Chuyển hóa thiết kế, sáng tạo cho cộng đồng

Thành phố Hà Nội tiếp tục mở ngày hội thiết kế, sáng tạo lần thứ hai sau lần thứ nhất gây ấn tượng, tạo được tiếng vang và còn được dư luận nhắc đến nhiều lần khi đưa ra dẫn chứng điển hình về địa phương có những đổi mới, sáng tạo trong hoạt động văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00

Dĩ nhiên, cái làm được là động lực để làm tiếp, là thúc đẩy cái mới và khác trong mùa thiết kế, sáng tạo này. Công chúng mong chờ những gì hay và đẹp khác nữa sẽ hiện lộ dần trong chuỗi chương trình, hoạt động hứa hẹn sẽ phong phú, đa sắc màu lần này.

Nhưng cũng phải suy ngẫm thêm về sức tác động của các hoạt động mới, hay, lạ, mạng đậm nét hiện đại và xu hướng phát triển như thế vào đời sống văn hóa của người dân trong cuộc sống thường xuyên, thường ngày. Có thể thấy vẫn còn những khoảng cách giữa việc khởi xướng, triển khai những ngày hội mới của văn hóa, nghệ thuật, của sáng tạo đó và sự lan tỏa, tiếp nối, nhân rộng của chúng ở các địa bàn, các không gian sống. Thí dụ, đã có những triển lãm “lạ mắt, lạ tai” được mở trong không gian đặc biệt của tháp nước phố Hàng Đậu; đã có những sắp đặt của lụa và màn trình diễn ngẫu hứng của đồng bào dân tộc tại nhà máy, xí nghiệp cũ…, đều gây hứng thú cho người dân sở tại và người nơi khác tìm đến. Tuy nhiên sau khi kết thúc, những nét mới lạ như thế lại lắng đi trong bận rộn. Và ở không ít không gian, địa điểm, khi có những hoạt động kỷ niệm hay chào mừng, hoặc hoạt động văn hóa thường xuyên phục vụ đại chúng, thì vẫn thấy trở lại, lặp lại những cách trình bày, trang trí, thể hiện đã rất quen thuộc.

Mong sao có sự tác động từ những cái mới vào cách nghĩ, cách làm của đội ngũ làm công tác văn hóa, nghệ thuật không chỉ ở cơ sở, khi phục vụ sự thụ hưởng của quần chúng. Mà ở đây cần nhấn mạnh là đối tượng khán giả phổ thông, phổ biến trong cuộc sống đời thường, sinh sống và học tập với nhiều ngành nghề, công việc khác ngoài lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Đây là lực lượng đông đảo cần phục vụ, đáp ứng thị hiếu theo xu hướng ngày càng phải nâng lên, bồi đắp thêm, chứ không nên để lặp đi lặp lại nhiều lần những “món ăn văn nghệ” quen thuộc.

Và muốn vậy, rất cần thiết truyền tải những kinh nghiệm hay, cách làm mới, cách nghĩ mới từ những ngày hội văn hóa của sáng tạo, của thiết kế, của đổi mới vào hoạt động văn hóa thường xuyên ở các quận, phường, huyện, xã, ngay cả đến cấp sở và cơ quan cấp bộ quản lý về văn hóa cơ sở… Cái mới được chuyển tiếp, học hỏi qua nhau sẽ làm tăng sự thụ hưởng của người dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối, khuyến khích, tạo điều kiện cho những nhân tố mới mẻ trong nghệ thuật hiện đại, trong thực hành tổ chức các sự kiện văn hóa mới mẻ tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vốn được coi là “văn nghệ quần chúng” ở cơ sở. Những tương tác, chuyển hóa đó sẽ làm lợi nhiều hơn cho người dân nói chung, trong đó gồm cả chính quyền và đội ngũ làm công tác văn hóa, hoạt động văn hóa ở các địa phương.