Từ ước mơ trên ruộng đồng

Trước nhu cầu thực tiễn canh tác nông nghiệp, nhiều người nông dân không được học hành chính quy, nhưng lại có những sáng chế rất hữu ích với đời sống. Làm sao để khuyến khích sự sáng tạo, góp phần cơ giới hóa nông nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ là điều cần được các cơ quan chức năng lưu tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Từ ước mơ trên ruộng đồng

Những "nhà sáng chế chân đất"

Mấy năm gần đây vì liên tục ký đơn hàng sản xuất máy cấy nên nhà sáng chế Trần Đại Nghĩa, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải (Thái Bình) đã phải tuyển thêm lao động. Anh cũng không chỉ còn là nhà sáng chế của người nông dân trong nước, mà đã có sản phẩm xuất khẩu sang Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Thái Lan...

Cái duyên đến với "nghề sáng tạo" xuất phát từ sự vất vả, khó khăn của gia đình. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp một trường trung cấp, anh về quê vừa làm ruộng với bố mẹ, vừa sửa chữa đồ điện tử. Nhưng cuộc sống quá vất vả, bố mẹ đã vay tiền cho Nghĩa đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Năm 2002, anh ra cánh đồng, thấy người nông dân Hàn Quốc làm ruộng trong tư thế thảnh thơi với sự trợ lực của nhiều loại máy móc chứ không vất vả như người nông dân Việt Nam. Người nông dân điều khiển máy cấy bốn bánh, chỉ một ngày đã làm xong vài mẫu ruộng như ở Việt Nam.

Anh Nghĩa nhớ lại: "Lúc đó tôi đã nghĩ, nếu có máy móc thì bố mẹ và những người nông dân quê tôi sẽ đỡ vất vả. Tôi ước mình có thể chế được máy cấy". Ba năm sau về nước, dù miệt mài nghiên cứu nhưng Nghĩa vẫn chưa thể tìm ra nguyên lý chế tạo máy. Khi đó trên thị trường đã có máy cấy động cơ lớn, nhưng với mức giá vài trăm triệu đồng một chiếc thì người nông dân không thể mua nổi. Chán nản, Nghĩa đi làm nghề lái taxi thuê, nhưng vợ anh vẫn gắn với công việc cấy lúa bằng tay trên ruộng đồng. Nghĩa không thể không tiếp tục nghĩ đến chuyện sáng tạo. "Lúc đó tôi nghĩ rằng, máy gắn động cơ hay gắn bình ắc-quy thì vẫn nặng nề, chưa phù hợp, phải tạo ra máy cấy không động cơ thì cỗ máy sẽ nhẹ, không cần sử dụng nhiên liệu, chi phí thấp. Vả lại, người nông dân thiếu kiến thức về máy móc, nên phải làm càng đơn giản càng tốt, ai cũng có thể sử dụng. Sau nhiều ngày, tôi đã chế tạo thành công chiếc máy cấy nặng chừng 25 kg. Tôi đã hét lên sung sướng vì sản phẩm có tính ứng dụng cao trong công việc", anh Nghĩa thổ lộ.

Thành quả sáng chế máy cấy của anh Trần Đại Nghĩa đã đạt Giải nhì Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam, năm 2019, Giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Cũng nỗ lực sáng chế máy móc, nông cụ vì sự thôi thúc của thực tiễn, anh Nguyễn Hồng Chương, xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) đã có thành quả là 48 loại sản phẩm máy nông cụ đưa ra thị trường trong nước và thế giới. Chương vốn quê gốc ở Hải Dương, năm 1980 anh theo gia đình vào Lâm Đồng lập nghiệp. Vì cuộc sống khó khăn nên học hết lớp 8 anh đã phải nghỉ ở nhà để làm ruộng. Với bản tính ham học, thích công nghệ, chế tạo, Chương không ngừng tự học hỏi để có thể tự chế tạo ra máy móc, giúp bố mẹ, họ hàng đỡ vất vả. Năm 2004, chiếc cần phun hiệu suất cao đã ra đời. Với thành công ban đầu, Chương tiếp tục tạo ra máy gieo hạt chân không vào năm 2007, được tích hợp sáu chức năng: sàng đất, đóng đất vào khay ươm; tạo lỗ trên khay ươm; gieo hạt; lấp hạt và xếp khay ươm tự động. Khi có máy móc hỗ trợ, Chương tiếp tục nghĩ đến những dự án lớn hơn. Anh đã vay vốn thành lập Cơ sở Nghiên cứu ứng dụng máy nông nghiệp Hồng Chương. Không ngừng tự học, anh đã có thể tạo ra nhiều loại máy móc khác như: máy đóng đất vào chậu tự động; máy vắt nước cho rau; máy xay đất bùn kết hợp băng tải; máy sàng đất mùn; máy rửa đánh bóng và phân loại củ quả; máy rửa, đánh bóng củ, quả đa năng; máy đóng bầu trồng cây tự động… Những sáng chế của anh Chương được nhiều doanh nghiệp Malaysia ưa chuộng và đặt mua.

Có thể nói, dù không được học hành cơ bản, nhưng với niềm say mê, khát khao thoát nghèo, nhiều "nhà sáng chế chân đất" đã đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ, giúp bản thân, gia đình và các hộ nông dân bớt vất vả. Có thể kể đến các tấm gương như anh Phạm Văn Hát ở xã Ngọc Kỳ (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). Hát là "cha đẻ" của hơn 30 loại máy nông nghiệp, trong đó nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Năm 2015, anh Phạm Văn Hát từng vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng ba. Hay anh Phạm Văn Lĩnh ở Bình Phước sáng chế máy phun xịt; anh Tạ Đình Huy ở Chương Mỹ (Hà Nội) sáng tạo máy làm cỏ rau, máy tạo hàng, luống hỗ trợ cho người trồng hoa ly...

Khơi dòng sáng tạo

Có nghịch lý là, sáng chế của những người dân có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, nhưng việc đăng ký bản quyền sáng chế lại vô cùng gian nan. Đó là chưa kể đến những khó khăn mà các nhà sáng chế nông dân gặp phải trong hành trình đưa sản phẩm tiếp cận thị trường. Anh Phạm Văn Hát chia sẻ: "Chúng tôi không giỏi thuyết trình, không vẽ được bản mô tả 3D cho máy, mà đó là những điều kiện để cấp bản quyền. Vậy là có khi nộp hồ sơ rồi chờ bốn năm tôi cũng chưa được cấp bản quyền".

Chung tâm tư, anh Nguyễn Hồng Chương cho biết thêm: Việc sáng chế có tính tức thời, có thể áp dụng ngay trong công việc. Nếu cứ chờ ba, bốn năm thì có khi sản phẩm đã trở nên lỗi thời. Tôi mong các cơ quan chức năng có thể tạo sự thông thoáng về các thủ tục.

Viện trưởng Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC Trần Duy Khanh nêu vấn đề: "Hiện nay, có rất ít máy móc để sản xuất, hỗ trợ, giải phóng sức lao động của người nông dân. Có thể thấy, ngành cơ khí, chế tạo của Việt Nam còn yếu, chúng ta nên có nhiều biện pháp tôn vinh, khuyến khích các sáng chế máy móc phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp của người nông dân".

Để các nhà sáng chế không chuyên đầy tâm huyết không bị đơn độc trong hành trình sáng chế, việc nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định cho phù hợp thực tế hơn là vô cùng cần thiết. Cùng đó, cần sự phối hợp liên ngành để xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích và lan tỏa các sáng kiến của người dân, giúp việc áp dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.