Nghệ sĩ ưu tú Tố Nga:

Trong tiếng hát có vị mặn mòi của đời sống

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo từng nói rằng, ai đã trót nghe Tố Nga hát, sẽ ngấm và không rời ra được. Giọng hát của chị chứa đựng tâm tình qua năm tháng, cuộc đời, qua những đắng cay, hạnh phúc. Chị chia sẻ nhiều điều với chúng tôi, trước thềm liveshow đầu tiên sau 30 năm gắn bó với âm nhạc của chị, diễn ra vào ngày 18/11 tại Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
NSƯT Tố Nga trong một chương trình âm nhạc gần đây tại Hà Nội. Ảnh: NVCC
NSƯT Tố Nga trong một chương trình âm nhạc gần đây tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

Nghệ thuật của tôi không thức thời

- Sau hành trình dài trong cuộc đời của một nghệ sĩ, những câu chuyện mà chị mong ước được kể với khán giả tại đêm nhạc cá nhân đầu tiên này là gì?

- Cuộc đời tôi như một dòng sông, có khởi nguồn, có giai đoạn đau thương, hạnh phúc. Con người ta, khi vui thường ít nhắc đến nhưng nỗi buồn thì nhớ mãi. Tố Nga cũng đã có những năm tháng u ám của cuộc đời, đó cũng là lý do khiến đến bây giờ, sau 30 năm, tôi mới có thể thực hiện được một đêm nhạc của riêng mình.

Nhưng những gấp khúc đó chưa hẳn chỉ có nỗi buồn đâu bởi tôi cảm thấy nhờ chúng, tôi được trưởng thành hơn về nhân cách, tư duy và giọng hát. Tôi thầm cảm ơn những va đập đó cho mình nhận ra nhiều giá trị của cuộc sống. Và tôi muốn kể cho khán giả nghe dòng sông cuộc đời ấy. Chương một là những bài hát dân ca gắn với tên tuổi của Tố Nga như Về xứ Nghệ cùng em, Ca dao em và tôi, Quê hương em là núi Hồng, sông La... Chương hai là những gấp khúc cuộc đời, chuỗi ngày khắc khoải vì đau thương và nước mắt, với một số bài hát mang tính tự sự, là tôi của hiện tại, là tôi của quá khứ. Màu sắc âm nhạc của Chương hai hơi khác so bản ngã của một Tố Nga 30 năm qua. Còn ở Chương ba, khán giả thấy một Tố Nga khác hẳn, không còn đậm chất dân ca nữa mà phá cách với những bản tình ca mới mẻ, sâu lắng hơn. Câu chuyện trong liveshow của tôi rất đơn giản; tôi chỉ muốn kể về một dòng sông nhiều trải nghiệm. Nhất là, tôi để giọng hát tự kể chuyện chứ không dùng công nghệ để khỏa lấp nó.

- Giọng hát ấy có khởi nguồn như thế nào, thưa chị?

- Năm 1997, tôi trốn mẹ ra Hà Nội, thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam-PV) vì lúc đó, tôi nghĩ rằng, muốn đi theo nghiệp hát, tôi không thể ở lại quê nhà. Gia đình không có ai làm nghệ thuật. Tôi ra đi với chiếc va-li sắt và 200 nghìn đồng mà bố cho giấu. Rất nhiều kỷ niệm. Hằng đêm, sau giờ học, tôi chạy show các quán để kiếm tiền trang trải sinh hoạt. Một mình giữa Hà Nội, tôi tự mày mò tìm đường. Lúc đầu, tôi còn hát nhạc nhẹ nhưng sau chuyển dần sang mầu dân gian, vì nó là máu thịt của mình rồi. Tôi được các thầy, cô giúp đỡ rất nhiều. Đầu tiên, tôi học cô Mai Tuyết, thầy Minh Đức, sau này là nhạc sĩ An Thuyên, người để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp âm nhạc của tôi. Bài hát Dòng sông đa tình thầy viết tặng tôi khi tôi còn rất trẻ, lúc đó chưa hát ngay được. Sau này, khi đi qua những khúc quanh của đời sống, tôi mới thấu hiểu bài hát đó.

- Dễ hiểu vì sao chị lại lấy tên ca khúc ấy làm tên cho liveshow đầu tiên của mình. Phải chăng, nghệ sĩ có những truân chuyên cuộc đời, nếm đủ vị mặn chát của đời sống thì giọng hát mới thấm, mới hay được?

