Gần 30 năm nay, trên đỉnh Gành còn có những người lính biển của Trạm ra-đa 555 (Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân) về đóng quân. Mắt thần các anh hiên ngang gác biển quê hương. Ngư dân ở đây mỗi khi nhìn lên đó càng thêm vững tin bám biển.
Tôi đến thăm Trạm 555 trong một buổi chiều tà. Dòng sông Ka Tinh lượn lờ uốn khúc dùng dằng níu kéo đôi bờ tre xanh mướt rồi mới chịu đổ ra góp nước cho đầm Đạm Thủy trước khi hòa mình vào biển lớn. Bao đời nay, người dân ở đây sống bằng nghề chài lưới, nghề làm muối, mưu sinh nhờ biển, cũng chính vì thế mà biển trở thành một phần cuộc sống, thành máu thịt của chính họ.
Đón tôi ở cổng, Thiếu tá Lê Thanh Trúc, Trạm trưởng với nụ cười ấm và cái bắt tay thật chặt, hồ hởi “lâu rồi mới có khách quý là nhà báo đến thăm anh em đơn vị”. Hỏi ra mới biết Trúc quê Hà Tĩnh, dáng người thư sinh nhưng đã lăn lộn công tác nhiều đơn vị ra-đa dọc dải miền trung trước khi về Trạm 555. Tâm sự với tôi, anh cho biết vợ vừa mới sinh con trai được một tháng nhưng chưa có điều kiện để về thăm. Trúc trải lòng: “Được cái vợ em cũng luôn hiểu và thông cảm cho chồng, hiện tại đang ở nhà ngoại nên cũng yên tâm. Lâu lâu còn gọi vào động viên ngược vì sợ em buồn đó anh ạ!”.
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Bùi Viết Cường gắn bó với đơn vị từ ngày đặt viên gạch dựng móng cho Trạm đầu tiên ở núi Gành. Anh tếu táo: “Ngày đầu mới vào còn khó khăn và nhiều bỡ ngỡ nhưng “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” nhà báo ạ! Thế mà đã 30 năm rồi đấy, chỉ năm nữa là tớ về hưu rồi”. Anh nói, rồi cười, nụ cười hiền khô dễ mến tưởng như những năm tháng ở đây trôi qua như chớp mắt nhưng không phải thế. Cường vẫn nhớ như in ngày đó, mỗi người phải vác từng can 20 lít nước từ chân lên đỉnh núi để sinh hoạt. Điện chưa có phải thắp đèn dầu nhưng công tác canh trực vẫn luôn được thực hiện nghiêm túc.
Do đặc thù của đơn vị đóng quân phân tán ở hai khu khác nhau, khu A nằm trên đỉnh núi cao 338 m so mực nước biển, còn khu B nằm ở chân núi. Tất cả máy móc, vật chất, trang thiết bị đều nhờ bàn tay và đôi vai của chiến sĩ để cõng hàng lên khu A nằm trên điểm cao. Những ngày đầu vất vả, cán bộ, chiến sĩ vừa đi vừa phát cây, mở lối, rồi thành đường mòn và cũng từ đôi tay của bộ đội đã xây hơn 1.500 bậc đá lên núi để đi lại thuận tiện hơn…
Sáng sớm, tôi theo chân các chiến sĩ lên núi, ba-lô nặng trên lưng, chúng tôi bắt đầu vượt qua đèo dốc. Chỉ một lúc, theo từng bước chân leo dốc là quang cảnh mở rộng ra trước mắt, một vùng không gian non xanh nước biếc. Càng lên trên đỉnh, dốc càng dựng đứng, gió như bầy ngựa hoang đứt cương lồng lộn, đuổi bắt nhau rào rào trên các loại cây dại. Theo chiến sĩ Ngô Quang Trường, trên này gió thổi quanh năm. Mùa hè gió khô nóng, mùa đông thì giá lạnh cùng với hơi sương muối. Gió thổi suốt ngày đêm ù ù như xay lúa…
