Người thì thông cảm với bà mẹ, người thì cương quyết không, cho rằng gia đình đã buông lỏng quản lý, để con gây ra tai nạn thương tâm. Ai cũng có lý lẽ của riêng mình. Chỉ có điều, bây giờ ân hận, hối tiếc hay phẫn nộ, chỉ trích đều đã muộn với trường hợp cô gái xấu số.
Vậy thì, hãy coi đó như một bài học đau xót khi cha mẹ không quản lý con cái chặt chẽ. Đó cũng là câu chuyện để thức tỉnh nhiều gia đình, khi dễ dãi với con, khi sớm cho con sử dụng xe máy mà chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái xe…
Thực tế thời gian qua cho thấy, tại các đô thị lớn, số học sinh sử dụng xe máy tham gia giao thông khá phổ biến. Theo quy định, trẻ dưới 18 tuổi chỉ được đi xe dung tích dưới 50cc, nhưng không khó để bắt gặp những cô cậu choai choai “nẹt bô”, phóng xe như tên bay trên đường. Đa số đi xe phân khối lớn, vuợt quá quy định. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, sau thời gian xử phạt, lực lượng cảnh sát giao thông của Hà Nội đã xử lý hơn 88 nghìn trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông, trong đó phần lớn các vụ liên quan đến điều khiển xe máy.
Xe máy rất phổ biến ở Việt Nam. Khảo sát từ cơ quan chức năng được công bố cho thấy, cứ 1.000 người dân thì có 770 người sở hữu xe máy. Vì sự phổ biến này, mà tai nạn giao thông do xe máy gây ra, cũng chiếm trên 60% số vụ tai nạn giao thông nói chung. Việc nhiều bậc cha mẹ đang cho con sử dụng xe máy vượt quá quy định tham gia giao thông, cho thấy quan niệm dễ dãi và sự thiếu ý thức của nhiều người. Cần nhớ rằng, trẻ vị thành niên là lứa tuổi chưa phát triển ổn định, dễ bị lôi kéo, kích động, lại chưa được rèn luyện kỹ năng tham gia giao thông. Do vậy, rất dễ bị tai nạn, hoặc gây ra tai nạn giao thông. Và chỉ khi con cái bị tai nạn giao thông, hay gây ra tai nạn giao thông nặng nề như vừa qua ở Hà Nội mới cảm thấy “ân hận”, “hối hận” thì quá muộn.
Nghiêm khắc với con em mình bằng cách không cho phép sử dụng xe máy tham gia giao thông khi chưa đủ các điều kiện theo quy định là cách bảo vệ con, thậm chí giữ mạng sống cho con. Bên cạnh đó, khuyến khích trẻ vị thành niên sử dụng phương tiện giao thông công cộng là cách ở một số quốc gia nhằm rèn thói quen, sự kiên nhẫn từ nhỏ, đồng thời tăng cường thể chất… Cần có chế tài mạnh mẽ hơn để kiểm tỏa và kiểm soát trẻ vị thành niên đi xe máy ra đường, kể cả với các loại xe dưới 50cc. Như vậy, số vụ tai nạn do xe máy gây ra mới giảm bớt và hạn chế số vụ trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật vì chiếc xe máy.