Đối thoại để lắng nghe

Tiêu Động nằm ở phía Tây Nam của huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Là một xã đông dân, thuần nông nghiệp, với hơn 9.000 nhân khẩu, Đảng bộ xã Tiêu Động có 16 chi bộ với 316 đảng viên. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Tiêu Động luôn là lá cờ đầu trong các phong trào của địa phương.
Một góc thôn Tiêu Động.
Một góc thôn Tiêu Động.

Chuyện từ kênh Tân Hòa

Những người dân Tiêu Động vẫn còn nhớ mới năm ngoái thôi, khi dự án “Nạo vét, kiên cố hóa kênh, kết hợp cải tạo, nâng cấp đường bờ kênh Tân Hòa, thuộc địa phận 2 xã: Tiêu Động, An Lão huyện Bình Lục” được triển khai thực hiện, đã xảy ra một số khúc mắc. Đây là tuyến kênh tưới tiêu, kết hợp đường giao thông, đi qua địa phận xã Tiêu Động với chiều dài hơn 2 km, nhằm tưới tiêu nước phục vụ sản xuất cho 300 ha, chiếm 70% diện tích đất canh tác của xã. Việc kiên cố tuyến kênh không những nâng cao năng lực tưới tiêu của hệ thống kênh mương trong khu vực, mà còn góp phần chỉnh trang đồng ruộng và xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương.

Thế nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện, đơn vị thi công đã san phá, không thông qua ý kiến của nhân dân, khiến bà con bức xúc. Tuyến đường này vốn là công trình được bà con nhân dân thôn Đích cũ, nay là thôn Đích Triều bỏ công, bỏ của ra làm với chiều dài 700 m và chiều ngang mở rộng 3,5 m, bị đào lên. Ông Hoàng Ước, một đảng viên thôn Đích Triều, nhớ lại: “Lúc đó con đường mà chính bà con bỏ công sức để tạo nên, lại bị đào bới để đó, chưa rải lại thì bà con cũng phân vân. Lại thêm vấn đề xây cầu cống ảnh hưởng tới tưới tiêu, bà con cũng có kiến nghị”. Nhà ông Ước ở ngay giữa làng, ông hiểu rõ ý nghĩa của dự án kênh Tân Hòa. Ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, bà con nhân dân đều có thể hiểu rõ. Nhưng “Ban đầu thật sự mà nói có một số vấn đề ảnh hưởng”, ông kể.

Khi tiếp nhận được ý kiến của người dân, nắm bắt được vấn đề, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng ủy, chính quyền các cấp xã Tiêu Động đã ngay lập tức vào cuộc và tìm phương án giải quyết vấn đề. “Xã, huyện đã trực tiếp về, cùng đơn vị đầu tư, giải quyết từng bước. Đến bây giờ, về cơ bản những khó khăn đã được giải quyết và chúng tôi thật sự tin tưởng là dự án này làm xong thì đời sống của bà con nhân dân sẽ được tốt hơn”, ông Ước nói.

Nói về việc đối thoại để khơi thông dự án kênh Tiêu Hòa, ông Nguyễn Văn Hồng, Bí thư Chi bộ thôn Đích Triều, xã Tiêu Động nhận định: “Khi nhận được ý kiến của bà con thì chúng tôi đã kịp thời phản ánh với các cấp để tạo điều kiện thực hiện dự án. Thực chất, công tác lãnh đạo cần bám sát quần chúng nhân dân và giải quyết kịp thời để người dân tin tưởng. Nếu chúng ta không gần gũi, không nắm bắt được, không giải quyết thì nhân dân sẽ băn khoăn”. Thực tế, để giải quyết phát sinh ở Tiêu Động, không chỉ là một hai cuộc nói chuyện giữa dân và lãnh đạo các cấp. Ông Vũ Trùng Dương, Phó Bí thư Thường trực huyện Bình Lục cho hay: “Các vấn đề phát sinh ở Tiêu Động đều được giải quyết không phải qua đối thoại một lần mà là rất nhiều lần”. Trải qua các cuộc đối thoại, những khúc mắc được cởi bỏ, nhờ vậy, dự án kênh Tiêu Hòa có thể tiếp tục thi công, mà bà con cũng thêm tin tưởng vào chính quyền địa phương.

Đối thoại để lắng nghe ảnh 1

Một buổi tiếp dân ở xã Tiêu Động.

