Chấn chỉnh hoạt động ban quản trị chung cư

Thời gian qua ở nhiều khu chung cư tiếp tục xảy ra hiện tượng mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi giữa nhiều bên liên quan. Trong đó, phổ biến đều có “dính dáng” đến ban quản trị chung cư với nhiều những bất cập, rắc rối gây bức xúc trong dư luận.

Có trường hợp ban quản trị lạm quyền, thực hiện và quyết định một số công việc không theo quy định, quy trình, thiếu sự đồng thuận của đa số cư dân. Có trường hợp ban quản trị thiếu tinh thần hợp tác với cư dân, trong khi lại phối hợp và tạo điều kiện cho ban quản lý thu phí trên diện tích công ích, không gian chung vốn được dành cho cư dân sử dụng. Lại có trường hợp ban quản trị không tiếp tục được cư dân tín nhiệm nhưng vẫn chây ỳ, không chịu bàn giao sổ sách, kể cả một số nguồn quỹ chung do cư dân đóng góp. Và thường xuyên là sự kém văn hóa, văn minh, thiếu trách nhiệm trong cách giao tiếp, trao đổi giữa ban quản trị với cư dân khi có những thắc mắc, chất vấn đòi hỏi được giải đáp một cách minh bạch, đàng hoàng…

Hàng loạt những biểu hiện như thế là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy: chất lượng sống tại chung cư suy giảm về vật chất, tinh thần; bầu không khí tại không ít khu chung cư trở nên căng thẳng; nảy sinh những trường hợp mất đoàn kết, nghi ngờ lẫn nhau, bức xúc kéo dài. Và không gian sống tưởng chừng tốt đẹp, văn minh, hiện đại như hình dung ban đầu của nhiều cư dân không còn được như mong ước.

Điều đáng ngạc nhiên là các ban quản trị hoặc ban quản trị lâm thời được bầu lên từ sự đồng thuận ban đầu của cư dân, có trách nhiệm đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của cư dân trong một khu chung cư, một tòa nhà, nhưng theo thời gian, lại có những biểu hiện, việc làm không đúng với trách nhiệm được giao phó, không phù hợp với quy định chung của pháp luật tại các địa bàn cơ sở.

Tình hình hiện nay ở nhiều khu chung cư đòi hỏi nhiều hơn về hành động của các cơ quan chức năng. Theo đó, cơ quan xây dựng pháp luật cần sớm hoàn thiện cụ thể các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban quản trị. Chính quyền và các cơ quan, đoàn thể địa phương như công an, mặt trận tổ quốc, tổ dân phố… cần vào cuộc sâu sát, chặt chẽ hơn đối với các hoạt động của ban quản trị, của khu chung cư. Đặc biệt, chính quyền cần tích cực tiếp thu ý kiến, phản ánh của cư dân, giám sát kỹ hoạt động của các ban quản trị để kịp thời chấn chỉnh nếu xảy ra sai phạm, sai sót, bởi việc thành lập ban quản trị phải thông qua quyết định của chính quyền sở tại.

Loại hình chung cư không còn mới nữa, nó đã tồn tại hàng chục năm trong đời sống xã hội, ngày càng phổ biến hơn ở nhiều đô thị lớn. Cùng với đó là mô hình sống cộng cư, chung không gian, chung tiện ích, dịch vụ của rất đông người, cũng như hoạt động của các ban quản trị. Vì vậy, rất cần cơ quan chức năng sớm vào cuộc để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các ban quản trị, góp phần giữ ổn định, yên bình cho một bộ phận không nhỏ dân cư trong cộng đồng xã hội tại các đô thị.