Tư duy đầu tư mới

Tính đến hết tháng 6/2024, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đã tăng lên gần 8 triệu tài khoản. Số tài khoản chứng khoán hiện nay cũng như tốc độ mở mới tài khoản trong thời gian vừa qua đều là những con số đáng mơ ước.
0:00 / 0:00
0:00

Cũng cần nhắc lại, thời điểm cuối năm 2020, số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 2,77 triệu, tăng gần 397.000 so với cuối năm 2019, tương ứng khoảng 17%. Nhưng kể từ năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng tài khoản chứng khoán thường được tính bằng… lần, tức vượt mốc 100%, chẳng hạn: Mất gần 20 năm để đạt con số 2,77 triệu tài khoản, nhưng chỉ cần hơn 3 năm để con số này tăng gần gấp ba lần.

Nếu tính riêng tháng 6 vừa qua, số tài khoản mở mới là gần 107.000 tài khoản, tức trung bình mỗi ngày có hơn 3.500 tài khoản chứng khoán mới được kích hoạt. Chỉ mới cách đây nửa thập kỷ đổ về trước, việc một môi giới tìm kiếm được khách hàng để mở tài khoản rồi “nạp” vài trăm triệu đồng để giao dịch, cũng đã là một thách thức, nhưng hiện nay mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải, nhưng một trong số đó chính là sự thay đổi về tư duy đầu tư của nhóm những nhà đầu tư (NĐT) mới tham gia thị trường, có thể tạm tính từ năm 2020 cho đến thời điểm hiện nay.

Có thể tạm gọi nhóm NĐT tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) trước năm 2020 là nhóm kỳ cựu vì đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm của thị trường. Thời kỳ 2006-2007 thường được gọi là hoàng kim, nhưng thanh khoản, quy mô của thị trường khi đó không thể so với vài năm trở lại đây, kể cả tốc độ sinh lời cũng như vậy. Và cũng cần biết rằng sau 2006-2007, NĐT cũng chỉ có thêm một lần tận hưởng niềm vui vào năm 2009, và một thập kỷ từ 2010 đến 2020 là rất nhiều thách thức, thăng trầm, dẫn đến suy nghĩ có phần thận trọng về một thị trường khắc nghiệt.

Nhưng nhóm NĐT tham gia từ sau 2020, chứng kiến sự bùng nổ của thị trường, giá cổ phiếu (CP) cũng tăng bằng lần, cộng với công nghệ, mạng xã hội và cả kinh nghiệm của người đi trước đã có tư duy đầu tư khác hoàn toàn. Chẳng hạn, đợt điều chỉnh năm 2022 khi VN Index từ hơn 1.500 điểm xuống dưới 1.000 điểm là rất nặng nề, nhưng TTCK nói chung và nhiều NĐT đã nhanh chóng hồi phục vào năm 2023 rồi đến 2024. NĐT đã có nhiều công cụ hơn trong việc phòng, chống và đối phó với rủi ro, chẳng hạn như các dự báo, phân tích, công cụ từ các CTCK chuẩn hơn.

Một chi tiết cũng rất quan trọng ở đây chính là suy nghĩ xem đầu tư chứng khoán là một kênh thời thượng và quan trọng của nhiều người trẻ. Theo đó, nhiều bạn trẻ chỉ ở tuổi đôi mươi, hoặc thế hệ gen Z, quen hơn với việc dành một khoản thu nhập cho việc mua CP hoặc chứng chỉ quỹ để tích lũy tài sản. Ngoài ra, kiến thức từ các trường đại học, cao đẳng hay nhiều bậc học khác về đầu tư chứng khoán cũng dồi dào và sống động hơn giúp các NĐT trẻ tuổi dễ dàng tiếp cận. Việc phổ biến công nghệ cũng dẫn đến phổ biến kiến thức về TTCK nhanh hơn, nên giới trẻ sẵn sàng thử mở tài khoản và sau đó tham gia đầu tư chứng khoán. Có thể nói, sự bùng nổ tài khoản chứng khoán không nằm đơn thuần ở con số, mà còn là sự thay đổi về mặt tư duy, cho thấy bước chuyển mình của TTCK để tiếp tục hướng đến sự phát triển bền vững.