Công ty chứng khoán ngoại có gì?

Công ty chứng khoán (CTCK) ngoại, tạm hiểu là các đơn vị mà các định chế tài chính nước ngoài chiếm cổ phần chi phối, đồng thời mang tên tương tự tập đoàn mẹ.

Maybank (trước đây là Kim Eng), KIS Việt Nam, Mirae Asset… có thể xem là những CTCK ngoại đời đầu khi thương hiệu có thâm niên từ 10-15 năm, xác lập được vị thế, uy tín với các nhà đầu tư (NĐT). Khoảng nửa thập kỷ gần đây nổi lên những cái tên như Yuanta, KB Việt Nam, Pinetree…

Về cuộc đua thị phần, có thể nói sự cạnh tranh của các CTCK ngoại chỉ ở phạm vị tốp 10 và hiếm khi có việc hướng đến tốp 5. Ở các lĩnh vực khác như tư vấn niêm yết, bảo lãnh phát hành… cũng không mấy CTCK ngoại đủ sức cạnh tranh với các CTCK nội địa như SSI, HSC… Câu hỏi được đặt ra ở đây là kể từ khi CTCK Kim Eng được xem là CTCK ngoại đầu tiên tạo được dấu ấn trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đến nay đã khoảng 15 năm, các CTCK đã để lại những dấu ấn gì và liệu sẽ có những bước đột phá như thế nào trong thời gian tới.

Có thể ví von các CTCK ngoại trên thị trường giống người Anh trong môn bóng đá, dù thành tích không đồ sộ, nhưng có vai trò tiên phong. Có thể gọi hai chuyên gia của Kim Eng vào giai đoạn 2008-2009, gồm một nước ngoài, một trong nước, là Ken Tai và Lương Biện Nhân Quyền là những… KOL đời đầu của TTCK Việt Nam. Những nhận định của hai chuyên gia này khi đó thường “gây sốc”, nhưng cũng có giai đoạn có tính chính xác cao và góp phần tạo nên sự chú ý với thương hiệu Kim Eng. Không chỉ tiên phong trong việc xác lập các KOL, Kim Eng sau đó còn là một trong những CTCK công bố chiến lược chỉ tập trung cho môi giới, đồng thời xác lập hệ thống chi nhánh, giống như mô hình kinh doanh theo chuỗi hiện nay trước khi “đổi chủ” sang cho Maybank và trở thành CTCK 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam.

Sau khi mua lại CTCK Gia Quyền, Tập đoàn KIS (Hàn Quốc) đổi tên thành CTCK KIS Việt Nam và cũng có nhiều hoạt động sôi nổi. Chẳng hạn như trong các buổi hội thảo dành cho NĐT cá nhân, KIS thường chia sẻ những sự tương đồng giữa TTCK Việt Nam với những giai đoạn của TTCK Hàn Quốc, thậm chí có chuyên gia tài chính người Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc cũng được CTCK này mời đến hội thảo để chia sẻ. Cũng giống như Maybank, KIS cũng thiết lập những tiêu chuẩn trong phục vụ, chăm sóc khách hàng, nhất là mảng môi giới, có nhiều nét khác biệt và chuyên nghiệp.

Mặc dù chưa có dấu hiệu cho thấy muốn “đua tốp” một cách quyết liệt nhưng rõ ràng, những nền tảng mà CTCK ngoại thiết lập trên thị trường là rất đáng chú ý. Mặt khác, thanh khoản của TTCK Việt Nam vẫn đang trong xu hướng gia tăng, hiện đã ở trong tốp 2 khu vực Đông Nam Á, đồng nghĩa với việc có thêm sự hấp dẫn trong mắt các định chế tài chính, trong đó có các tập đoàn mẹ của các CTCK vốn ngoại trên thị trường. Chính các CTCK ngoại cũng sẽ là kênh dẫn vốn từ nước ngoài và cũng từ đây khi có nhiều NĐT nước ngoài tìm đến TTCK Việt Nam thì vị thế của các CTCK cũng có thể cải thiện. Như vậy, có thể trong trung và dài hạn, sẽ chứng kiến thêm những cuộc cạnh tranh thú vị giữa các CTCK nội và CTCK ngoại, qua đó tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ trên thị trường cũng như bổ sung thêm lợi ích cho NĐT.