- Tôi nghĩ, tiếng hát là năm tháng, là thời gian, được ngấm những trải nghiệm, chiêm nghiệm của người hát. Với lại, tôi không chiều theo khán giả, tôi chỉ làm những gì mình thích, bởi tôi quan niệm nghệ sĩ thích mới hát hay được. Có lẽ, nghề chọn mình là vậy.

Giọng hát của tôi trầm và lặng lẽ. Cuộc đời tôi cũng vậy, không sốt ruột, không chạy theo trào lưu. Có thời điểm người người hát bolero, nhưng tôi gần như đứng ngoài cuộc dù tôi hát bolero cũng rất "tình" (cười). Tận năm 2020, khi trào lưu bolero lắng xuống, tôi thử nghe và thấy có nhiều bài hay, tôi lại thử hòa âm phối khí khác đi, mang cho nó một hơi thở mới và ra một album bolero. Nhìn lại, cuộc đời và sự nghiệp của tôi không liên quan nhiều đến tính thức thời mà nó là dòng chảy của chính mình, bình lặng tự nhiên, không tính toán, không mưu cầu.

Tôi đi chậm, nhưng không lạc thời

- Nhưng đời sống âm nhạc bây giờ đã thay đổi, thói quen nghe nhìn của khán giả cũng đã khác, chị có bị áp lực phải làm mới mình không trong xu thế thay đổi đó?

- Tôi cũng đã tự hỏi mình nhiều lần, xã hội giờ ai cũng cầm điện thoại thông minh, nghe nhạc trực tuyến. Rất ít người nghe đĩa. Nhưng nếu là dân nghe nhạc chuyên nghiệp, họ cũng sẽ nhận ra, nghe nhạc qua băng đĩa, mà ta hay gọi là "trên nền tảng cứng", chất lượng sẽ tốt hơn hàng trăm lần. Vì thế, có một bộ phận khán giả vẫn chung thủy với cách nghe nhạc truyền thống. Đó là những khán giả ruột của tôi. Gia tài lớn nhất tôi có chính là những album và sự chung thủy của khán giả; có người nói với tôi là họ chỉ nghe Tố Nga hát mà thôi, bao nhiêu năm rồi, không bỏ qua bất cứ bài hát nào của tôi. Đó là giá trị lớn của người nghệ sĩ.

- Chị không hề có cảm giác bị lùi lại trong sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số?

- Tôi nghĩ, mình đi chậm nhưng không lạc thời. Tôi mang tâm thế của một người quan sát các bạn trẻ để hiểu thời cuộc thôi chứ không chạy theo thời cuộc. Tôi tin có những giá trị tồn tại mãi với thời gian. Những giọng hát của NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa, NSND Quang Thọ, những người thuộc thế hệ trước tôi, tên tuổi của họ không bao giờ bị lu mờ dù âm nhạc của hiện tại và tương lai có phát triển như thế nào. Điều quan trọng là thế hệ chúng tôi có nối tiếp được họ không, để cho dòng chảy của âm nhạc mang âm hưởng dân gian dân tộc không bị ngắt quãng. Trào lưu hay xu hướng chỉ là những thứ nhất thời. Còn với âm nhạc dân gian, đó là một con đường dài, bền bỉ và nỗ lực không ngừng bằng tình yêu của mình.

- Giá trị cốt lõi của âm nhạc vẫn là chạm đến cảm xúc của người nghe. Nhìn lại chặng đường 30 năm ca hát, chị thấy điều tha thiết nhất mà chị mong được gửi gắm đến người nghe nhạc hôm nay có thể là gì?

- Tôi luôn tự nhủ, âm nhạc là năm tháng và cuộc đời. Dòng nhạc dân gian càng cần nhiều trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống. Trong tiếng hát cần vị mặn mòi của đời sống. Tôi nghĩ, thời gian sẽ sàng lọc, những gì tinh túy sẽ còn lại. Nghệ thuật cần sự khổ luyện, để hát mà như không hát, kỹ thuật mà như không kỹ thuật, thời gian sẽ trả lời tất cả, không đốt cháy giai đoạn được... Đây cũng là tâm huyết nghệ thuật mà tôi mong có thể chia sẻ tới khán giả của tôi, hôm nay và ngày mai.

- Cảm ơn chị về những chia sẻ chân thành!

Nghệ sĩ Tố Nga công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Chị đã ra mắt công chúng 14 album, trong đó có 12 album gồm các ca khúc mang âm hưởng dân gian, một album ca khúc Trần Tiến và một album bolero. Bên cạnh album dạng đĩa nhạc thông thường (CD), chị còn đầu tư định dạng đĩa than cho ba album gần đây, hướng đến những người nghe nhạc hi-end. Chị được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2016.