Giải mã thua lỗ

Thị trường chứng khoán (TTCK) đã có một phiên giảm mạnh vào ngày 5/8, khi VN Index mất gần 50 điểm để giảm xuống dưới ngưỡng 1.200 điểm.

Ngay sau đó là một loạt những thống kê như giá trị vốn hóa đã “bốc hơi” bao nhiêu, nhà đầu tư (NĐT) mất bao nhiêu tiền, tương đương tài sản gì… Thiệt hại từ những phiên như 5/8 là có thể thấy rõ, nhưng nếu đi sâu vào thống kê và phân tích, có thể đặt ra thêm câu hỏi là sự thua lỗ liệu có bị cường điệu hóa quá mức?

Phần lớn những phiên sụt giảm mạnh đều có những chỉ báo nhất định chứ hiếm khi xuất hiện đột ngột. Những chỉ báo này có thể lặp lại nhiều lần, nhưng có lần dẫn đến kết quả như phiên 5/8, cũng có lúc không như vậy. Việc chú ý vào những chỉ báo này không bao giờ là thừa và nó thuộc về một nghiệp vụ bắt buộc phải có khi đầu tư chứng khoán, đó là quản trị rủi ro. Quản trị rủi ro chặt thường đi kèm với tỷ suất lợi nhuận có thể không cao, nhưng khi rơi vào những phiên như 5/8 mới thấy giá trị của nghiệp vụ này, đó chính là hạn chế thua lỗ. Trở lại với phiên 5/8, có một số giải pháp cơ bản để quản trị rủi ro, mà nếu thực hiện, mức độ thiệt hại sẽ là không đáng kể. Giải pháp đầu tiên chính là hạ tỷ trọng margin đến mức thấp nhất có thể, thậm chí chỉ sử dụng tiền mặt. Nhìn lại khuyến nghị của nhiều công ty chứng khoán trong khoảng hai tuần qua sẽ thấy sự thận trọng nhất định và có cả những khuyến nghị về việc tinh gọn danh mục, hạn chế mua đuổi hay sử dụng vốn vay.

Một trong những nguyên tắc bắt buộc khi quản trị rủi ro là NĐT phải chấp nhận độ trễ hoặc sai số của nhận định. Chẳng hạn, khi nhận định TTCK bước vào giai đoạn hưng phấn thái quá, một số CP bị đẩy giá lên quá cao, thì đồng thời phải chấp nhận là có thể vài ngày nữa thị trường điều chỉnh hoặc cũng có khi vài tuần, thậm chí vài tháng. Một NĐT dày dạn kinh nghiệm cho biết, NĐT có thể thận trọng, thậm chí dự báo sai cũng được, nhưng thận trọng không bao giờ là thừa vì nó tạo ra một thói quen tốt khi tham gia TTCK một cách dài hạn. Còn các sai số, theo thời gian NĐT sẽ học hỏi và rút dần kinh nghiệm cho bản thân.

Trường hợp nếu danh mục vốn tự có, không sử dụng margin được duy trì trong nhiều ngày qua, lỡ như rơi vào phiên 5/8, thiệt hại của NĐT sẽ không ở mức nghiêm trọng. Bởi lẽ, nếu danh mục có CP và có thể bán ngay, thì NĐT có thể nhanh tay cắt lỗ khi giá giảm quá 5%, mà lỗ 5% danh mục là tỷ lệ chấp nhận được và có thể tìm cơ hội bù đắp. Trong trường hợp danh mục CP chưa về, nhưng nếu đó là những CP nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 thuận lợi thì mức độ thiệt hại trong phiên có khi chưa đến 5%, vì nhìn lại nhiều CP giảm sàn có những CP chỉ mang tính đầu cơ, thiếu nền tảng. Và như đã thấy, phiên 6/8 và 7/8 ghi nhận sự phục hồi tích cực của thị trường, nếu NĐT giữ được danh mục thì giá trị sẽ tăng lại trong những ngày này. Nói tóm lại, sự thua lỗ nghiêm trọng chỉ xuất hiện trong trường hợp danh mục sử dụng hết margin (có 1 đồng vay thêm 1 đồng để mua CP), trường hợp nếu quản lý nghiêm ngặt thì thiệt hại sẽ được giảm thấp, và những phiên như vậy chỉ là “tai nạn”.