ngoài mà không cần thêm một năm dự bị đại học.

Đã có nhiều gương mặt thành công, mà bước chân đầu tiên chính từ lần mang vali bác Bửu bước ra thế giới ấy. Đề án đã “ra lò” nhiều thành viên cấp Thứ trưởng hoặc tương đương của các bộ, ngành ngoài quân đội. Trong quân đội có khoảng 20 cấp tướng. Lĩnh vực quân đội có Trung tướng Trần Phước Tới (nguyên Viện trưởng Kiểm sát quân sự Trung ương, nguyên Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), Trung tướng GS, TSKH Phạm Thế Long (nguyên Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự); Thiếu tướng Lê Bá Tấn (nguyên Phó Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc, Tham mưu trưởng)… Lĩnh vực ngoài quân đội cũng ghi dấu ấn với những gương mặt như nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng; Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình; Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc; thành viên Hội đồng sáng lập FPT Nguyễn Thành Nam; Viện trưởng Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hoàng Lê Minh; Viện trưởng Toán cao cấp Việt Nam GS, TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn HiPT Võ Văn Mai, chủ thương hiệu ô mai Hồng Lam - Nguyễn Hồng Lam…

(Còn nữa)