Tứ Xuyên tản mạn ký (kỳ 1)

Trước khi xuất hành qua đất Tứ Xuyên (Trung Quốc), vùng đất Thục thuở xưa, tôi mở Đường thi ra đọc những câu thơ trong bài “Thục đạo nan” của Trích tiên Lý Bạch: “Y hu hy! Nguy hồ cao tai! Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên!” (Ôi! Nguy hiểm thay, cao thay! Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh!) Xưa, Lý Bạch nói đường vào đất Thục gian nan còn hơn đường đi lên trời, nay thì kẻ hậu sinh lại bay lên trời để vào đất Thục. Từ sân bay Nội Bài-Hà Nội đến sân bay Thiên Phủ-Thành Đô, chỉ mất chừng hơn hai giờ đồng hồ.
Cậu bé Giang Hoàng chăm chú trước một hiện vật tinh xảo.
Cậu bé Giang Hoàng chăm chú trước một hiện vật tinh xảo.

Kỳ 1: Tam Tinh Đôi và bí ẩn nền văn minh nước Thục cổ đại

Trên hành trình làm báo, tôi đã từng có dịp thưởng lãm không ít di tích lịch sử và nơi nào cũng mang lại những thức nhận thú vị. Nhưng quả thật, đến bảo tàng khảo cổ học Tam Tinh Đôi ở thành phố Quảng Hán (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) trong tôi xuất hiện những cảm giác đặc biệt. Trước những gì được chứng kiến nơi đây, khách tham quan như đang trở về với một nền văn minh kỳ lạ có niên đại từ 4.500-2.800 năm trước ở vùng đất từng là nước Thục cổ đại.

Mùa này, thời tiết Tứ Xuyên khá giống với Đà Lạt. Gió se lạnh và làn mưa mỏng như làm tăng thêm chiều sâu suy ngẫm khi viếng thăm bảo tàng lịch sử-di tích Tam Tinh Đôi. Trước cổng bảo tàng, chị Tô Phi, cán bộ Văn phòng Ngoại sự tỉnh Tứ Xuyên nói: “Tam Tinh Đôi là bảo tàng khảo cổ học nổi tiếng nhất Trung Quốc, niềm tự hào của Tứ Xuyên chúng tôi. Nó được xây dựng ngay trên nền di tích và di tích thì vẫn đang trong quá trình tiếp tục khai quật và chưa biết đến khi nào kết thúc”.

Quả như lời của chị Tô Phi. Mới sáng sớm mà xe cộ san sát và dòng người ùn ùn kéo về hướng bảo tàng. Tôi bước chân vào cửa và ngạc nhiên thú vị trước một không gian khác biệt với thế giới bên ngoài. Tam Tinh Đôi mở ra chiều sâu trầm tích, dẫn dắt cảm xúc của người thưởng lãm trở về thời xa xôi từ hàng nghìn năm trước của xứ sở này. Nó đánh thức những xúc cảm mà tôi, một người từ phương xa đến, khó diễn tả bằng lời. Giọng hướng dẫn viên Hạo Liêu văng vẳng qua loa tai: “Quý khách hãy lắng lòng trước những hiện vật được sáng tạo từ thời tiền sử. Đó là những di vật vô giá của người Trung Hoa cổ đại. Hãy để những hiện vật của tổ tiên chúng tôi tự cất lên tiếng nói với các giác quan tiếp nhận của bạn…”.

Tứ Xuyên tản mạn ký (kỳ 1) ảnh 1

Du khách thưởng lãm cây thiêng bằng đồng.

*

Di tích và bảo tàng lịch sử khảo cổ học Tam Tinh Đôi quả thật là một kho báu tuyệt vời của lịch sử cổ đại Trung Quốc. Đến với bảo tàng, trước một hệ thống hiện vật được trưng bày tầng tầng lớp lớp ở đây, tôi thật sự choáng ngợp.

Nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng, nếu muốn chọn ra “những khám phá khảo cổ vĩ đại nhất thế kỷ 20” thì Tam Tinh Đôi chắc chắn lọt vào danh sách. Đây là di tích văn hóa lớn nhất, lâu đời nhất và phong phú nhất của văn hóa Thục cổ được phát hiện ở tây nam Trung Quốc. Giới chuyên môn đánh giá, niên đại của di tích này có thể vượt trước cả nền văn minh Maya và hoành tráng hơn cả các chiến binh đất nung ở lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Từ vinh quang đến suy tàn, những phát hiện tại Tam Tinh Đôi luôn chứa đầy bí ẩn. Tại sao một di tích lịch sử lại có thể gây chấn động trong và ngoài Trung Quốc như vậy? Lý do là lịch sử của nền văn minh Tam Tinh Đôi có thể bắt nguồn từ năm 3.000 trước Công nguyên, trong khi trước đó, lịch sử Trung Quốc chỉ được ghi nhận dừng lại ở cuối triều Hạ, khoảng 4.200 năm trước. Nói cách khác, nếu khám phá tất cả bí mật của Tam Tinh Đôi, sự hiểu biết về nguồn gốc của nền văn minh Trung Hoa có thể khác xa so những gì đã được khẳng định. Trước khi đến với di tích Tam Tinh Đôi, tôi đã tìm hiểu và được biết, di tích này là nơi chứa đầy những nghi vấn và tranh cãi. Các di vật lịch sử được phát hiện tại đây có những biểu hiện khác xa với văn hóa truyền thống Trung Quốc và thậm chí còn mang những điểm tương đồng đáng kinh ngạc với các nền văn minh Ai Cập, Maya cổ đại và các nền văn minh khác. Công nghệ của nền văn minh này đã vượt qua trình độ của thời đại và thậm chí một số trình độ hiện đại.

Theo lời giới thiệu của chị Hạo Liêu, việc phát hiện di tích Tam Tinh Đôi bắt nguồn từ một sự tình cờ vào năm 1929. Khi đó, ông Yan Dao Cheng, một nông dân ở vùng Quảng Hán và con trai đang xới đất bằng cuốc trên đồng thì vô tình gặp phải một vật cứng. Họ tò mò đào nó và phát hiện ra đó là một miếng ngọc bích tinh xảo. Phát hiện này ngay lập tức gây chấn động người dân địa phương và rất nhiều người từ khắp mọi miền đã đến để tìm kiếm cổ vật; thu hút sự chú ý của nhiều nhà buôn đồ cổ và học giả. Mãi đến năm 1934, một nhóm khảo cổ thuộc Chính phủ Trung Hoa Dân quốc mới đến Tam Tinh Đôi để thực hiện cuộc khai quật đầu tiên. Trong cuộc khai quật này, ngay gần khu di tích, họ tìm thấy ba gò đất nhỏ có hình dạng giống ba ngôi sao nên đặt tên nơi này là Tam Tinh Đôi. Họ đã tìm thấy một số đồ đồng, ngọc bích, đồ gốm và các công cụ bằng đá. Tuy nhiên, do tình hình Trung Quốc lúc bấy giờ đang có chiến tranh nên nhóm khảo cổ phải kết thúc vội vàng.

Còn cô Hạo Liêu, hướng dẫn viên nói, khi chúng tôi chuẩn bị kết thúc chuyến viếng thăm: “Các hiện vật được khai quật từ Tam Tinh Đôi không chỉ thu hút sự chú ý trong nước. Những năm gần đây, nhiều bộ hiện vật khai quật từ di tích của chúng tôi đã được mang ra triển lãm ở các nước như Pháp, Nhật Bản và Italy. Chính phủ Trung Quốc cũng đang có kế hoạch xây dựng Tam Tinh Đôi thành một công viên di sản mang đẳng cấp thế giới…”.

