Cẩn trọng khi “sao chép”

Sao chép giao dịch (copy trade) là một công cụ mà công ty chứng khoán (CTCK) hoặc một số người giao dịch “có nghề” dùng để hỗ trợ nhà đầu tư (NĐT), khách hàng của mình sinh lợi nhuận. Mặc dù thường được người trong cuộc gắn với những mỹ từ như “hiệu quả cao” hay “lãi lớn” nhưng sao chép giao dịch đến giờ vẫn là một công cụ mang đầy sự hoài nghi.

Sự hoài nghi đầu tiên chính là nhiều người tự hỏi sao chép giao dịch là gì? Chắc chắn đây không phải là một nghiệp vụ có những quy định rõ ràng như môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành hay nghiên cứu, mà giống như một dịch vụ “cộng thêm” mà CTCK hay một số môi giới dành cho khách hàng. Theo đó, khách hàng của CTCK hoặc môi giới sẽ có đặc quyền được theo dõi tài khoản của những người giao dịch "có nghề", xem họ mua bán như thế nào, gồm có cổ phiếu (CP) gì với kỳ vọng sinh lãi cao.

Đảo qua lời giới thiệu về sao chép giao dịch trên mạng xã hội sẽ thấy cực kỳ đơn giản, chẳng hạn như bạn cứ làm theo các “cao thủ” bạn sẽ có lãi lớn, kèm theo đó là bằng chứng tài khoản này lãi vài chục % trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng trong thực tế, câu chuyện kiếm tiền trên thị trường chứng khoán chưa bao giờ là dễ dàng như viễn cảnh được vẽ ra. Và chính sự lệch pha giữa quảng cáo, kỳ vọng và thực tế đã nảy sinh ra những vấn đề của sao chép giao dịch, và khi thị trường chung không thuận lợi thì một số sự mập mờ có cơ hội “bục” ra.

Đầu tiên có thể kể đến chuyện “lãi lớn” của một số tài khoản cao thủ, chẳng hạn 9 tháng lãi 50% thì điều này không đồng nghĩa với những tháng tiếp theo có lãi. Và lật giở lại quá khứ thì không phải lúc nào sao chép theo cao thủ cũng có lãi, vì có thể 6 tháng đầu tiên tài khoản này sinh lãi 100%, nhưng 3 tháng sau lại lỗ 50% trở lại. Như vậy, nhưng ai sao chép từ tháng thứ 7 có nguy cơ thua lỗ, chỉ những người sao chép từ đầu mới có khả năng có lãi. Chuyện tăng giảm của tài sản là rất bình thường, nhưng sẽ hợp lý hơn nếu những lời giới thiệu đi kèm với chia sẻ cụ thể, như giai đoạn nào, tài sản tăng trưởng âm, lý do… thay vì giới thiệu theo kiểu cứ làm theo là có lãi. Điều này trước tiên gây hại cho chính những người được sao chép, vì chỉ cần tài sản của người sao chép bị thua lỗ thì một loạt những sự trách móc, áp lực sẽ xuất hiện.

Vấn đề kế tiếp là những xung đột lợi ích tiềm tàng liên quan đến sao chép giao dịch, trong trường hợp có lãi thì tất cả đều vui nhưng nếu thua lỗ xảy ra thì chỉ… CTCK có lợi, vì NĐT lời hay lỗ thì vẫn phải trả phí giao dịch, trả lãi margin. Trong trường hợp CTCK hay môi giới chia sẻ một cách thận trọng, sao chép giao dịch chỉ là công cụ hỗ trợ mang tính tham khảo cho NĐT, sự dè dặt có thể xuất hiện và không chắc đã có nhiều người sử dụng. Nhưng nếu quảng cáo quá “kêu” nhưng hiệu quả không cao, nguy cơ CTCK mất khách cũng hiện hữu. Nói tóm lại, CTCK nên có những tuyên bố minh bạch về nghiệp vụ sao chép giao dịch khi triển khai, còn nếu không thể giải quyết được thì cần dừng lại thay vì cứ làm trong sự ngờ vực. Còn phía NĐT, tất nhiên cũng phải rất thận trọng vì đầu tư chứng khoán không bao giờ là dễ.