Tứ Xuyên tản mạn ký (kỳ 2)

Kỳ 2: Viếng miếu Vũ Hầu, tản mạn về triều Thục Hán
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan hành lang thờ bá quan văn võ triều Thục Hán.
Du khách tham quan hành lang thờ bá quan văn võ triều Thục Hán.

Gần 40 năm trước khi còn là sinh viên, đọc bài thơ “Vũ Hầu Miếu” của thánh thi Đỗ Phủ sống thời nhà Đường viết ở đất Tứ Xuyên sau loạn An Lộc Sơn, đã được nghe nhắc tên miếu Vũ Hầu và có sự lưu lại trong trí nhớ. Vậy mà đến tận hôm nay, người đam mê đọc truyện Tam Quốc như tôi mới có điều kiện đặt chân lên đất Thục Hán xưa để một lần chứng kiến nơi thờ các nhân vật lịch sử này.

Sau những ngày loạn lạc, lê gót trở về Tứ Xuyên trong đói nghèo rách nát, thánh thi Đỗ Phủ đã ghé đến miếu này và cảm tác rằng: “Di miếu đan thanh lạc/Không sơn thảo mộc trường/Do văn từ Hậu chủ/Bất phụ ngọa Nam Dương”. Bài thơ dịch lên nghe buồn tê tái: “Miếu xưa nét vẽ xanh đỏ đã phai lạt/Núi hoang vu cây cỏ mọc um tùm/Còn nghe vẳng biểu xuất sư từ biệt Hậu Chủ/Chẳng còn dịp trở về Nam Dương nằm khểnh”. Vậy Vũ Hầu là ai, công danh sự nghiệp thế nào mà người Trung Hoa xưa dựng miếu thờ khắp nước, mà đại thi nhân lừng danh như Đỗ Tử Mĩ cũng phải nát gan quặn ruột đề thơ.

Về sau, cứ lúc nào rảnh rang lại chúi mũi vào “Tam Quốc diễn nghĩa” của tiểu thuyết gia La Quán Trung, rồi nhẩn nha với “Tam quốc chí” của sử gia Trần Thọ, mới được tỏ thêm đôi điều. Thì ra, Vũ Hầu là tước do Thục đế Lưu Bị phong cho Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long, người xứ Dương Đô thuộc tỉnh Sơn Đông. Trong thời ly loạn, Khổng Minh tị nạn về đất Kinh Châu, qua lời tiến cử của Thủy Kính tiên sinh Tư Mã Huy, Lưu Hoàng Thúc lúc chưa lên ngôi đã hạ mình “tam cố thảo lư” (ba lần đến lều cỏ) mời ông ra làm quân sư dưới trướng. Cũng từ đó, nhờ mưu lược hơn người, Khổng Minh tiên sinh đã góp công lớn giúp Lưu Bị khôi phục cơ đồ nhà Hán. Khi Lưu Bị mất, ông lại hết lòng phò giúp Hậu chủ Lưu Thiện, con của Lưu Bị. Quân sư Gia Cát Khổng Minh không rạp mình trên lưng ngựa tung hoành ngang dọc, vung đao múa kiếm, máu nhuộm sa trường như “ngũ hổ tướng” Quan Vân Trường, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung, Mã Siêu. Tiên sinh chỉ ngồi trên xe bánh gỗ, phe phẩy quạt lông vũ mà khiển tướng, điều binh làm nên những trận lớn như gò Bác Vọng, thung lũng Tân Dã hay dùng kế “thuyền cỏ mượn tên”, “mượn gió đông nam” làm cho đại đô đốc Chu Du của Đông Ngô cũng phải cúi đầu bái phục. Chính từ sự nể phục tài trí của Khổng Minh mà Đông Ngô đã liên minh với nhà Thục Hán, cùng hợp quân đại thắng Tào Ngụy trong trận Xích Bích…

