Nhiều lần trò chuyện với Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên về văn hóa vùng cao anh bảo rằng, điệu khèn H’Mông chỉ khi vút lên trên triền núi, vang vọng trong lũng mây, ngân nga bên nương ruộng bậc thang mới thật sự bộc lộ hết vẻ đẹp và sự quyến rũ của nó. Chính vì thế, với người dân nơi đây, để gìn giữ văn hóa thì trước hết vẫn là sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành, trong đó then chốt của môi trường ở đây vẫn là bảo vệ và phát triển rừng và ruộng.
Rừng và sự sống còn
Lần trước lên Mù Cang Chải, trước khi bắt đầu câu chuyện về rừng, Bí thư Nông Việt Yên cho chúng tôi gặp một nhân vật đặc biệt với mấy lời ngắn gọn: "Các anh cứ tìm hiểu về rừng thông qua câu chuyện của bạn Phạm Tiến Lâm thì sẽ hiểu hơn, vì câu chuyện đời Lâm lại ẩn chứa trong đó một mảnh sử thi của những cánh rừng Mù Cang Chải". Phải khi gặp Lâm chúng tôi mới hiểu vì sao Bí thư Yên muốn câu chuyện về rừng ở đây bắt đầu với chàng kỹ sư này!
Câu chuyện trồng rừng, giữ rừng của Mù Cang Chải có thể sẽ phải kể bằng công sức, mồ hôi và cả máu của nhiều thế hệ tiếp nối. Nhưng chỉ cần biết một câu chuyện nhỏ cũng đủ giúp cho chúng ta hiểu rằng, rừng ở đây còn là sinh mạng con người. Hơn 40 năm trước, tháng 4/1980, một trận cháy rừng khủng khiếp đã xảy ra với rừng thông ở Nả Háng Tâu (Lâm trường Púng Luông, thuộc huyện Mù Cang Chải). Nữ y tá của Lâm trường Púng Luông, chị Phạm Thị Tiến vừa sinh con được hơn một tháng. Không thể ngồi nhìn ngọn lửa hung dữ đang liếm sạch những cánh rừng thông mồ hôi nước mắt bao năm, chị cùng bà con lao lên rừng dập lửa cứu rừng. Người nữ y tá ấy mới sinh con còn yếu, lại mải mê lao theo dập lửa không hề biết lửa đã vây kín chung quanh. Và khuya đó, ngọn lửa cháy rừng bị chặn lại nhưng người mẹ trẻ ấy đã nằm lại giữa cánh rừng nóng rực tro than, để lại đứa con thơ dại chỉ vừa hơn tháng tuổi.
Và hơn 40 năm sau trận cháy rừng cướp đi sinh mạng người nữ y sĩ của Lâm trường Púng Luông ấy, đứa con trai bé dại mồ côi mẹ ngày đó, chính là Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải, cái tên "Lâm" - cũng có nghĩa là rừng. Với một người như Phạm Tiến Lâm, chúng tôi tin anh sẽ yêu rừng và biết cách để giữ rừng tốt nhất trong chức năng nhiệm vụ của mình, bởi trong những cánh rừng thông miên man xanh ở Mù Cang Chải hôm nay có tuổi xuân người mẹ thân yêu của anh nằm lại (mới đây, Phạm Tiến Lâm đã luân chuyển công tác về làm Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn). Câu chuyện của Lâm và người mẹ hy sinh khi cứu rừng, đúng như Bí thư Yên nói, đó là một mảnh sử thi của những cánh rừng nơi đây!
Nhiều năm trước, mỗi lần qua cung đường này, từ Khau Phạ đi lên, không chuyến đi nào chúng tôi không chứng kiến những trận cháy rừng. Nhưng mấy năm gần đây, những trận cháy rừng đã hiếm. Con số che phủ rừng 67% của Mù Cang Chải đặt trong bối cảnh tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam hiện chỉ đạt 42% sẽ thấy đó là một thực tế đầy tích cực.
Một khu du lịch cao cấp đang được hình thành ở Mù Cang Chải. |
Giấc mơ thiên đường "du lịch xanh Tây Bắc"
Những cánh rừng thông chúng tôi thu vào tầm mắt hôm nay cũng là khu rừng thông lớn nhất Tây Bắc, trước đây thuộc Lâm trường Púng Luông, giờ đã được đổi thành Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải. Nhờ tuyên truyền vận động và có chính sách hỗ trợ tích cực cho nhân dân, ở địa bàn các xã như Púng Luông, Nậm Khắt... gần mười năm nay không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Có thể gọi đó là một kỳ tích.
