Tứ Xuyên tản mạn ký (kỳ 3)

Kỳ 3: Lên cao nguyên gặp những người bạn Tạng
Ông Giang Ương Tông giới thiệu lịch sử-văn hóa Tây Tạng với du khách.
Ông Giang Ương Tông giới thiệu lịch sử-văn hóa Tây Tạng với du khách.

Lên đến miền cao nguyên Trung Quốc, nơi tiếp giáp giữa các tỉnh Tứ Xuyên, Cam Túc và Khu tự trị Tây Tạng, mỗi hành trình tôi qua thỉnh thoảng lại bắt gặp những ngôi làng với những căn nhà gỗ nép mình bên triền núi, phía trước là thung lũng có dòng sông xanh ngát lững lờ trôi. Trong mỗi ngôi làng là hình ảnh những dây cờ Lungta, những gò đá Mani khắc Lục tự đại minh chân ngôn “Om Mani Padme Hum” và thấp thoáng bóng y phục của người dân tộc Tạng, tạo ra sự nhận diện rất riêng…

Một buổi trưa ở thành phố Miên Dương, tôi đã gặp Lưu Xuyền, một bạn đồng nghiệp đang công tác ở địa phương này. Lưu là người Tạng đầu tiên mà tôi có cơ hội tiếp xúc. Anh bạn này cười nói cởi mở. Chúng tôi cùng trao đổi về lịch sử và văn hóa, về quá trình hội nhập và bảo tồn bản sắc của dân tộc Tạng. Tôi nói với Lưu: “Chúng ta hợp chuyện nhau vì cả hai đều đang sống trên miền núi cao, tôi ở Tây Nguyên-Việt Nam, còn anh là dân cao nguyên Thanh Tạng-Trung Quốc”. Buổi trưa chia tay Lưu thì ngay tối hôm ấy, ở thị trấn của huyện Bình Vũ, tôi lại gặp thêm người Tạng thứ hai, chị Si Lan, Trưởng ban Tuyên truyền của huyện miền núi phía bắc Tứ Xuyên. Câu chuyện của chúng tôi cũng hết sức vui vẻ, như chị Si Lan nói, “các bạn đến đây là như đang ở nhà mình”.

Và rồi, tiếp tục hành trình lên cao nguyên tây bắc Tứ Xuyên, tôi đã được đến thăm làng quê của những người đồng tộc của anh Lưu Xuyền và chị Si Lan. Tôi đã gặp và thêm nhiều ấn tượng với vùng đất và con người xứ Tạng. Như thị trấn Tây Tạng-Bạch Mã này, một vùng quê đang từng ngày khởi sắc, giàu có nhờ tổ chức làm du lịch cộng đồng thành công mà vẫn bảo tồn khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa.

Tiếp chúng tôi là ông chủ nhà hàng Vương Chiêu. Một chàng thanh niên đúng chất người sống ở miền núi cao mà tôi thường gặp ở Tây Nguyên nước mình. Anh Vương cao lớn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Chỉ vài chục phút sau khi khách xuống xe, Vương đã chỉ đạo nhân viên dọn lên bữa cơm với tất cả các món đều là đặc sản của người Tạng: Nào là thịt bò Tây Tạng, nào là rau hái từ rừng Vương Lang, nào là củ cải trồng bên mép suối Thủy Thạch hầm với thịt cừu-loại củ cải gì mà ăn một lần là không thể quên vị ngọt đầu lưỡi. Vương Chiêu nói: “Với người Tạng chúng tôi, mỗi món ăn là một vị thuốc, dược tính của các món ăn từ rừng rất cao. Ở vùng khí hậu khắc nghiệt từng cách biệt với thế giới bên ngoài, tổ tiên chúng tôi đã lựa chọn cho mình và con cháu những món ăn chống chọi với bệnh tật, giúp cơ thể cường tráng”.

