Vị đô đốc khởi đầu zipline
Có thể coi bức ảnh Đô đốc Giáp Văn Cương (1921-1990) là một trong những bức ảnh đầu tiên ghi dấu ấn về những hành trình “đu dây lên nhà giàn”. Việc tiếp cận nhà giàn từ các tàu thường có hai cách phổ biến: Leo bậc thang từ chân giàn, đi theo dây kéo/đi rọ từ xuồng trung chuyển lên giàn hoặc rọ. Vào những thời điểm sóng lớn, biển động, tàu không thể đến gần chân giàn, chỉ có cách thả xuồng trung chuyển đến gần rồi sử dụng dây kéo để kéo người lên. Sau này, chúng tôi vẫn đùa nhau, ấy là đi zipline trên Biển Đông.
Đại tá Phan Đăng Giả nguyên là Chủ nhiệm Công binh quân chủng Hải quân. Thời kỳ những năm 1989-1990, ông Giả phụ trách một phần DK1. Trong chuyến đi với Đô đốc Giáp Văn Cương cuối năm 1989, ông Giả là một thành viên trong đoàn. Lúc đó, mỗi chuyến kiểm tra các bãi cạn thường kéo dài vài tuần, thậm chí cả tháng, tính từ ngày tàu rời bến ở Vũng Tàu. Lúc đó, các Nhà giàn DK1 mới hoàn thành khung nhà thế hệ đầu tiên.
Theo Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, về việc xây dựng cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ (KT-KH-DV), Ban chỉ đạo xây dựng nhà giàn được thành lập, gọi tắt là Ban DK1 trực thuộc Chính phủ. Cuối năm 1989, chúng ta đã lần lượt xây dựng xong 3 nhà giàn là Nhà giàn Phúc Tần (DK1/3) xây dựng xong ngày 10/6/1989, nhà giàn Ba kè A (DK1/4) xây dựng xong ngày 16/6/1989, nhà giàn Tư Chính A (DK1/1) xây dựng xong ngày 5/7/1989. Cuối năm 1989, Đô đốc Giáp Văn Cương quyết định có chuyến thị sát kiểm tra các Nhà giàn DK1. Chuyến đi kéo dài ba tuần qua cả ba nhà giàn.
Ông Giả nhớ lại, chuyến đi cuối năm, sóng gió khá lớn, việc tiếp cận các Nhà giàn không hề đơn giản. “Leo lên rất vất vả đấy”, ông Giả nói. Ở Nhà giàn DK1/1, mọi người sẽ phải thả thang dây, sau đó phối hợp giữa xuồng và nhà giàn để kéo người lên. Còn ở hai nhà giàn DK1/3 và DK1/4, đó là nhà giàn thiết kế theo kiểu boong-tông, có độ lắc khá cao. Lúc đó, anh em trên tàu đều khuyên Đô đốc Giáp Văn Cương không nên lên nhà giàn. Sóng gió lớn, việc di chuyển nguy hiểm, mọi người đều lo cho an toàn của vị Đô đốc đã ngoài 60. Nhưng Đô đốc Giáp Văn Cương quả quyết: Đã ra tới đây rồi, cho tao lên tao sờ đầu lính. Ông quyết tâm lên thật. Ông Giả kể lúc đó sóng lên cấp 5-6, xuồng chao đảo. Có những cơn sóng còn đánh cả lên tận phía trên giàn. Vì sợ leo thang trượt chân nên anh em đã móc một sợi dây an toàn vào thắt lưng Đô đốc Cương. Vật lộn với sóng một hồi, cả đoàn cũng lên được giàn an toàn. Việc thả thang dây và móc dây vào thắt lưng để kéo người lên, hoàn toàn là một giải pháp được đưa ra tức thời, chưa ai thử trước đó. Nên có thể coi như Đô đốc Cương đã khởi đầu cho màn Zipline trên biển để đưa người lên thăm nhà giàn sau này. Bức ảnh ghi lại khi ông Cương đang lên Nhà giàn DK1/3 bãi cạn Phúc Tần.
