Lấm láp sông Đò

Dòng sông Đò vốn là một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn, từng yên bình chảy qua cồn Ba Xã ở Hội An (Quảng Nam), tạo dòng trong xanh xuyên qua những cánh đồng. Tuy nhiên, sự xuất hiện dày đặc của các khách sạn và nhà hàng ven sông trong những năm gần đây khiến chất lượng dòng chảy có nhiều thay đổi.
0:00 / 0:00
0:00
Sông Đò sau khi đã dọn rác mặt nước.
Sông Đò sau khi đã dọn rác mặt nước.

Dòng chảy khuất tầm nhìn

Sông Đò khuất tầm mắt nên khó nói hết được những tồn dư tích tụ nhiều năm, nó khởi phát từ kinh doanh dịch vụ, từ sinh hoạt, từ cả những sự tiện tay quăng ném rác của người dân ven sông.

Dựa vào sông để kiếm sống nhưng tâm tư người ven bờ sông Đò mỗi ngày, mỗi năm thêm nặng trĩu vì dòng nước đã không còn trong lành. Mặt nước rau muống kết mảng, cỏ dại kết tầng: “Ai cũng muốn khen hay, nói đẹp. Nhưng sự thật cần phải đúng. Người Hội An tiện tay xả rác ra đồng, xuống sông cũng đúng luôn”, ông Nguyễn Văn Bảy, ngụ khu Đồng Giá (Cẩm Thanh, Hội An), làm nghề đánh cá trên dòng sông Đò, buông lời.

Năm nay lũ lụt chưa về Hội An. Dòng chảy trên các con sông trong phố chưa đủ mạnh để đẩy những thứ “quà tặng” của con người trôi ra biển. Theo đó, mùi hôi và đủ thứ “khăn, gói” của con người bồng bềnh mặt sông.

Ông Bảy, tuổi đã ngoài 60, sinh ra và lớn lên ở bờ sông Đò. Từ khi còn là một cậu bé, ông và bạn bè đã ra sông Đò tập bơi, có khi là ngâm mình trong trưa hè. Ông Bảy biết từng con nước, từng khúc quanh của sông như lòng bàn tay. Và khi trưởng thành, ông thừa kế nghề cha truyền con nối, đánh cá trên sông, sống một cuộc đời giản dị cùng dòng nước mát lành.

“Ngày ấy, con sông trong lắm”- ông Bảy khẽ kể, mắt lấp lánh ánh hồi tưởng. “Nước có thể nhìn thấy đáy, cá tôm bơi trong dòng nước, nhìn rõ từng con, từng loại”. Nghe vậy, cũng tưởng tượng ra cuộc sống trước đây, mỗi lần ra sông, họ sẽ thấy cả thiên nhiên như hòa mình vào cuộc sống.

Niềm vui ấy dần tan biến khi các khách sạn, nhà hàng dọc hai bờ mọc lên và dòng sông bắt đầu thay đổi.

“Bây giờ, nước sông đổi mầu, váng dầu lênh loang. Những đêm trăng sáng, tôi chèo thuyền mà không còn thấy bóng trăng in dưới nước như xưa, thay vào đó là những lớp dầu loang, rác trôi lềnh bềnh” - ông Bảy phàn nàn. Dòng sông Đò dài 3 km giờ đã không còn là dòng nước ngọt lành ngày trước, mà trở thành nơi chứa đựng cả chất thải và hóa chất từ các cơ sở kinh doanh xả thẳng xuống sông.

Nỗi buồn khi sông ô nhiễm, ký ức đẹp đẽ của thời tuổi trẻ nay chỉ còn là quá khứ. “Mong là có ai đó lắng nghe và cứu lấy dòng sông, để con cháu sau này còn biết đến vẻ đẹp của sông Đò như những gì tôi từng thấy, từng sống” - ông Bảy chia sẻ.

Trên dòng sông Đò yên bình ngày nào, cảnh tượng rau muống, cỏ dại kết thành từng bè chiếm gần hết mặt. Mỗi bè rau, bè cỏ bám đầy những mẩu rác thải sinh hoạt: Túi nylon, chai nhựa, hộp xốp và những tàn dư sinh hoạt trôi nổi như một lớp băng nhầy trên mặt nước, bốc mùi khó chịu.

Bà Trần Thị Hòa, thôn 5, Thanh Đông, Cẩm Thanh (Hội An) cho hay: “Tình trạng cỏ và rác như chực chờ xâm lấn toàn bộ dòng sông, khiến cho nhiều con thuyền xuôi ngược trên sông đều phải né tránh”.

Lấm láp sông Đò ảnh 1

Dọn rác sông Đò.

