Mạnh tay với sai phạm kiểm toán

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm kiểm toán độc lập tối đa lên 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Một số đơn vị trong ngành kiểm toán cho rằng điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý kiểm toán viên, nhưng một số chuyên gia cũng bày tỏ động thái này là cần thiết vì vi phạm kiểm toán có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước tiên cần phải khẳng định, kiểm toán là một ngành áp lực, đầu vào đã không đơn giản và để trụ được trong nghề lại càng gian nan. Một số người không làm việc trong ngành kiểm toán nữa không phải vì lý do chuyên môn mà vì áp lực rất lớn, nhất là vào giai đoạn quý I hằng năm dành cho báo cáo tài chính năm, hoặc giữa năm dành cho báo cáo tài chính bán niên soát xét. Nhưng lợi thế của nhân sự ngành kiểm toán cũng lớn, bởi lẽ hiện nay rất nhiều nhân sự cao cấp trong ngành chứng khoán, nhất là thế hệ 7x hoặc 8x đều có xuất phát điểm là dân kiểm toán.

Mặt khác, với chuyên môn vững chắc về kế toán - kiểm toán, nhân sự trong ngành này hoàn toàn có thể rẽ sang các vị trí như kế toán trưởng, giám đốc tài chính… Một thực tế khác cũng chỉ ra rằng, các công ty kiểm toán hàng đầu, chẳng hạn như nhóm Big4 (4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới) luôn ở thế "cửa trên" trong giao tiếp với đối tác. Ưu thế chính là doanh nghiệp được nhóm Big4 kiểm toán chứ không phải là Big4 được kiểm toán cho doanh nghiệp nào đó. Công ty nào được Big4 kiểm toán xem như có uy tín, vị thế trên thị trường, thể hiện được sự chuyên nghiệp, tính minh bạch cao…

Và việc đơn giản hơn nữa, nếu khảo sát sơ bộ và thấy doanh nghiệp có vấn đề về mặt sổ sách, đồng thời không muốn làm mất lòng đối tác thì công ty kiểm toán nói chung có thể không ký hợp đồng làm việc, đó là chuyện rất hiển nhiên. Nói tóm lại, rất hiếm khi có chuyện công ty kiểm toán nằm ở vị thế “chiếu dưới” hoặc “rủi ro”, nếu tuân thủ quy trình chặt chẽ.

Tất nhiên, vấn đề có thể phức tạp hơn đôi chút trong một số trường hợp mà ranh giới giữa đúng/sai, trọng yếu/không trọng yếu trở nên mong manh và đây có thể là khởi điểm cho rủi ro. Một chuyên gia kế toán - kiểm toán có nhiều năm kinh nghiệm đặt vấn đề: Về lý mà nói, nếu một công ty kiểm toán cho một công ty niêm yết đạt được các tiêu chí là cơ quan quản lý chấp thuận, doanh nghiệp chấp thuận và nhà đầu tư chấp nhận thì coi như ổn thỏa.

Nhưng đi sâu hơn nữa, chấp nhận đó là chấp nhận ở hiện tại, còn giả sử như hiện tại vẫn ổn, nhưng báo cáo tài chính tiềm ẩn rủi ro trong tương lai. Lúc này, kiểm toán viên hay công ty kiểm toán sẽ có nhiều giải pháp để lựa chọn sao cho… chu toàn nhất. Chu toàn ở đây có thể là không để mất lòng khách hàng, nhất là các công ty kiểm toán không nằm trong tốp đầu thì thực tế cũng rất cần khách hàng. Mặt khác, để bảo đảm mình không gặp rủi ro, công ty kiểm toán cũng có thể “rào chắn” qua những ý kiến của mình. Nhưng còn rủi ro có thể xảy đến cho nhà đầu tư thì sao? Câu hỏi này có lẽ sẽ tùy vào cách hành xử của mỗi công ty kiểm toán và có lẽ đã đến lúc khi các hình thức xử phạm có xu hướng tăng nặng, các công ty sẽ phải thận trọng hơn nữa trong hoạt động của mình.