Lên đến nơi cũng là lúc mồ hôi ướt đầm đìa áo, ngước nhìn lên là cánh sóng ra-đa vẫn cần mẫn quay đều không phút nghỉ ngơi, còn nhìn xuống phía dưới là cả khoảng không gian bao la rộng lớn. Từ những làng chài nhỏ ven biển đến tít đường chân trời là mầu xanh đại dương thăm thẳm. Trường dẫn tôi xuống khu bể nước để rửa mặt. Đập vào mắt tôi là khẩu hiệu “Nước là máu xin hãy tiết kiệm” được viết trên tường như một mệnh lệnh chiến đấu. Anh cho biết, mỗi khi nhìn vào đó để thấy được sự vất vả của các thế hệ đi trước và cũng nhờ đó chúng tôi thêm ý chí khắc phục khó khăn vươn lên. Không có gì là không thể, mặc dù trên đỉnh núi, nước quý như máu nhưng anh em vẫn tăng gia, sản xuất, để tự túc một phần thực phẩm. Dưới thung nhỏ, nơi tương đối khuất gió là giàn bầu trĩu quả. Dưới khu vườn bí mật này là hệ thống dẫn nước sau khi sinh hoạt được gom và trữ lại. Nhờ nguồn nước đấy anh em chắt chiu để tăng gia. Những cây con mới trồng được che chắn cẩn thận trong lùm lá. Chiến sĩ Ngô Quang Trường cho biết: “Trên này, thời tiết khắc nghiệt, khô hạn. Để trồng một số loại cây thì chúng tôi phải tích cực cải tạo đất, bón phân xanh. Nước sinh hoạt được gom, tích trữ lại, qua xử lý để tăng gia. Đặc biệt phải chọn giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, chịu được khô hạn như rau lang, mồng tơi, bầu…”.
Những mầm xanh mọc được ở đất này, muốn chiến thắng được thời tiết khắc nghiệt thì nhờ rất nhiều vào bàn tay chăm bẵm của các chiến sĩ. Và cây không phụ công, cho quả ngọt trả ơn người vun xới. Các anh gặt hái niềm vui trên chính công sức của mình. Nhờ biết lựa thiên nhiên, các chiến sĩ đã tự túc được một phần rau xanh. Trên điểm cao này, dù khó khăn khắc nghiệt nhưng không khuất phục được ý chí của con người. Hai chú lợn rừng cũng được các anh cõng lên đây nuôi hơn một năm nay. Con lợn cái sắp đẻ. Không chê khí hậu khắc nghiệt ở đây, “đôi ủn ỉn” này quyết định gắn bó lâu dài với các chiến sĩ.
Hai dãy nhà khang trang vừa mới xây dựng xong và bàn giao cho bộ đội sử dụng năm ngoái. Cùng với đó là nhà để khí tài, máy móc cũng được xây dựng bài bản. Thiếu tá Lê Thanh Trúc, Trạm trưởng cho biết, từ ngày có nhà mới, bộ đội thuận lợi, thoải mái hơn trong sinh hoạt và công tác. Đặc biệt nỗi lo khi mùa mưa bão cũng được vơi dần. Điện lưới đã được kéo lên, nước thì phải bơm hai chặng trung chuyển. Để đưa được nước lên đến điểm cao cũng bao nhiêu công sức, mỗi giọt nước lên đến đây cũng là cả một cuộc hành trình gian nan. Từ ngày có hệ thống bơm nước, hệ thống bể chứa mới, nước cơ bản đã đáp ứng được cho bộ đội sinh hoạt, tuy nhiên cũng không phải là dư giả. Anh em vẫn phải chắt chiu từng giọt để nấu nướng, tắm giặt và còn dành tăng gia, sản xuất…
Có dịp tâm sự với cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp canh trực trên đỉnh núi, tôi ấn tượng với Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Văn Biển có 25 năm gắn bó với các Trạm ra-đa dọc dải miền trung. Quê ở Thái Bình nhưng lại bén duyên với miền nắng gió, anh lập gia đình tại Quảng Trị hồi còn công tác tại Trạm ra-đa 540 (Trung đoàn 351) Cồn Cỏ. Anh Biển nói vui “lính biển lại gắn bó với núi, quanh năm trên điểm cao làm bạn sương gió, nhưng tâm hồn, trái tim và khối óc vẫn ngoài biển khơi”. Hơn bốn năm nay, anh vào tắm nắng gió núi Gành, nước da bánh mật tôn lên nụ cười tươi rói. Anh tâm sự, đặc thù công việc bảo đảm thông tin cho trạm ra-đa, tin tức phải kịp thời, chính xác, không để chậm một giây do đó công tác đầu tiên là phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng máy móc trang thiết bị thông tin. Sự tỉ mỉ trong công việc phải tạo thành nền nếp.