Đô đốc Giáp Văn Cương (đội mũ cối) trong chuyến kiểm tra nhà giàn cuối năm 1989 (Đại tá Phan Đăng Giả mặc áo sẫm, đeo đèn pin đứng cạnh Đô đốc Cương). Ảnh tư liệu |
Sóng gió, mặc sóng gió
Sau này, các nhà giàn ngày một hiện đại hơn. Bây giờ, Nhà giàn DK1 đã hoàn thiện thế hệ thứ 3, khung thép chắc chắn chịu đựng gió bão tốt hơn, nhưng để leo lên nhà giàn, thì vẫn là những “công nghệ” ấy. Bởi gió bão, mọi sự cơ động đều cần phải tính toán. Chuyện “chúc Tết qua loa” đã trở thành chuyện không còn hiếm mỗi chuyến thăm. Chỉ cần biển đỏng đảnh một chút, mọi mong chờ đoàn lên của anh em trên giàn đều có thể tan thành mây khói. Có khác chăng, ngoài chiếc thang dây, bây giờ việc di chuyển đã có thể thêm dây kéo, thêm rọ treo tăng độ an toàn. Nhưng cũng có khi, ngay cả mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ, mà người vẫn không thể tiếp cận giàn vì sóng gió. Năm 2024, trong chuyến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 bãi cạn Phúc Nguyên, xuồng chuyển tải đã tiến sát tới chân giàn. Dây đã thả xuống, đung đưa ngay trước mắt, tất cả đều chờ đợi. Nhưng sau nửa tiếng quần đảo với sóng, lái xuồng - Thiếu tá chuyên nghiệp Hoàng Thảo Trưởng đành cho xuồng trở lại tàu. Đại tá Phạm Hồng Hải, khi đó là Phó Chính ủy vùng 2 Hải quân nói, mọi sự liều lĩnh đều có thể phải trả giá. Chỉ có hàng hóa được buộc vào dây thả xuống biển để cánh lính kéo lên giàn, còn cái mong mỏi được ôm bạn bè từ đất liền của anh em, đành gác lại lần sau. Hầu như mọi chuyến cuối năm, hành trình lên giàn đều gặp những trắc trở như vậy. Cô gái tên Hoa đến từ Bến Tre, đứng trên cabin lái, gửi lời chúc Tết tới nhà giàn mà nước mắt ngắn dài. Cô gái ngoài 20 tuổi, lần đầu có chuyến đi dài, nói cô đã không ngờ lên nhà giàn lại khó khăn đến thế.
Cũng chưa xa, giữa năm 2023, trong một chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, nhìn mặt biển trong xanh cứ tưởng như sẽ có một hành trình yên ả. Nhưng vừa mới đưa được chuyến xuồng đầu tiên từ tàu KN390 lên Nhà giàn DK1/18, thì biển bỗng nổi sóng. Những chuyến sau đó, xuồng chuyển tải không thể giữ vững để có thể tiến gần chân thang nhà giàn. Phương án lúc đó đưa ra cũng là kéo dây để mọi người có thể lên nhà giàn an toàn. Vào thời điểm đó, Thiếu tướng, PGS, TS Lương Thanh Hân (Phó Giám đốc Học viện Chính trị) và Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Biên Thùy đều rơm rớm nước mắt. “Chúng tôi cảm nhận sâu sắc bản lĩnh thép của các đồng chí”, Thiếu tướng Lương Thanh Hân đã thốt lên.
Theo đề nghị của Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng, ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi “Trạm dịch vụ Kinh tế-Khoa học kỹ thuật”, gọi tắt là công trình DK1.
Ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Chỉ thị số 180/CT: Về việc xây dựng cụm KT-KH-DV tại khu đá ngầm, thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Nội dung chỉ thị nêu rõ: Xây dựng tại khu đá ngầm, trong thềm lục địa Việt Nam, thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo một số nhà nổi (gọi tắt là DK1), để bước đầu hình thành cụm KT-KH-DV, thuộc sự quản lý về hành chính của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo nhằm các mục đích như: Đặt dàn đèn biển; đặt trạm khí tượng thủy văn, các trạm nghiên cứu khoa học về biển (như nghiên cứu hải sản để nắm chắc được tiềm năng đặc sản biển trong khu vực, quy luật sinh trưởng và di cư theo mùa của các luồng cá cung cấp cho các cơ sở đánh bắt hải sản, nhằm xây dựng kế hoạch đánh bắt có hiệu quả cao), nghiên cứu khai thác có hiệu quả các mỏ đá san hô trong khu vực...