Như lời Vương Chiêu nói, qua tìm hiểu được biết, không gian sinh tồn của vùng cư dân Tạng đã tạo ra một ngành Tạng dược và nghệ thuật ẩm thực Tây Tạng. Y học Tây Tạng là một trong những hình thức y khoa lâu đời nhất thế giới. Nó sử dụng 2.000 loại thực vật, 40 loài động vật, 50 khoáng vật. Trong khi đó, các món ăn lại phản ánh một di sản phong phú của vùng đất, sự thích ứng của người dân với độ cao và ẩm thực tôn giáo. Bột nhào được làm từ lúa mạch được gọi là tsampa, là lương thực chủ yếu của người Tạng. Bột nhào này được làm thành sợi mì hoặc một loại bánh bao hấp gọi là momo. Thịt có thể lấy từ bò Tây Tạng, dê hoặc cừu và thường được sấy khô hay nấu chín hầm với khoai tây. Mù tạt được ăn nhiều. Sữa chua, bơ pho mát từ bò cũng được sử dụng. Hầu hết các món ăn vừa kể tôi đã được thưởng thức trong bữa trưa hôm nay.

Vương Chiêu khá rành rẽ về lịch sử tộc người, về quá trình hình thành làng quê của mình. Anh kể: “Thị trấn chúng tôi đã có từ thời các cụ, nay con cháu kế thừa. Mà ngày xưa vùng này heo hút lắm, không có đường sá từ bên ngoài vào. Người Tây Tạng-Bạch Mã sống biệt lập giữa núi rừng, ít giao lưu với thế giới bên ngoài. Còn nay thì khác nhiều…”.

Vừa trò chuyện với Vương Chiêu, tôi vừa lật sổ tay xem lại dữ liệu về thị trấn Tây Tạng-Bạch Mã mà chị Si Lan cung cấp: Thị trấn này có 4 làng và dân số chỉ 996 người trên diện tích 784,67 km2, bao gồm cả Khu bảo tồn thiên nhiên Vương Lang. Với hệ thống đường cao tốc Cửu-Miên (Cửu Trại Câu-Miên Dương) G8513 và quốc lộ G247 chạy qua, thị trấn cách thành phố Miên Dương 220 km và cách trung tâm huyện Bình Vũ 63 km. Hiện nay, Tây Tạng-Bạch Mã có hệ thống giao thông thuận tiện, là điểm đầu tiên vào thành phố Miên Dương từ miền nam. Thị trấn nằm ở chân phía đông của dãy núi Mân Sơn, địa hình chủ yếu là đồi núi, với độ cao cao nhất là

4.522 m và thấp nhất là 1.930 m so mực nước biển. Đây là một trong những không gian tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt để bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm như gấu trúc, khỉ vàng và linh dương đầu bò. Cũng theo chị Si Lan, Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Vương Lang có những cảnh quan thiên nhiên hết sức hấp dẫn, đó là những ngọn núi mùa đông phủ đầy tuyết trắng, những đồng cỏ trải dài mênh mông, những cánh rừng bạt ngàn và rất nhiều hồ nước tự nhiên ngọt lành trên vùng núi cao…

Cũng theo ông Lin, đến nay, sự đổi thay trong cuộc sống của người dân tộc Tây Tạng-Bạch Mã là một minh chứng sống động cho nỗ lực không ngừng của cộng đồng và sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành. Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn những giá trị truyền thống và phát triển kinh tế đã tạo ra một cộng đồng vừa giữ được bản sắc riêng biệt vừa hòa nhập với xã hội hiện đại. “Chính điều này đã giúp người Tạng chúng tôi tiếp tục là một phần không thể thiếu trong bức tranh đa dạng văn hóa của đất nước Trung Quốc”, ông Lin nói…

*

Từ hướng dẫn của Vương Chiêu, tôi bước qua sân một khu homestay đang trong quá trình hoàn thiện. Đó là khu nhà nghỉ mang tên Di Yi Rong-Bạch Mã. Homestay này được xây dựng bằng vật liệu gỗ, theo phong cách kiến trúc điển hình nhà truyền thống của người Tạng, kết hợp kiểu kiến trúc tứ hợp viện nổi tiếng của người Hán. Bốn phía là nhà, có chung cổng và một sân giữa lớn, sau lưng tựa ngọn núi cao và dòng sông xanh biếc.

