Mừng vì con vào được ngôi trường mới, có thêm nhiều thầy, cô và bạn bè mới, nhưng chị cũng có phần lo lắng vì cậu con trai phải đến trường bằng xe đạp điện. Nhà chị cách trường chừng 5 cây số, việc đi xe đạp đến trường xem ra không còn khả thi nữa. Ở nông thôn, cũng như các bạn, cháu sẽ tự đến trường chứ không có chuyện bố mẹ đưa đón. Thêm vào đó con đường tới trường có đoạn đi qua một tỉnh lộ khá lớn, rất nhiều các loại phương tiện lớn nhỏ cùng tham gia giao thông. Nếu để con trai đi xe đạp như trước, chị e rằng con sẽ vất vả vì quãng đường khá xa, nhưng đi xe đạp điện thì chị cũng còn vài điều chưa yên tâm lắm.
Hằng ngày qua quan sát, chị Hoa thấy các cháu học sinh đi xe đạp điện trên đường đôi lúc tốc độ nhanh chả kém gì người lớn đi xe máy. Có thể do đang trong độ tuổi mới lớn, luôn muốn thể hiện mình nên nhiều cháu, nhất là các cháu trai không chịu đội mũ bảo hiểm khi lái xe, có cháu còn thích phóng nhanh vượt ẩu, kèm thêm đánh võng tạt đầu làm nhiều người đi đường phải giật mình hoảng sợ. Chị Hoa cũng nhận thấy, phần lớn xe đạp điện đều không gắn gương chiếu hậu, hệ thống còi, phanh và đèn xi nhan cũng không được tốt như xe máy nên các cháu có thể gặp khó khăn trong quá trình di chuyển. Nhiều cháu sử dụng xe mà không được bảo dưỡng thường xuyên khiến khi đi xe có cảm giác không chắc chắn, hệ thống phanh không còn tốt, thêm vào đó các cháu lại chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe cũng như các kiến thức pháp luật về giao thông. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân các cháu mà còn có thể gây tai nạn cho người cùng tham gia giao thông trên đường.
Không thể phủ nhận những tiện ích do chiếc xe điện đem lại như chi phí không cao, nhỏ gọn, tiết kiệm công sức, thời gian di chuyển và lại không yêu cầu bằng lái như đi xe máy, bởi vậy chiếc xe đạp điện bây giờ đang trở thành phương tiện không thể thiếu của học sinh bậc trung học. Đáng bàn là ở chỗ, không ít phụ huynh cho rằng đi xe đạp điện an toàn hơn đi xe máy nên đã mua cho con xe đạp điện ngay từ khi còn học THCS. Trên thực tế, tốc độ tối đa của xe đạp điện có thể đạt tới 40 - 50 km/giờ thì độ nguy hiểm của hai loại xe này là ngang nhau.
Bởi vậy, đồng hành với sự giám sát, tuyên truyền của nhà trường và các cơ quan chức năng về an toàn giao thông thì vai trò của gia đình cũng không kém phần quan trọng. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng xe để bảo đảm độ an toàn của phương tiện, nhắc nhở con em mình chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của cơ quan chức năng mỗi khi ra đường là điều đáng để phụ huynh quan tâm.