Ngăn chặn lãng phí quanh ta

Đang có những định hướng ở tầm vĩ mô về việc phòng, chống, ngăn ngừa, xử lý tình trạng lãng phí, gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00

Từ đó ngẫm nghĩ mà soi chiếu vào hoạt động xã hội, chuyển động đời thường để thấy đây là câu chuyện hệ trọng, đáng phải bàn thảo để mà có những phương cách tuyên truyền, nhận rõ, để mà điều chỉnh, góp phần tạo nên những thay đổi trong rất nhiều hoạt động, công việc khác nhau của đời sống.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ ra nhiều biểu hiện lãng phí đang tồn tại. Các chuyên gia, nhà quản lý các lĩnh vực cũng đã nêu nhiều dẫn chứng cụ thể về những hiện tượng, hành vi, việc làm lãng phí. Như đất công bỏ không nhiều năm mà không canh tác hay hoàn thành xây dựng, phát huy công năng công trình, gây lãng phí tài nguyên rất lớn. Như thủ tục chồng chéo, mất nhiều thời gian trình xét, phê duyệt, lại qua quá nhiều bên liên đới, làm lãng phí rất nhiều thời gian, mà rõ ràng, thời gian là tiền bạc. Như các công trình giao thông, công trình xây dựng chậm hoàn thiện, không giúp giải tỏa ùn tắc, không phục vụ kịp thời cho việc ở, việc học tập, việc sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí, cũng là sự lãng phí không nhỏ của ngân sách nhà nước, địa phương hay nguồn xã hội hóa…

Nhìn gần hơn vào đời sống thường ngày của người dân, thì thấy bên cạnh những nguy cơ hay hiện tượng tham nhũng vặt, còn có nhiều lãng phí vặt lắm. Mà cộng lại thì không hề vặt chút nào. Thí dụ, hoạt động công vụ ở chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng, mặc dù nhiều nơi đã có cơ chế một cửa, hoặc triển khai mô hình chính quyền điện tử, giao dịch số hóa, nhưng có những thủ tục đất đai, nhà cửa, tài sản, giấy tờ đăng ký xe cộ còn phải đi lại nhiều, chờ đợi lâu. Hoặc có những tồn đọng về rác thải, ô nhiễm môi trường ở cơ sở, ùn tắc giao thông hay thiếu đèn chiếu sáng, hoặc tranh chấp ở khu dân cư, khu đô thị lâu được xử lý kiên quyết, dứt khoát, cứ để cho dai dẳng, bức xúc kéo dài, thì cũng trở nên lãng phí rất lớn về thời gian, tâm sức của cộng đồng. Và cụ thể nữa, ngay như việc tuyên truyền phân loại rác trước khi đem bỏ rác, nhận thức của nhiều người chưa cao, vẫn bỏ rác chung, lộn xộn, gây vất vả, mất thời gian cho lực lượng dọn dẹp, vệ sinh môi trường, vận chuyển, xử lý, như thế kéo theo nhiều lãng phí về nhân công, phương tiện…

Rất nhiều sự lãng phí từ cả đại công trình cho đến những việc nhỏ bé quanh ta mà theo thời gian trôi đi, do sự tắc trách, thờ ơ, bàng quan mà trở nên sự thất thoát lớn nguồn lực của Nhà nước, của xã hội, của người dân, thậm chí mỗi gia đình, cá nhân, thật không khác gì nạn tham nhũng, tiêu cực. Ngăn chặn nó, cùng với sự điều chỉnh, bổ sung những chính sách quản lý, điều hành chung của đất nước, vùng miền, địa phương, ngành nghề, thực hành tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, không thể thiếu những quy định có tính chế tài ở các địa phương, chính quyền cơ sở. Cũng như cụ thể hóa thành việc tuyên truyền, vận động, giám sát, có đánh giá, bình xét, nêu gương và cả bêu gương trong đời sống ngày thường ở địa bàn dân cư, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học... Về tổng thể cần kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thấp lên cao để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như xây dựng văn hóa chống lãng phí trong toàn xã hội, chống lãng phí trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội. Làm sát sao, liên tục thì sự phòng, chống lãng phí mới có thể trở thành tác phong, lối sống của mọi người trong sinh hoạt, trong công vụ, công việc thường ngày.