Những rủi ro báo trước

Sau khi bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) bị bắt vì vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, cổ phiếu (CP) của công ty đã liên tục giảm sàn. Nghiêm trọng hơn, QCG rơi vào tình trạng cạn thanh khoản.
0:00 / 0:00
0:00

Từ chỗ có hàng triệu CP được giao dịch mỗi phiên, những ngày gần đây có những phiên QCG chỉ khớp lệnh được vài chục nghìn CP. Phiên 22/7, dư mua của QCG chỉ chưa đến 60.000 CP nhưng dư bán lên đến gần 14,3 triệu CP. Điều này chỉ ra khả năng có nhiều người muốn bán QCG nhưng bán không được. Đến đây, cần đặt câu hỏi, vì sao NĐT lại bị mắc kẹt với CP này và liệu trước đó có những tín hiệu gì phát ra để phòng tránh được rủi ro từ QCG hay những CP tương tự?

Cần nhìn lại diễn biến của QCG vào nửa đầu năm 2024, không quá xa trước khi xảy ra biến cố. Vào những ngày đầu tháng 2, giá của QCG chỉ hơn 8.000 đồng/CP, nhưng CP này đã có những đợt tăng giá mạnh và đến giữa tháng 4 đã lên đến gần 18.000 đồng/CP. Ngay trong những đợt sóng tăng này, rủi ro đã xuất hiện khá rõ. Chẳng hạn như phiên 8/4, chỉ có gần 460.000 CP khớp lệnh, sang đến phiên 9/4 khối lượng giao dịch tăng lên hơn 1 triệu CP, đến 10/4 là hơn 1,2 triệu CP. Biến động thanh khoản như vậy là thiếu ổn định và phát ra những tín hiệu rủi ro. Nhưng hiện hữu hơn cả là kết quả kinh doanh (KQKD) của QCG quý II/2023 công ty lỗ ròng hơn 11 tỷ đồng, sang đến quý III/2023 có lãi ròng hơn 10 tỷ đồng, quý IV/2023 lãi ròng hơn 15 tỷ đồng, nhưng đến quý I/2024 chỉ lãi ròng vỏn vẹn gần 1,4 tỷ đồng. Những khoản lãi của QCG nếu so với vốn điều lệ lên đến hơn 2.750 tỷ đồng là quá nhỏ bé, hiệu quả thấp, biến động thất thường, nhưng CP lại tăng giá bất thường.

Cho đến trước khi bà Nguyễn Thị Như Loan vướng vòng lao lý, QCG vẫn có thanh khoản, nghĩa là cơ hội để NĐT “thoát” vẫn có, nhưng đã hẹp dần khi biến cố xảy ra. Xét ở góc độ rủi ro, thì việc tiếp xúc một CP như QCG đòi hỏi sự thận trọng cao độ. Nhưng quản trị rủi ro là đề phòng từ xa, giải pháp tốt nhất là phải nói không với CP chứ không phải giao dịch ngắn hạn theo kiểu tìm cách chạy trước biến cố, vì thời điểm là rất khó dự báo. Mặt khác, việc CP có thể tăng giá 100%, sau đó giảm xuống 20-30% lập tức tạo ra tâm lý “giá tốt” cho NĐT, nhưng giá có thật sự tốt không lại là chuyện khác. Thậm chí, thời điểm mà NĐT nghĩ giá tốt mua vào có khi lại là cơ hội để bên bán ra hàng một cách thuận lợi.

Nói tóm lại, có những CP đột ngột xuất hiện biến cố khiến NĐT không kịp trở tay, nhưng trường hợp của QCG rủi ro đã xuất hiện từ khi CP này nổi sóng đến khi biến cố xảy ra chỉ là vài tháng, tức là rất gần. Nhưng nếu muốn tránh rủi ro, cần đề phòng từ xa và nhất là phải có sự kiên quyết.