Kéo dài một thời gian khá lâu, mãi đến năm 1986, Tam Tinh Đôi mới lấy lại sự chú ý của giới khảo cổ quốc tế. Khi công việc khai quật tiếp tục, các chuyên gia đã phát hiện ra hố hiến tế Tam Tinh Đôi số 1 và 2. Hai hố này chứa hàng nghìn hiện vật như tượng đồng, tượng đứng, mặt nạ lớn, mặt nạ nhỏ các loại bằng đồng, vàng và đá. Đáng chú ý nhất là cây thiêng bằng đồng cao 3,96 m và hiện là vật thể bằng đồng hình cây cao nhất thế giới. Cây đồng này được trang trí tinh xảo gồm có gốc cây và thân cây, chia làm ba tầng, mỗi tầng ba nhánh, tổng cộng chín nhánh. Hình dáng của cây đồng này gần giống với cây fusang được mô tả trong “Sơn Hải kinh” (sách địa lý chí Trung Quốc xuất hiện từ thế kỷ 4 TCN). Phát hiện này khiến người ta thắc mắc, phải chăng những câu chuyện được miêu tả trong “Sơn Hải kinh” không chỉ là truyền thuyết mà là có thật? Ngoài cây đồng, Tam Tinh Đôi còn tiết lộ một hiện vật bí ẩn là chiếc mặt nạ dọc bằng đồng có chiều cao khoảng 64,5 cm. Đôi mắt của chiếc mặt nạ này có hình trụ, dài về phía trước khoảng 16 cm, điều đặc biệt hơn nữa là nó có đôi tai to không phù hợp các đặc điểm trên khuôn mặt con người bình thường. Điều này khiến các chuyên gia bối rối. Một phát hiện đáng kinh ngạc khác là chiếc bánh xe mặt trời bằng đồng. Nó có lịch sử hơn 3.000 năm, hình dáng tròn trịa, ở giữa có một vòng nhô lên. Bánh xe này có hình dạng tương tự các bánh xe trong tranh tường của người Ai Cập cổ đại. Điều này đã gây ra suy đoán, liệu có mối liên hệ nào đó giữa nền văn minh Ai Cập cổ đại và Tam Tinh Đôi?…

Tiếp đó, theo lời nữ hướng dẫn, những khám phá mới vào tháng 6/2022 còn gây chấn động hơn đối với hiểu biết của con người về các nền văn minh cổ đại, khi các chuyên gia bất ngờ phát hiện ra một di vật kỳ lạ. Di vật này được làm bằng đồng, hình dáng giống lưng rùa, được bao phủ bởi những đường kẻ như mạng lưới, đầy khí chất huyền bí. Để khám phá quy trình tạo nên di vật này, các chuyên gia đã tiến hành kiểm tra bằng tia X và kết quả khiến họ sửng sốt. Họ phát hiện nó có vết hàn, các bộ phận được hàn tinh xảo đến mức gần như không thấy dấu vết. Theo các nhà chuyên môn, lâu nay người ta cho rằng, kỹ thuật hàn bắt đầu xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ 19; đó là công nghệ sử dụng hồ quang tạo ra nhiệt độ cao để làm tan chảy và nối các kim loại. Tuy nhiên, phát hiện này ở Tam Tinh Đôi đã đẩy nguồn gốc lịch sử của công nghệ hàn hồ quang tiến thêm hơn vài nghìn năm. Phải chăng, từ 4.000 năm trước, người Trung Quốc đã làm chủ được công nghệ hàn tiên tiến?

*

Lang thang trong không gian bảo tàng-di tích Tam Tinh Đôi, tôi đã gặp rất nhiều người già, người trẻ, nhất là các cháu ở lứa tuổi học sinh “ồ à” thán phục và chăm chú chụp ảnh, ghi chép trước các hiện vật. Cậu bé Giang Hoàng, một học sinh phổ thông đến từ Thượng Hải, không giấu cảm xúc: “Cháu rất yêu thích lịch sử-văn hóa dân tộc. Tham quan di tích Tam Tinh Đôi cháu thật sự ngạc nhiên với những gì mà cổ nhân đã sáng tạo ra. Trình độ của cháu chưa thể hiểu được nhiều, nhưng ấn tượng thì vô cùng đặc biệt. Lúc trở về, cháu sẽ hỏi thêm các thầy, cô giáo…”.

(Còn nữa)