Dấu ấn văn hóa mới cho các đô thị

Đến với các đô thị, vốn được coi là đại diện tiêu biểu cho sự phát triển của vùng đất, của tỉnh hay thành phố, khách thập phương, du khách thường hay được kể về những công trình xây dựng đồ sộ như những tòa tháp chọc trời hay khu đô thị sinh thái quy mô; công trình giao thông lớn như cầu vượt vịnh biển hoặc tuyến đường cao tốc mới; rồi một quảng trường mới rộng rãi; hoặc những khu công nghiệp, khu chế xuất nổi tiếng, nơi các tập đoàn lớn đầu tư kinh doanh…
0:00 / 0:00
0:00

Nếu tìm đến những dấu ấn lịch sử, văn hóa của đô thị đó, có lẽ thường vẫn là những di tích nổi tiếng như thành cổ, ngôi đình lớn, cung điện, lăng mộ các vị vua, khu văn miếu, hay ngôi chùa linh thiêng, hoặc một danh thắng nào đó… Dường như vẫn còn thưa thớt những dấu ấn văn hóa mới có giá trị đặc sắc, mang ý nghĩa tiêu biểu cho diện mạo, tinh thần của đô thị đó.

Thực tế, trong xu thế phục hồi văn hóa, phát triển du lịch, đã có nhiều công trình, điểm đến được kiến tạo, vun đắp ở các đô thị, như một khu du lịch ven thành phố, những trung tâm nghệ thuật biểu diễn hoặc nghệ thuật tạo hình, các rạp chiếu phim, một số khu vui chơi… Tuy nhiên, để những địa chỉ, điểm đến đó trở nên mang tính tiêu biểu, có thể coi là một đại diện của đô thị đang chuyển mình, thì vẫn còn nhiều việc phải kiến tạo, thúc đẩy thêm để tạo nên những giá trị gắn với hình ảnh, lịch sử, truyền thống cũng như mục tiêu phát triển của đô thị, địa phương đó.

Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đến nay có thể coi như một dấu ấn văn hóa mới của thành phố phát triển hàng đầu đất nước về kinh tế này. Điều đó đến từ hiệu quả của các hoạt động thường xuyên, sự thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, việc tạo được uy tín trong độc giả, công chúng. Từ thành công này, mô hình đang được mở rộng ở một số địa bàn khác của thành phố. Khu vực phố đi bộ hồ Gươm cũng có thể coi là một dấu ấn văn hóa mới của Thủ đô. Mặc dù vẫn có những điểm cần góp ý nhưng những năm qua không gian này đã trở thành điểm đến phổ biến với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hướng về đại chúng, gắn liền với không gian văn hóa huyền thoại của hồ Gươm, bên cạnh khu vực đi bộ trong phố cổ. Hoặc, cây cầu rồng của Đà Nẵng cũng có thể coi là một công trình mới có tính đại diện cho nhiều mặt của thành phố.

Như trên vừa cảm nhận, đến nhiều đô thị lớn, nhỏ của các địa phương, dù đã có nhiều địa chỉ, điểm đến, không gian văn hóa, nhưng vẫn thấy như còn thiếu những yếu tố đủ sức chứng minh cho sự tiêu biểu. Đó có thể là tính sáng tạo và mới mẻ của những hoạt động đủ sức cuốn hút. Có thể là sự gắn bó và trở nên gần gũi, thân thuộc trong đông đảo người dân sở tại; hoặc là nơi phải tìm tới của nhiều người từ nơi khác đến. Có thể là mức độ quan tâm, chú trọng cao hơn nữa của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng về văn hóa, du lịch, nghệ thuật…

Thu hút du khách bằng những công trình văn hóa tiêu biểu, đặc sắc là điều rất đáng để các cơ quan chức năng, nhà quản lý các địa phương có những bước nghiên cứu và hành động thiết thực hơn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, hình thành các giá trị văn hóa, lan tỏa hình ảnh của những địa chỉ, không gian độc đáo hiện nay. Để chúng trở nên ngày càng tiêu biểu, là những dấu ấn văn hóa trong thời đại mới, bên cạnh các thành tựu về kinh tế, xã hội của đô thị và địa phương.