Chưa kể các năm trước, năm nào cũng đều nhắc, đều lo, đều phê phán, đều có những chỉ đạo chống lạm thu ở trường học, cùng với việc rà soát để ngăn chặn, xử lý lạm thu. Năm nay, cũng lại thế với những khoản chi “trời ơi đất hỡi” hay những thứ thiết bị “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhằm phục vụ cho việc dạy và học mà nói ra đã trở nên khôi hài. Thí dụ như chiếc máy điều hòa. Chẳng lẽ năm nào cũng phải mua, lắp mới điều hòa.
Để ngăn chặn, xử lý tình trạng lạm thu cho hiệu quả, điều đầu tiên cần công bố rõ các khoản thu thiết yếu đối với học sinh nhằm phục vụ công tác quản lý, tổ chức, duy trì việc dạy và học. Đồng thời với đó không thể thiếu những khoản thu, hình thức thu bị cấm. Thí dụ như các khoản chi phí để mua sắm thêm những phương tiện, thiết bị hay nhằm tổ chức các hoạt động hoặc bồi dưỡng cho các đối tượng mà xét ra không cần thiết, gây lãng phí, tốn kém. Thí dụ như cấm hình thức lợi dụng hội cha mẹ học sinh để tổ chức thu thêm mà thực chất là lạm thu, hoặc lạm thu khoác “vỏ bọc” tự nguyện.
Và cũng từ căn cứ về những việc, những khoản bị cấm đó để lãnh đạo ngành và địa phương giao trách nhiệm rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời cho các đơn vị quản lý giáo dục ngành dọc ở tỉnh, thành phố, quận, huyện đến cơ sở.
Lãnh đạo sở, ngành giáo dục cần phổ biến đến các nhà trường việc cung cấp đến phụ huynh các văn bản pháp lý, quy định, danh mục mang nội dung phòng chống việc lạm thu. Phụ huynh sẽ lấy đó để so sánh, phát hiện ra những “gợi ý”, “đề xuất” bất thường để từ đó thắc mắc, kiến nghị, từ chối. Hoặc nếu vẫn có tâm lý e ngại sẽ khó khăn, phiền hà cho con cái mình khi học hành, thì có thể thông tin đến cơ quan quản lý ngành giáo dục từ trung ương tới cơ sở qua hệ thống thư điện tử, điện thoại… để làm việc này.
Việc giải quyết tình trạng lạm thu cũng là biện pháp để ngăn ngừa, nhằm giữ sạch đẹp hơn cho môi trường giáo dục.