Sáng tạo trong khuôn khổ

Sự việc Công ty chứng khoán (CTCK) VPS hợp tác với Công ty FNEST triển khai hình thức đầu tư bất động sản chia nhỏ và ngay lập tức bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) "tuýt còi" một lần nữa cảnh báo về sự sáng tạo đôi khi quá đà với các sản phẩm tài chính, vốn đòi hỏi sự chặt chẽ, cẩn trọng.
0:00 / 0:00
0:00

Trước tiên cần phải khẳng định sự quyết liệt và nhanh chóng của cơ quan quản lý trong sự việc này. Khi những thông tin quảng cáo như “giá trị bất động sản được chia thành các cổ phần đầu tư”; “có mệnh giá sơ cấp 10.000 đồng”… vừa mới xuất hiện thì lập tức UBCKNN đã có hành động. Chỉ cần có đôi chút kinh nghiệm, nhà đầu tư (NĐT) sẽ biết trên thị trường chứng khoán (TTCK) có những sản phẩm nào và việc chia nhỏ bất động sản vừa nghe đã thấy… sai sai. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là khi các đơn vị thực hiện sản phẩm mới thì mức độ kết nối với cơ quan quản lý như thế nào? Tại sao các bên thực hiện không có sự tham khảo với UBCKNN để được tư vấn, hướng dẫn và giải thích sản phẩm mới có phù hợp quy định hay không?

Nhìn lại diễn biến của những sản phẩm có tính “sáng tạo” trên TTCK trong nhiều năm qua sẽ thấy một kết cục chung, đó là khi chưa có quy định từ cơ quan quản lý thì kết quả thường không khả quan. Điển hình nhất có thể kể đến hoạt động cho vay ký quỹ (margin). Hoạt động này manh nha xuất hiện từ năm 2008 dưới những hình thức, tên gọi khác nhau và phát triển khá nhanh trong năm 2009, nhưng khi đó chưa có các quy chế chính thức. Hệ quả là có những CTCK đã phải gánh nợ xấu vì khách hàng vay tiền để mua cổ phiếu, đến khi giá CP giảm âm luôn cả phần vốn của CTCK mà vẫn không bán ra thu hồi được. Đến năm 2011, khi quy chế giao dịch ký quỹ xuất hiện, hoạt động này mới trở nên có quy củ, nhưng trong thực tế vẫn xuất hiện một số sản phẩm có tính “xé rào” như cho vay hơn tỷ lệ 1:1. Tất nhiên, cơ quan quản lý cũng liên tục theo dõi và kịp thời đưa ra các biện pháp chấn chỉnh để từ đó đến nay không còn những hệ lụy nghiêm trọng liên quan đến cho vay ký quỹ nữa.

Một trường hợp khác có thể kể đến là đã từng có CTCK vốn nước ngoài tự thiết lập “kho hàng” để cho NĐT “mượn” hoặc “thuê” và bán ra nhằm hưởng chênh lệch. Do nghiệp vụ bán khống CP chưa có trên TTCK Việt Nam, nên nếu nhận định CP sẽ giảm giá, khách hàng tại CTCK này có thể mượn hàng từ “kho” bán ra và đợi giá giảm mua vào (cover) để hưởng chênh lệch. Hệ quả là CTCK này đã bị phạt nặng cách đây hơn một thập kỷ và cũng mất hút trên thị trường.

Thông qua các thí dụ nêu trên, có thể khẳng định rằng, nhu cầu sáng tạo hoặc tăng cường sản phẩm trên TTCK là hiện hữu, đó cũng là động lực để không riêng TTCK mà bất kỳ thị trường nào cũng phải có để tăng trưởng. Nhưng sự sáng tạo phải dựa trên nền tảng chặt chẽ, phù hợp các quy định từ cơ quan quản lý trên cơ sở bảo đảm quyền lợi cho NĐT. Những sự sáng tạo có phần thái quá khó có khả năng tồn tại vì ẩn chứa nhiều rủi ro, NĐT và nhiều ý kiến phản biện sẽ lập tức lên tiếng và cơ quan quản lý sẽ vào cuộc chấn chỉnh.