Ông chủ homestay Giang Din Guây không giấu niềm vui: “Kể từ khi chúng tôi được phép mở cửa đón khách du lịch, tôi không còn phải đi làm ăn nơi xa. Chúng tôi cũng nhận được những khoản trợ cấp hoặc vốn vay ưu đãi của nhà nước để xây dựng cơ sở phục vụ du khách. Cuộc sống của người dân địa phương thoải mái hơn thời kỳ trước rất nhiều”.

Từng đến với nhiều nơi có các dân tộc thiểu số sinh sống, tôi nhận thấy, thông thường, sự phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế hiện đại dễ đe dọa đến môi trường sống và bản sắc văn hóa. Việc cân bằng giữa phát triển và bảo tồn là một bài toán nan giải, cần được giải quyết một cách hài hòa.

Giải đáp thắc mắc này, ông Lin Guo Zhu-Chủ tịch Nhân Đại xã Tây Tạng-Bạch Mã, nói: “Chính quyền địa phương rất chú trọng đến việc lưu giữ và kế thừa bản sắc văn hóa, bao gồm thành lập hiệp hội bảo tồn văn hóa dân tộc Tạng, tổ chức trưng bày và giới thiệu các sản phẩm văn hóa du lịch, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và quảng bá những nét đặc sắc của nhiều loại hình nghệ thuật trong văn hóa Tây Tạng-Bạch Mã. Nhiều lễ hội truyền thống của người Tạng như Losar, Shoton, Linka… vẫn được tổ chức với quy mô lớn. Đó không chỉ là dịp để cộng đồng gắn kết mà còn là sản phẩm văn hóa thu hút du khách”.

*

Trời chiều bớt nắng, tôi cùng ông Giang Ương Tông, người phụ trách nhà trưng bày văn hóa địa phương dạo gót trên đường làng và trò chuyện về văn hóa Tây Tạng. Người đàn ông trung niên này thật sự hợp vai với công việc phụ trách bảo tồn di sản của dân tộc mình. Tôi hỏi đến đâu, ông Giang trả lời đến đó, rành rẽ, nhập tâm. Ông Giang dẫn chuyện:

Tổng dân số người Tạng là 5,4 triệu và là dân tộc đông thứ 10 trong tổng số 56 dân tộc được công nhận tại Trung Quốc. Người Tạng sử dụng nhiều ngôn ngữ, không hiểu lẫn nhau. Hầu hết người Tạng theo Phật giáo Tây Tạng, một số khác chịu ảnh hưởng của Bön, một tín ngưỡng dân gian và Hồi giáo. Phật giáo Tây Tạng có ảnh hưởng mạnh mẽ tới nghệ thuật, ca kịch, và kiến trúc. Phật giáo đã bén rễ ở dân tộc này từ triều đại của vua Songtsän Gampo, người đã kết hôn với hai công chúa là tín đồ Phật giáo: Bhrikuti của Nepal và Văn Thành của Trung Hoa. Sau đó, Phật giáo trở nên phổ biến khi Đức Padmasambhava tức Đại sư Liên Hoa Sinh từ Ấn Độ đến thăm Tây Tạng theo lời mời của vua Tây Tạng thứ 38 là Trisong Deutson…

Vui chuyện, tôi hỏi Giang Ương Tông về tục đa phu của người Tạng mà bản thân từng đọc được đâu đó. Ông Giang cười: “Đúng, xưa thì tục đa thê xuất hiện tại nhiều nơi ở vùng người Tạng. Một phụ nữ có thể được sắp xếp kết hôn với những người nam là anh em ruột. Điều này thường được thực hiện để tránh phân chia tài sản và giúp giữ vững kinh tế gia đình”. Tôi hỏi đùa: “Còn ông thì sao?” Giang Ương Tông cười đáp: “Không có đâu! Tôi có bốn anh em trai, mỗi người một vợ riêng!”.

(Còn nữa)

Tứ Xuyên tản mạn ký (kỳ 1)

Tứ Xuyên tản mạn ký (kỳ 2)