Có NĐT dày dạn kinh nghiệm đã ví von việc CP hủy niêm yết giống như “chuyển bảng điện” từ HoSE sang UPCoM, quyền lợi giao dịch của NĐT hay cổ đông vẫn được bảo đảm. Mặt khác, trong kinh doanh việc phải đối mặt với rủi ro, thua lỗ cũng là chuyện thường tình. Nhưng cần minh định một điều rằng, coi thường việc bị hủy niêm yết hoặc xem như không có chuyện gì có thể tiềm ẩn những rủi ro.
Nên biết rằng, niêm yết CP trên sàn HoSE như thông lệ mà các DN, nhất là DN lớn hướng đến để thể hiện vị thế của mình trên thương trường cũng như trong mắt các NĐT, đặc biệt là NĐT tổ chức. Một số NĐT nêu quan điểm rằng, khi CP không còn trên sàn HoSE ít nhiều nói lên tình trạng của DN đang không ở giai đoạn tốt nhất. Vì vậy, dù lãnh đạo DN có trấn an, thì điều quan trọng nhất là lộ trình vượt khó và quay trở lại sàn HoSE. Nếu nhìn nhận vấn đề theo kiểu “sàn nào cũng được” thì rõ ràng đi ngược với các thông lệ và chưa hẳn đã tôn trọng cổ đông. Một khác biệt cơ bản giữa HoSE và UPCoM là giao dịch CP trên UPCoM sẽ không được sử dụng vốn vay (margin). Thí dụ: CP A nào đó, kinh doanh có lãi, minh bạch thông tin và niêm yết trên sàn HoSE thì dùng 1 đồng có thể mua với giá trị tối đa thành 2 đồng. Nhưng nếu A phải “dạt” xuống UPCoM thì dùng 1 đồng chỉ mua được giá trị 1 đồng cho CP này. Quyền lợi của NĐT rõ ràng bị ảnh hưởng, nhất là những người sử dụng margin vì mua CP trên UPCoM đồng nghĩa với việc sức mua cũng sẽ bị giảm sút.
Mặt khác, khi có tin CP bị hủy niêm yết, thường giá CP diễn biến không thuận lợi, có phiên bị “trắng bên mua”. Điều đó cho thấy thị trường nhìn nhận giá trị CP không đơn thuần ở góc độ thanh khoản vì tất nhiên NĐT nào cũng biết lên UPCoM vẫn giao dịch được. Đến đây, câu hỏi được đặt ra là trong trường hợp lãnh đạo DN có những tuyên bố theo kiểu “giá (hoặc giá trị) CP không bị ảnh hưởng vì hủy niêm yết” liệu có phù hợp hay không? Đó là còn chưa kể, giá CP do thị trường quyết định, lãnh đạo DN không nên lên tiếng ngay cả thời điểm thuận lợi, chứ chưa nói đến thời điểm khó khăn khi bị hủy niêm yết. Cũng có quan điểm cho rằng, lãnh đạo lên tiếng như vậy thể hiện trách nhiệm với cổ đông nhưng điều quan trọng hơn là cổ đông dù có thể không vui nhưng vẫn thích nghe những tuyên bố thẳng thắn, thừa nhận thách thức mình phải đối mặt, và những quyết tâm, giải pháp. Ngoài ra, thời điểm trở lại sàn cũng là điều cần làm rõ vì nó cho thấy tính khả thi trong kế hoạch của DN, cũng như quyết tâm của các nhà quản trị DN cho một giai đoạn vượt khó. Làm được những điều này, cổ đông hoàn toàn có thể thấu hiểu, thông cảm cho DN, thậm chí DN còn có cơ hội thu hút thêm những NĐT mới.