Từng là vùng sâu, vùng xa, nhiều khó khăn, nay thú vị khi dự chương trình văn nghệ của các cháu nhỏ mừng ngày 20/11, thấy các cô và các con có trang phục múa dân gian Việt Nam, trang phục múa Ấn Độ, váy vóc kim tuyến, đạo cụ mũ nón lấp lánh và lại còn âm thanh loa nén, máy phun khói trên sân khấu, thật không kém gì ở phố!
Nhớ một lần theo một đơn vị cung cấp thiết bị giáo dục đưa tivi và phần mềm học tiếng Anh lên tặng thầy và trò huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Đường sá đương nhiên vẫn còn xa xôi, có những đoạn chờ mở rộng, những đoạn đang làm dở. Nhưng khá ngạc nhiên với miền đất từng nghĩ đến đã cảm thấy heo hút, khi gặp không ít thầy giáo, cô giáo tự lái ô-tô từ một số xã còn xa hơn nữa xuống trường và phòng giáo dục ở huyện lỵ làm việc. Có thầy, cô kết hợp mở homestay đón đầu du lịch vùng cao. Một số thầy cô làm quản lý, đi xuống Phòng Giáo dục và Đào tạo ở thị xã Nghĩa Lộ họp hành, đã thường xuyên hơn, khỏe khoắn hơn, không phải cách trở nhọc nhằn như xưa.
Cũng nghĩ đến không cần xa xôi, ngay ở một số trường ngoại thành Hà Nội trước còn “đặc chất” thôn, làng như xã Tả Thanh Oai, xã Thanh Liệt, xã Hữu Hòa thuộc huyện Thanh Trì, cũng từng khó khăn, thiếu thốn, cơ sở vật chất còn sơ sài. Vậy mà mới đây, một cô giáo dạy nhạc ở một trường mang tên danh tướng Phạm Tu thuộc xã Thanh Liệt, có nhờ tôi nghĩ cho ít lời để phổ nhạc thành bài hát cho một cô giáo khác đi thi, giành được kết quả tốt. Bài hát ra đời rất nhanh, được phối âm nhạc hiện đại, tổ chức cho học sinh hát tốp ca vui nhộn. Các cô trao đổi, chuyển cho nhau qua mạng xã hội để nhận xét, sử dụng, nào nhạc, nào kế hoạch, nào tổ chức thực hiện…, rất trôi chảy.
Vài thí dụ nơi xa nơi gần để quan sát nhiều hơn và nhận ra những đổi thay, những nét mới đáng chú ý ở không ít địa bàn cơ sở từng được coi và có khi vẫn bị nghĩ là “thua chị kém em”. Thực tế, nhờ sự nâng lên của đời sống, mức sống, dịch vụ xã hội; nhờ những biến chuyển tích cực trong sự trang bị tri thức cùng cách nghĩ, cách làm mới mẻ, sáng tạo của các thầy cô, mà không ít thiếu hụt về trang thiết bị, phương tiện dạy và học, phục vụ cho các hoạt động văn thể mỹ đã được bù đắp đáng kể.
Những thực tế nhìn thấy được đó trong việc trồng người ở nhiều trường mầm non, trường phổ thông vừa là việc đáng mừng, vừa đặt ra yêu cầu về việc đánh giá, thúc đẩy, hỗ trợ cho các thầy giáo, cô giáo ở các địa bàn, địa chỉ giáo dục khác nhau một cách đa dạng, linh hoạt. Vẫn còn đó những nơi thiếu khó ở thật xa, thật sâu cần giúp đỡ các điều kiện thiết yếu. Nhưng không ít nơi đã, đang khá hơn, tự làm cho tốt lên, cho thay đổi, thì lại cần thêm những cái mới, cái hay, sự gợi mở, phát triển mạnh mẽ, sôi nổi hơn cả trong công việc lẫn đời sống của thầy và trò. Dịp 20/11 này, ngành giáo dục, các đơn vị quản lý ngành dọc của các địa phương càng cần nhận rõ hơn điều đó.