Và mơ xưa trở lại

Sự ô nhiễm không chỉ tiềm ẩn đối với sức khỏe của người dân mà còn là một đòn giáng mạnh vào cảnh quan tự nhiên. Khi những bè rau muống, cỏ dại và rác thải tiếp tục tích tụ, dòng sông Đò có nguy cơ trở thành một dòng chảy tù đọng, mất đi sức sống vốn có.

Rặng dừa nước không chỉ tô điểm cho cảnh quan, mà còn mang lại một bầu không khí trong lành, là nơi trú ngụ cho nhiều loài cá và sinh vật sống dưới nước. Tuy nhiên, rặng dừa cũng che đậy nhiều dấu vết của sự ô nhiễm. Chỉ người dân sống bên sông Đò thì biết, khi cơn mưa đổ xuống, nắng lên là nhận ra mầu nước đổi khác, mùi khó chịu.

Anh Phạm Văn Tân, chăm sóc vườn một khu nghỉ dưỡng ven sông Đò, thuộc địa bàn Cẩm Thanh, Hội An, cho biết: “Dòng sông Đò từ một biểu tượng thiên nhiên trong lành đã thành một nơi tay không dám khoát nước, chân không dám lội”.

“Để bảo vệ dòng sông, người dân nơi đây mong muốn một sự chú ý, quan tâm hơn từ chính quyền và một kế hoạch phục hồi, để dòng sông lại có thể trở về với mầu xanh, trở thành dòng nước mát lành chảy mãi trong lòng thành phố Hội An” - anh Tân mong mỏi.

Gần đây, trên sông Đò đã có tour du lịch trải nghiệm chèo thuyền trên sông. Nhiều người dân ven sông đã cùng nhau thiết lập bến đò, mua thuyền phục vụ du khách.

Chiều muộn, những chiếc thuyền nan nhẹ nhàng chở du khách rời bến. Bầu không khí mát lành của gió và tiếng mái chèo khua nước đưa du khách vào cảm giác như đang trở về một Hội An bình dị, trầm lắng.

Nhưng cảm giác thư thái này không kéo dài bao lâu. Chị Dương Phương Thảo - khách du lịch từ Hà Nội, cho hay: “Khởi hành một đoạn là thấy không còn mặt nước trong xanh, mà thay vào đó là những mảng rác đọng lại, nhấp nhô”. “Tôi đã ngạc nhiên vì nó là dòng sông mang đầy chất miền quê nhưng nó đã thành một tuyến sông của nhiều nguồn nước thải. Nặng mùi. Đừng để mất dòng sông như những dòng sông Tô Lịch, Kim Ngưu ở Hà Nội” - chị Thảo cho biết.

Cuộc hành trình vốn dĩ nên là một kỷ niệm đẹp lại kết thúc trong sự thất vọng và nuối tiếc. Chị Thảo thở dài, nhủ lòng rằng, một ngày nào đó sông Đò sẽ lại xanh trong, để những trải nghiệm thơ mộng này được trọn vẹn hơn với chị và với nhiều du khách.

Trở lại với tâm tình của ông Bảy. Trước đây, ông Bảy chỉ cần chèo thuyền dọc khúc sông quen thuộc, bỏ mẻ lưới là có ngay bữa cá tươi cho cả gia đình. Nhưng vài năm gần đây, ông Bảy ngưng chèo, ngưng thò tay khoát nước bay trên mặt sông, đánh giá: “Hôi lắm. Nhiều khi đánh bắt được cá, tôi còn không dám ăn”.

“Cá bắt được chủ yếu là cá rô phi lai, loại này ăn tạp, nhanh lớn, chịu được môi trường nước ô nhiễm. Nó là loại cá nuôi nhưng vì ngập lụt nên thoát ra sông. Nếu đánh bắt được nó còn sống thì bán được, cá bị chết không bán được. Vợ tôi làm thịt, ướp muối, phơi. Cá phơi khô mùi nhằn nhặn, khăn khẳn, khác trước” - ông Bảy cho biết.

Vợ ông Bảy thường bán số cá đánh được cho tiểu thương ở chợ Bà Lê. Những người mua không biết rõ nguồn gốc cá và không biết hết mức độ ô nhiễm sông Đò. Bán cá sông lấy tiền, gia đình ông bà Bảy mua cá biển về ăn.

“Dòng sông Đò từng là niềm tự hào của người dân đôi bờ nay lại trở thành nỗi lo lắng. Chỉ mong có ai giúp cứu lấy dòng sông, để bà con chúng tôi lại được sống nhờ nó như ngày xưa” - ông Bảy nói.

Trước sự phàn nàn của khách du lịch về tình trạng ô nhiễm trên sông Đò, các nhà hàng, khách sạn ven sông đã cùng chung tay tìm cách khắc phục. Họ đóng góp tài chính thuê người dọn dẹp mặt nước. Nỗ lực này cũng chỉ là bề nổi…