Những năm gần đây, Trạm 555 được trang bị các loại khí tài mới, vì vậy cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đơn vị thường xuyên tự giác trong việc tự học, nâng cao trình độ để làm chủ, khai thác có hiệu quả các trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Xác định là lực lượng được tiến thẳng lên hiện đại, vũ khí máy móc càng hiện đại, cán bộ, chiến sĩ cần có kiến thức, trình độ quản lý, khai thác vũ khí trang bị, vì vậy ngoài huấn luyện, bồi dưỡng thì Trạm 555 cũng phát huy tinh thần tự học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật…
12 giờ đêm, khi núi đồi, làng xóm đã chìm vào giấc ngủ, chỉ có gió trên đỉnh đồi vẫn chưa chịu nghỉ ngơi thì Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Hiền, trắc thủ ra-đa lại lặng lẽ vào ca. Theo chân anh bước trên con đường dốc từ khu nhà nghỉ đến khu khí tài, gió từ dưới thung sâu thổi ngược lên đỉnh rào rào không nghỉ. Anh Hiền cho biết, trên đỉnh núi này, đặc sản là gió, mới lên lúc đầu chưa quen, tắm nước thì ít nhưng tắm gió thì thoải mái. Mùa hè thì đỡ, mùa đông giá rét, mưa phùn, gió quất từng cơn. Nhưng ở lâu cũng thành quen, đi xa thì lại nhớ.
Chúng tôi bước vào cửa khu khí tài, ngay trên cửa là dòng chữ “Vào phòng máy là vào vị trí chiến đấu” . Đó là mệnh lệnh của người lính ra-đa trước lúc vào ca. Màn hiện sóng chi chít mục tiêu trên biển mà các anh phải quản lý. Với kinh nghiệm lâu năm, thuộc từng loại mục tiêu, từng khu vực biển nhưng anh không bao giờ chủ quan lơ là. Quản lý một khu vực biển rộng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, khó lường, Trạm duy trì nghiêm túc công tác canh trực. Không kể đêm hay ngày, cán bộ, chiến sĩ luôn tự giác chấp hành nghiêm quy định mở máy, theo dõi chặt chẽ các hoạt động tàu thuyền trên biển kịp thời thông báo, báo động cho cấp trên và các đơn vị liên quan khi có tình huống.
30 năm về đóng quân trên đỉnh núi Gành gác biển, cán bộ, chiến sĩ Trạm 555 kiên gan, vững chí khuất phục được khí hậu thiên nhiên khắc nghiệt. Biết bao mồ hôi công sức của các thế hệ đổ xuống để xây dựng đơn vị khang trang, quy củ như ngày hôm nay.
Chia tay Trạm ra-đa 555, đứng từ xa nhìn lên đỉnh núi, cánh sóng ra-đa Trạm 555 vẫn quay đều, hướng ra biển khơi không nghỉ. Dù ngày hay đêm… Vượt qua sự khắc nghiệt về thời tiết, bằng sự hy sinh thầm lặng, các anh vẫn thao thức dõi canh, để bảo vệ bình yên cho biển, trời Tổ quốc.
Đóng quân trên núi cao, ven biển, điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, bão gió và đặc biệt hiện tượng sương muối ảnh hưởng đến chất lượng vũ khí trang bị, do đó, Trạm 555 thường xuyên thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa khí tài. Trung úy Nguyễn Văn Phương, Phó Trạm trưởng Trạm 555 cho biết, với khí tài điện tử, máy móc hiện đại, công tác kỹ thuật phải cực kỳ tỉ mỉ, cẩn thận. Việc thực hiện công tác kỹ thuật đã đi vào nền nếp, được duy trì thường xuyên và trở thành ý thức tự giác của cán bộ, chiến sĩ.