Nhưng đáng bàn là làm cách nào để tạo sức hút bền lâu cho phố đi bộ sau khi đã được “cấp giấy phép khai sinh”.
Bởi gần đây, ở nhiều nơi sau khi cho ra mắt các tuyến phố đi bộ đã cho thấy sự thiếu hiệu quả. Hay nói cách khác, cho thấy có sự vội vã, chạy theo phong trào cho bằng anh bằng em, bằng bạn bằng bè. Người ta có thì mình cũng có. Từ một ý tưởng tích cực, phố đi bộ có xu hướng trở thành phong trào, thành cuộc đua của một số địa phương, thậm chí một số quận trong cùng một thành phố.
Đơn cử như tại Hà Nội. Mô hình phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm được đánh giá là thành công khi đã đi vào hoạt động từ năm 2016 đến nay, đã tạo thêm một điểm đến cho người dân và du khách vào mỗi dịp cuối tuần. Từ sự thành công này, mô hình phố đi bộ được nhân rộng ở quận Hai Bà Trưng, ở quận Tây Hồ, ở thị xã Sơn Tây và mới đây, phố đi bộ hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) chính thức ra mắt, mở từ 18 giờ ngày thứ sáu đến 24 giờ ngày chủ nhật hằng tuần. Trong kế hoạch, mô hình phố đi bộ còn được triển khai ở một số nơi, trong đó có quận Đống Đa…
Trước thực tế này, nhiều người đang bày tỏ quan điểm nên chăng cân nhắc, đừng để việc phát triển phố đi bộ như một cuộc chạy đua. Cần có sự nhìn nhận, đánh giá về cách thức tổ chức triển khai ở mỗi địa bàn một cách khác nhau, khách quan và khoa học để tránh sự lãng phí. Như phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh mới đây được đầu tư hơn 30 tỷ đồng nhưng khi đưa vào hoạt động thì chưa thật hấp dẫn người dân và du khách. Các kiốt tại phố đi bộ này cũng chưa đặc sắc… Trước đó, phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) cũng đã ra mắt hoành tráng, với kỳ vọng sẽ là điểm đến thu hút của người dân và khách du lịch song trải qua thời gian ngắn đã cho thấy những điểm yếu cần khắc phục…
Do đó, việc phát triển phố đi bộ của Hà Nội nói riêng và rộng ra là phố đi bộ ở nhiều địa phương khác, cần được nhìn nhận, đánh giá lại một cách khách quan, khoa học và tìm phương án khả thi nhất. Tránh việc làm lấy được, làm theo phong trào mà bất chấp nghiên cứu tác động ảnh hưởng tới giao thông, gây cản trở hoạt động kinh doanh vốn có của người dân, đồng thời thiếu những điều kiện liên kết, những nét độc đáo riêng có, để trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch. Cũng cần chú ý đến tính khác biệt của mỗi tuyến phố đi bộ, những đặc sản đặc trưng, những hoạt động văn hóa nghệ thuật thường xuyên để thu hút du khách…
Chỉ khi tìm ra được nét riêng, mới lạ và được vận hành một cách bài bản, nghiêm túc, phố đi bộ mới tránh được sự lãng phí, chồng chéo và phát huy được những giá trị mới, tạo sức hút du khách cho mỗi địa phương…