Gần dân từ những cuộc đối thoại

Không chỉ là những vấn đề lớn như giải phóng mặt bằng, làm đường, xây dựng cầu cống, tranh chấp đất đai, mà ngay từ những vấn đề nhỏ trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày, như vệ sinh môi trường, trồng trọt, chăn nuôi… đều được cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn Đảng bộ xã Tiêu Động nắm bắt và xử lý kịp thời. Với phương châm “ở đâu có bức xúc, kiến nghị của nhân dân thì tổ chức đối thoại ở đó”, không khí dân chủ ở Tiêu Động được phát huy cao nhất. Các vấn đề nhờ đó được giải quyết triệt để ngay từ cấp cơ sở, tạo được sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân. Nhờ cách làm ấy mà Đảng bộ xã Tiêu Động đã phát huy, mở rộng quyền làm chủ của nhân dân, góp phần động viên nhân dân chung tay, góp sức, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh.

Ông Vũ Trùng Dương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Lục nhận định: “Phong trào ở Tiêu Động luôn là đơn vị đứng đầu của huyện. Thí dụ như nông thôn mới, Tiêu Động là một trong hai đơn vị về đích đầu tiên. Đến nay, Tiêu Động cũng đã hoàn thành nông thôn mới nâng cao năm 2023, trong tổng số 4 đơn vị. Các dự án đi qua Tiêu Động thì chúng tôi rất tin tưởng”.

Ở Tiêu Động, các sự việc phát sinh đều có sự có mặt trực tiếp của Bí thư, Chủ tịch để giải quyết. Những ý kiến người dân không cần phải đi đường vòng, cũng không phải chờ đợi quá lâu. Điều này được ghi nhận ở cả các đảng viên và quần chúng nhân dân. Bà Bùi Thị Lý, một người dân xã Tiêu Động kể ở xã bà, lãnh đạo chính quyền đều xử lý kịp thời những khúc mắc: “Tôi thấy các đồng chí ở địa phương làm rất tốt, mỗi khi tôi có vấn đề gì cần kiến nghị thì các đồng chí đều giải quyết rất nhanh gọn”. Ông Lê Văn Liễu, một người dân ở giáo xứ thôn Tiêu Thượng, cũng kể ở xã Tiêu Động, các đồng chí đến tận ngõ, gõ tận nhà kết hợp cùng với cha xứ tìm hiểu, trò chuyện: “Nếu như các đồng chí ở trên chỉ nói mà không xuống trực tiếp chỉ đạo thì cũng rất là khó, nhưng trong năm vừa qua các đồng chí đã đến tận ngõ, gõ tận nhà vì thế mà được bà con chúng tôi rất phấn khởi, chính vì vậy mà giáo xứ chúng tôi thấy tin tưởng hơn”.

Đảng viên Trần Kim Thành, thôn Ngũ Xá, ghi nhận kể từ khi cải cách hành chính, người dân cần đến các cơ quan chức năng đều được thực hiện đầy đủ và không còn thái độ cửa quyền, hạch sách: “Kể từ khi cải cách hành chính người dân đến làm việc rất là thuận tiện, sau khi có chủ trương mới này chúng tôi rất đồng thuận với chính sách mới của Đảng và Nhà nước”.

Theo ông Trần Xuân Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiêu Động thì việc đối thoại ở Tiêu Động là một nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. “Chúng ta muốn hoàn thành tốt công việc và trong đó có sự đóng góp của nhân dân thì công tác dân vận đặc biệt là công tác đối thoại để gần dân hơn và lắng nghe dân có thể kịp thời giải quyết những vấn đề, ý kiến chính đáng của nhân dân giải quyết hợp tình, hợp lý”. Ở Tiêu Động, những cuộc đối thoại được tổ chức đều đặn, kể cả những cuộc đối thoại không có trong kế hoạch và được sự hưởng ứng của người dân. Ngay từ đầu năm, các kế hoạch gặp gỡ đối thoại đã được chuẩn bị, sau đó triển khai đến các Bí thư chi bộ thôn và yêu cầu thông báo rộng rãi để bà con biết.

Theo ông Vũ Trùng Dương, Tiêu Động nói riêng và Bình Lục nói chung đều đang cố gắng thực hiện tốt công tác đối thoại với người dân. “Mỗi năm Bình Lục có tới 30 - 40 cuộc đối thoại, nhờ vậy mà vấn đề an ninh chính trị ổn định và những bức xúc ở Bình Lục không có tranh chấp kéo dài”, ông Dương cho hay. Ông Dương cũng nói trước mỗi cuộc đối thoại, cán bộ lãnh đạo phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, trung bình một cuộc đối thoại phải chuẩn bị trước 2 tháng thì mới bảo đảm được yếu tố trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tiễn, lắng nghe nhân dân, định lượng được tình huống sẽ xảy ra để thực hiện cuộc đối thoại: “Đối thoại là trực tiếp, cốt lõi nhất là việc đối thoại với người đứng đầu thì người đứng đầu phải có tư duy, thực tiễn, nắm bắt được tâm tư nhân dân thì mới có được niềm tin với nhân dân”.