Trường Sa, nơi tình yêu ở lại

Trong khi mọi người tham quan bảo tàng, Thủy với bộ quân phục hải quân đứng một góc, lẳng lặng nhìn ra xa xa, như tịnh tâm tưởng nhớ về người bố của mình. Người vãn bớt, Thủy lần ngón tay dò tìm tên của bố và đồng đội bố trên những tấm bảng, đôi mắt đỏ hoe…
0:00 / 0:00
0:00
Thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma.
Thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma.

Nhọc nhằn tuổi thơ

Trước ngày lên tàu KN390 xuất phát ra quần đảo Trường Sa, chúng tôi được đi thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sa ở Khánh Hòa. Đồng chí Thiếu tá Lại Văn Tung, trợ lý Phòng Công tác quần chúng, Cục Chính trị hải quân giới thiệu, trong đoàn công tác chúng ta có một đồng chí là con của liệt sĩ Gạc Ma lần đầu ra viếng bố mình. Đó là Thiếu tá chuyên nghiệp Lê Thị Minh Thủy, con của liệt sĩ Lê Đình Thơ.

Bố Lê Đình Thơ đi Trường Sa khi Lê Thị Minh Thủy chưa tròn một tuổi. Đáng lẽ không phải bố của Thủy đi chuyến ấy nhưng một đồng đội có vợ vừa sinh con nhỏ nên bố Thủy tình nguyện đi thay. Bố Lê Đình Thơ hy sinh khi Thủy vừa tròn một tuổi 9 ngày. Mẹ của Thủy quá đau buồn, đã ra đi theo chồng vào cuối tháng 12 cùng năm đó. Lê Thị Minh Thủy mồ côi khi mới 18 tháng tuổi.

Không còn bố mẹ, Thủy về Hà Tây (nay là Hà Nội) ở với ông bà ngoại được vài năm, sau đó về ở với ông bà nội tại Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp THPT, Thủy tình nguyện viết đơn xin được phục vụ tại Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển, nơi bố mẹ từng công tác. Tháng 11/2005, Thủy vui mừng nhận quyết định được tuyển dụng vào đơn vị. Chưa có bằng cấp, Thủy chỉ được bố trí ở bộ phận nấu ăn. Thấy chưa thể tiếp nối nghề của bố mình, Thủy âm thầm vừa làm việc, vừa tự ôn thi và đỗ vào Trường đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội, khoa Trắc địa bản đồ. Tốt nghiệp, Thủy được trở về Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển - Bộ Tham mưu Hải quân công tác.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Thủy tham gia nhiệm vụ diễu binh, được Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc tặng bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được thăng quân hàm Đại úy trước niên hạn. Năm 2022, Thủy được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, quân nhân chuyên nghiệp tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 2020-2022 cấp Bộ Tham mưu, Phụ nữ xuất sắc tiêu biểu cấp Quân chủng, Bằng khen cấp Bộ Quốc phòng.

Mơ một lần ra Trường Sa

Rất trùng hợp, chồng của Thủy trước kia cũng thuộc đội đo đạc của bố Thủy. Nay vợ chồng Thủy có hai con, các con Thủy chỉ thấy ông bà nội nhưng chưa được thấy ông bà ngoại đâu nên luôn hỏi. Thủy đưa con về thăm quê ngoại kể về ông bà ngoại cho con nghe. Đến ngày rằm, ngày giỗ, Thủy dắt con lên thắp nhang cho ông bà ngoại rồi tiếp tục kể ông ngoại đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ biển đảo ở Trường Sa. Các con Thủy lắng nghe rồi vào mạng internet tìm kiếm và đọc những bài viết về Trường Sa và trận chiến Gạc Ma. Thủy cảm thấy ấm lòng.

Đi cùng đoàn công tác trên tàu, Thủy thấy không khí trên tàu rất vui. Các đại biểu khắp mọi miền đất nước đã đón nhận và dành tình cảm đặc biệt quý mến bộ đội cùng lực lượng hải quân. Nghĩ đến các chiến sĩ vất vả, dù say sóng rất mệt, các chị, các em vẫn ráng dậy giúp rửa chén bát, nhặt rau, phụ nấu ăn…

Đứng tựa hành lang boong tàu, trò chuyện với Thủy giữa biển xanh trời xanh mây trắng Trường Sa, tôi vô cùng mến phục, cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới một tuổi rưỡi, giờ đã là một thiếu tá hải quân chuyên nghiệp, rắn rỏi với đôi mắt cương nghị, giọng nói ấm, khỏe khoắn.

Bí ẩn Trường Sa

Tàu vừa rời cảng đi Trường Sa đã nhận tin dự báo thời tiết vài ngày tới có áp thấp nhiệt đới, sóng to sẽ ập đến. Thủy nằm bẹp trong phòng, đến bữa không dậy ăn cơm nổi. Đi ô-tô đã say xe huống gì sóng biển cấp năm, cấp sáu. Nhiều người trong đoàn đã lo lắng, sức khỏe Thủy có chịu nổi sóng biển, đi viếng bố Thủy lại vất vả đến thế này sao!

Lúc đoàn công tác chuẩn bị làm lễ tưởng niệm, sĩ quan thuyền viên tàu đã hạ một xuồng cứu sinh đưa nhóm phóng viên ảnh xuống biển để kịp ghi lại những hình ảnh thả lễ vật và vòng hoa. Sóng biển đang cấp ba, cấp bốn, xuồng cứu sinh dập dềnh. Nhưng kỳ lạ thay, lúc làm lễ tưởng niệm, sóng gió đột ngột lặng, biển êm đến lạ thường. Những vòng hoa, những cánh hoa đăng bồng bềnh cùng nến lung linh trên mặt biển cứ tản ra xa dần hòa vào biển trời đêm.

Sau khi làm lễ tưởng niệm và lấy một ít nước biển Gạc Ma, Thủy thấy hết say sóng. Hôm sau ngủ dậy, mọi mệt mỏi đã tan biến, Thủy ra ngoài boong tàu ngắm biển trò chuyện với mọi người, trong lòng vô cùng nhẹ nhõm. Không biết do tâm lý hay năng lượng vô hình từ bố truyền sang mà sau lễ tưởng niệm Thủy bỗng khỏe mạnh hơn.

Đoàn công tác chúng tôi may mắn khi đến thăm tất cả các điểm đảo và nhà giàn DK I, II Phúc Tần theo đúng kế hoạch, lịch trình. Được biết các chuyến ra đảo trước và sau đó vì sóng lớn chỉ cử đại diện lên thăm đảo thăm giàn mà thôi. Một chiến sĩ trên nhà giàn nói, gần hai năm nay mới có một đoàn mà tất cả các đại biểu được lên thăm nhà giàn thế này.

Dù kế hoạch lên thăm và rời đảo đã được định giờ giấc trước hàng tháng trời nhưng cả ba lần đoàn thăm đảo Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn và Nhà giàn DK Phúc Tần, khách lên thăm đảo, thăm giàn nắng chói chang. Lúc chia tay, tàu vừa nhổ neo tiếp tục hành trình thì mưa dông ào đến, khách và chủ vẫy tay trong màn mưa cùng sấm chớp đì đùng. Mưa gió rất to như cùng tiễn biệt đoàn vậy.