*

Hôm nay, giữa đất Thành Đô, cố đô của nhà Thục Hán, tôi đã được viếng Miếu Vũ Hầu và có dịp “tái ngộ” với Hoàng đế Lưu Bị, Thừa tướng Gia Cát Lượng và các vị bá quan văn võ trong những trang cổ sử. Xưa, họ tung hoàng dọc ngang chống lại Tào Ngụy, xử trí Đông Ngô, khôi phục giang sơn nhà Hán kéo 40 năm có lẻ (từ năm 221 đến năm 263). Nay, họ ngồi đó an nhiên trên bệ thờ, mỗi ngày lại đón chờ hậu nhân thăm viếng. Buổi sáng này cũng vậy. Đất trời Tứ Xuyên phủ đầy mưa lạnh nhưng đoàn người dằng dặc, trong đó có rất nhiều bạn trẻ đến từ khắp mọi miền Trung Quốc, không kể gì ướt át, nối đuôi nhau lũ lượt viếng miếu. Theo chân dòng du khách, tôi thấy nhiều người dâng hoa để tỏ lòng tôn kính. Những người có chút chữ nghĩa thì ngắm từng bức tượng mà luận anh hùng. Còn tôi, tôi đến từ nơi xa xôi, được thăm Vũ Hầu Miếu là một trải nghiệm thú vị trong quãng đời xê dịch.

Khu di tích đặc biệt này nằm ở khu trung tâm của Tam Quốc thánh địa-công trình bảo tồn và tôn vinh những nhân vật lịch sử thời Tam Quốc. Một bạn đồng hành của tôi cứ thắc mắc mãi, là tại sao miếu thờ Lưu Bị và cả triều Thục Hán mà chỉ gọi tên là Miếu Vũ Hầu-tước hiệu của Gia Cát Lượng. Ừ nhỉ, kể cũng lạ, đền thờ Khổng Minh được đặt khiêm nhường phía sau đền thờ Lưu-Quan-Trương và con cái của họ nhưng mà lạ, hoa dâng Lưu Bị thì ít, dâng Khổng Minh thì nhiều. Quả thật, câu hỏi trên không dễ giải đáp. Tuy nhiên, lịch sử và dân gian vốn rất công bằng, hậu nhân tự biết là quân-thần thời ấy ai đáng trọng hơn…

Ngày giữa thu, viếng miếu thờ những nhân vật giữa kinh đô nhà Thục Hán gần 2.000 năm trước, lữ khách đến từ phương xa là tôi chợt bâng khuâng nhớ đến mấy câu thơ trong bài “Vịnh Vũ Hầu” của Bạch Cư Dị: “Tiền hậu xuất sư di biểu tại/Linh nhân nhất lãm lệ triêm khâm” (Xuất sư sau, trước để lời/Xem rồi, rơi lệ áo người đời sau). Cảm tác ngậm ngùi ấy của thi nhân họ Bạch đời Đường cũng nói thay lòng người hậu thế khi thăm miếu thờ nhắc chuyện “người muôn năm cũ”…

*

Miếu Vũ Hầu là một quần thể di tích gồm Hán Chiêu Liệt miếu thờ Lưu Bị, Huệ Lăng tức lăng mộ Lưu Bị và miếu thờ Gia Cát Lượng. Ban đầu, miếu thờ và lăng mộ của Lưu Bị được xây dựng vào năm 223, ngay sau khi ông qua đời. Sau này, Lý Hùng, vua nước Thành Hán (tại vị từ năm 303-334), cho xây dựng thêm Vũ Hầu Từ trong khuôn viên này để thờ Gia Cát Lượng. Ngôi miếu bị cháy trong chiến tranh vào cuối thời nhà Minh, khi loạn quân của Trương Hiến Trung tiến vào Thành Đô năm 1644. Sau đó miếu được trùng tu trong những năm 1671-1672, dưới thời hoàng đế Khang Hy nhà Thanh. Từ năm 1961, miếu được công nhận là di tích trọng điểm cấp quốc gia của Trung Quốc.

Trong hành trình trải nghiệm viếng miếu, người thuyết minh cho biết, Vũ Hầu Miếu có diện tích hơn 15 nghìn m2, gồm ba gian: gian ngoài thờ Thục chúa Lưu Bị, gian giữa thờ Khổng Minh và gian cuối thờ ba anh em Lưu-Quan-Trương. Bước vào trong, du khách sẽ bắt gặp ngay hai bức thư pháp được khắc trên 37 phiến đá, mỗi phiến cao 63 cm, rộng 58 cm, là “Tiền xuất sư biểu” và “Hậu xuất sư biểu” của Gia Cát Lượng. Bước qua cổng thứ nhất có tấm bảng “Minh lương thiên cổ” (Vua sáng tôi hiền lưu danh thiên cổ). Các dãy nhà hành lang phía đông và tây đặt 47 bức tượng của những vị văn quan, võ tướng đã giúp Lưu Bị thiết lập và củng cố triều chính. Bên trái là văn, bên phải là võ. Dưới mỗi bức tượng đều ghi tên tuổi và công trạng tiêu biểu từng vị.