So cả tỉnh Yên Bái, Mù Cang Chải đã đi trước khoảng 10 năm trong việc nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bởi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái trong việc hiện thực hóa chỉ số hạnh phúc có vấn đề phát triển độ che phủ của rừng từ 63% lên 65% và phấn đấu năm 2030 đạt 67%. Nghĩa là tỷ lệ cả tỉnh vào năm 2030 đạt 67%, bằng với tỷ lệ che phủ rừng của Mù Cang Chải hiện nay.
Mâu thuẫn giữa bảo tồn các cảnh quan tự nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống và sự phát triển vũ bão của kinh tế luôn là bài học cho bất cứ vùng đất nào. Có lẽ chính vì nhìn thấy trước những điều đó mà một trong những điều Bí thư Nông Việt Yên vô cùng tâm huyết để Mù Cang Chải là huyện sớm nhất của Tây Bắc hoàn thành được "Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030".
Theo Quốc lộ 32 từ thành phố Yên Bái, vào Nghĩa Lộ, qua Văn Chấn, đặt chân tới cửa ngõ phía đông của Mù Cang Chải, khi vừa lên đèo Khau Phạ du khách đã sững sờ với thung lũng ruộng bậc thang mênh mông dưới trời xanh mây trắng. Vẻ đẹp hùng vĩ của những mái đồi ruộng bậc thang này đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt với gần 900 ha ruộng (trong số 7.000 ha của toàn huyện) nằm trên địa bàn các xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải.
Nếu vẻ đẹp của ngọn núi, dòng sông, hang động, mặt hồ... là vẻ đẹp tự nhiên thuần phác thì ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải là tạo tác của bao nhiêu đời người, thấm đẫm mồ hôi và tài nghệ mở ruộng trên chính mảnh đất sinh sống của gia đình dòng tộc, đời đời nối nhau. Chính mồ hôi qua bao thế kỷ thấm xuống những mảnh ruộng này làm nên vẻ đẹp đặc biệt ấy. Nhiều lần ngắm nhìn vẻ đẹp lộng lẫy của ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chúng tôi phát hiện ra rằng ruộng bậc thang chính là vẻ đẹp được kết hợp hoàn hảo từ thiên nhiên và con người. Những cán bộ lãnh đạo ở đây cũng đang tận tụy xây cho Mù Cang Chải những bậc thang để một ngày không xa miền đất này thật sự là một thiên đường du lịch, với triết lý phát triển hướng tới hạnh phúc của chính mỗi người dân!
Kỹ sư Phạm Tiến Lâm đi cấy lúa tại Púng Luông trong chiến dịch "Ngày cuối tuần cùng dân" do Huyện ủy Mù Cang Chải phát động và duy trì từ nhiều năm qua. |
Lý luận và thực tiễn
Câu chuyện về Mù Cang Chải và sự năng động sáng tạo từ vai trò lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền huyện này là những ghi nhận ban đầu về một địa phương với triết lý phát triển mới. Mô hình này cùng với những tìm tòi trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái và sự cụ thể hóa các vấn đề về "chỉ số hạnh phúc" ở Mù Cang Chải vẫn đang hứa hẹn nhiều khích lệ và hy vọng từ chính bức tranh kinh tế-văn hóa-xã hội của một huyện rẻo cao Tây Bắc vốn xa xôi, gian khó này.
Chúng tôi đã từng tìm đến Vương quốc Bhutan để tìm hiểu về mô hình phát triển của Bhutan với việc lấy chỉ số hạnh phúc con người làm trung tâm. Bởi thế, chúng tôi rất tâm đắc khi đọc được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025, lần đầu nhấn mạnh: "chỉ số hạnh phúc cho nhân dân là giá trị cốt lõi". Sau đại hội, trả lời báo giới về khái niệm về "chỉ số hạnh phúc", Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đã có một câu trả lời đầy thuyết phục: "Yên Bái không phải cố tạo ra sự khác biệt, mà mục tiêu rõ ràng là cần có triết lý phát triển cho riêng mình".
Từ câu chuyện của một địa phương, một mô hình, một triết lý, một khi thành công và được thừa nhận, được nhân rộng thì đó là sức thuyết phục lớn nhất ở cả hai khía cạnh: Lý luận và thực tiễn.