Tôi chầm chậm rảo bước theo trình tự các kiến trúc miếu. Giữa cổng trước và cổng thứ hai là sáu bức bia đá cao khoảng 3 m. Trong số đó nổi tiếng nhất là Bia tam tuyệt, bao gồm ba di sản lịch sử giá trị của Trung Quốc: một bài thơ của Bùi Độ (một trọng thần phục vụ qua bốn triều đại Hiến, Mục, Kính, Văn); một bức thư pháp của Liễu Công Xước và một bản in khắc bởi bậc thầy nghề thủ công chạm khắc Lỗ Kiến. Qua cổng thứ hai là miếu thờ Lưu Bị. Trước cổng treo một tấm biển lớn đề bốn chữ “Hán Chiêu Liệt Miếu” (miếu thờ Vua Chiêu Liệt nhà Hán). Miếu thờ Lưu Bị được xây cao hơn những miếu khác trong di tích Vũ Hầu, với một bệ chạm trổ hình rồng mây, thể hiện địa vị cao quý của hoàng đế.

Bước qua hậu điện Lưu Bị là sảnh nhỏ dẫn đến miếu thờ Gia Cát Lượng. Ngôi miếu thờ Ngọa Long tiên sinh thấp hơn một chút so miếu Lưu chủ. Bên trong đặt bức tượng Gia Cát Lượng mạ vàng, tay cầm chiếc quạt lông vũ. Đứng trước bệ thờ bậc “vạn đại quân sư”, tôi như thấy ông đang lay nhẹ chiếc quạt, thể hiện sự bình thản, ung dung. Mé trái miếu thờ Thừa tướng Gia Cát Lượng có một lối đi yên tĩnh với hai bên tường sơn đỏ rợp bóng trúc râm mát là lăng mộ của Lưu Huyền Đức, còn gọi là Huệ Lăng. “Huệ” trong tiếng Hán có nghĩa là “điều tốt”. Theo sử cũ, Gia Cát tiên sinh đích thân chọn vị trí của lăng mộ này. Trước cửa lăng có tấm biển đề bốn chữ “Thiên thu lẫm nhiên”, lấy từ một câu trong bài thơ “Thục Tiên Chủ miếu” của thi nhân Lưu Vũ Tích đời Đường viết về Lưu Bị và triều Thục. Có lẽ cũng cần trích lại bài thơ có tính khái quát cao này: “Thiên địa anh hùng khí/Thiên thu thượng lẫm nhiên/Thế phân tam túc đỉnh/Nghiệp phục ngũ thù tiền/Đắc tướng năng khai quốc/Sinh nhi bất tượng hiền/Thê lương Thục cố kỹ/Lai vũ Ngụy cung tiền” (Khí anh hùng ngài còn ở trong trời đất/Ngàn thu sau phải còn khiến người ta kính sợ/Khi ấy thế nước chia làm ba phần giống như ba chân vạc/Đã khôi phục nghiệp đế, đem lại thời đại tiền Ngũ châu/Đã tìm được vị thừa tướng có tài mở nước (Khổng Minh)/Nhưng sinh phải đứa con (Lưu Thiện) không có tài đức giống mình/Những nàng kỹ nữ xưa của nước Thục nay phải héo hắt, đau thương/Đến múa trước cung Ngụy).

Qua khỏi cửa lăng là tấm bia “Hán Chiêu Liệt hoàng đế chi mộ” được dựng vào năm Càn Long thứ 53 (1788). Đây là lăng mộ dành cho ba người, táng cùng Lưu Bị là hai người vợ, Cam phu nhân và Ngô phu nhân. Gần đó là Tam Nghĩa miếu, nơi tưởng niệm tình huynh đệ của Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi. Ở lối vào miếu, hai bên có hình khắc vào đá các sự tích anh hùng của ba anh em Lưu-Quan-Trương như Tam anh chiến Lã Bố, Quan Công đơn đao phó hội hay Trương Dực Đức giận đánh đốc bưu… Bước vào bên trong miếu, du khách ngắm tượng ba vị huynh đệ ngồi yên trầm lặng nhưng toát ra những đặc điểm tính cách riêng biệt. Khác với các bức tượng ở đền thờ phía trước, các tượng ở đây đều mặc thường phục chứ không phải triều phục, nhằm đề cao tình nghĩa anh em đồng cam cộng khổ thuở “kết nghĩa đào viên”.

(Còn nữa)


Tứ Xuyên tản mạn ký (kỳ 1)