Trọn vẹn tình yêu của cựu chiến binh tàu không số

Câu chuyện kể trước mùa xuân mối tình huyền thoại của cựu thủy thủ tàu không số Hồ Thăng Nhuận, là những ký ức hào hùng và vô vàn gian khó. Họ gặp nhau trong chiến tranh, là những mảnh ghép hoàn hảo, đến với nhau, vẹn toàn cho đến hôm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Cựu chiến binh Hồ Thăng Nhuận và vợ.
Cựu chiến binh Hồ Thăng Nhuận và vợ.

Nhớ lấy để sống tốt và tử tế

Cựu thủy thủ tàu không số Hồ Thăng Nhuận, 100 tuổi và vợ - bà Nguyễn Thị Diễn, 85 tuổi, đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ trên đường Trần Quang Khải, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Trong phòng khách, ông Nhuận dành vị trí chính để treo trang trọng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước đã trao tặng ông, bà. Ông tự hào và trân quý những phần thưởng đã đi cùng ông bao năm tháng qua - Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương vẻ vang hạng ba, Huy hiệu 60 năm tuổi đảng, Thiệp mừng thọ 100 tuổi do Chủ tịch nước trao tặng…

“Sống đến chừng này tuổi rồi, con cháu đủ đầy, thành đạt, ngôi nhà này, với những phần thưởng tinh thần cao quý đó, minh chứng cho cả cuộc đời hoạt động cách mạng, vào sinh ra tử của vợ chồng tôi. Con cháu nhớ để sống thật tốt và tử tế”, cựu thủy thủ Hồ Thăng Nhuận đúc kết.

Ở tuổi đại thọ, ông vẫn anh minh và nhớ rõ như in những ký ức của đời mình. Ông kể chi tiết và thi thoảng lại lặng dừng giây lát vì xúc động. Gia đình ông xưa ở huyện Hòa Vang (cũ), tuổi thơ ông cơ cực, từ 9 tuổi đã phải đi ở đợ, làm thuê kiếm sống. Rồi gặp ánh sáng cách mạng, ông tham gia du kích, gia nhập đơn vị tình báo K20 (Cục II, Bộ Quốc phòng). Nhiệm vụ lúc bấy giờ của ông là chở cán bộ, chiến sĩ từ Quảng Đà theo đường sông, biển ra phía Cửa Tùng (Quảng Trị). Đầu năm 1955, ông thực hiện bốn chuyến đi biển thành công, đưa cán bộ, chiến sĩ ra bắc an toàn. Đến ngày 6/5/1955, trong lúc làm nhiệm vụ, cả đoàn bất ngờ bị địch tập kích. Ông Nhuận bị bắt giam ngay tại Hòa Quý (địa phận Hòa Vang cũ, nay là quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). “Để thoát khỏi vòng vây, tôi nhanh trí giả vờ đau bụng để đi vệ sinh, rồi đánh lạc hướng kẻ địch chạy thoát chỉ sau một tiếng bị bắt giam. Sau đó, tôi được cấp trên điều động ra Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) nhận nhiệm vụ học tập, đào tạo lính hải quân. Đường Hồ Chí Minh trên biển mở năm 1961, tôi vinh dự ở khóa đầu tiên được đào tạo, sau đó trực tiếp tham gia với tư cách thủy thủ trưởng tại Đoàn 759 (Quân chủng Hải quân)”, ông Nhuận nhớ lại.

Ông cùng đồng đội đã thực hiện tám chuyến tàu không số, trong đó ông làm thuyền phó bảy chuyến tàu không số chở vũ khí từ miền bắc vào nam. Chuyến thứ tám năm 1967, tàu bị hai thủy phi cơ Hạm đội 7 của Mỹ phát hiện và áp sát. Thủy thủ tàu đóng giả ngư dân ngồi vá lưới để qua mắt được lính do thám, khi đưa hàng cập bến, tàu bị địch vây ráp, may mắn tránh được đụng độ.

Sau năm 1967, ông Nhuận được cấp trên điều chuyển công tác sang Cục Đường sông (Bộ Giao thông vận tải), lúc đó ông là chuẩn úy, với nhiệm vụ rà phá bom từ trường do máy bay Mỹ rải xuống nhằm phá hoại miền bắc và gài bẫy triệt đường tiếp tế của bộ đội cho chiến trường miền nam. Chính những năm tháng đó, ông đã gặp được bà Diễn rồi vượt qua nhiều khó khăn, ông bà đã đến với nhau, nên duyên vợ chồng…

Trọn vẹn tình yêu của cựu chiến binh tàu không số ảnh 1

Hình ảnh tàu không số do cựu chiến binh Hồ Thăng Nhuận cung cấp.

Đông tay thì vỗ nên kêu

Cuộc đời mình, ông có hai tình yêu lớn. Đó là tình yêu với mệnh lệnh sẵn sàng hy sinh bản thân mình để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho những con tàu không số trên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển; và mối tình gần 70 năm qua với vợ mình, cựu nhà giáo Nguyễn Thị Diễn. Ngôi nhà nhỏ hiện ông bà đang sinh sống, sửa sang, xây mới lần thứ ba mới nên được hình vóc như hôm nay. Ông bà, ngày ngày vẫn song hành bên nhau, mỗi sáng sớm khi bình minh chan đầy nắng sớm lên biển Đà Nẵng, hay chiều về nắng vắt qua những hàng cây xanh trước ngõ nhà. Hay những mùa đông lạnh buốt rồi mùa xuân sum vầy bên cháu con đầm ấm. Ông nói rằng, bản thân mình đóng góp một chút nhỏ bé trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay, hãy chung tay góp sức vì “đông tay thì vỗ nên kêu”, chỉ có như vậy mới làm nên sự nghiệp phát triển cho quê hương, đất nước.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Diễn, người con gái miền quê lúa Thái Bình, cười mãn nguyện. Bà nói, chiến tranh đã lấy mất của con người ta nhiều thứ, nhưng khi gặp được ông, bà đã nguyện lòng gắn bó, theo ông về vùng đất biển Đà Nẵng. Sau 10 năm ngày cưới, đến đầu năm 1979, bà về Đà Nẵng. Đó cũng là lần đầu tiên ông Nhuận đưa vợ con về quê sau 21 năm ra bắc. Bà nhớ lại, hồi đó khó khăn vô cùng. Vợ chồng ông bà đã dành dụm để mua mảnh đất nhỏ ở khu gia binh Vùng 3 Hải quân gần bán đảo Sơn Trà để khai hoang, từng bước ổn định cuộc sống.

“Hồi ở ngoài bắc đưa vợ con vào lại Đà Nẵng, tôi gặp được mẹ già sau 21 năm xa cách. Và hạnh phúc vì được sống với mẹ thêm 5 năm. Cả cuộc đời tôi, đến tận bây giờ, huyền thoại tàu không số và tình yêu quê hương, đất nước, vẫn vẹn toàn. Trước mùa xuân, muốn gửi gắm đôi điều cho lớp trẻ, rằng hãy sống tự hào vì một đất nước Việt Nam hào hùng, ân nghĩa, hãy viết tiếp những trang sử vàng cho đất nước bay lên”, cựu thủy thủ Hồ Thăng Nhuận xúc động nói.

Tôi chia tay vợ chồng cựu binh Hồ Thăng Nhuận. Ông bà đã ở tuổi thượng thọ, cười hiền với theo. Hơi ấm từ họ, theo tôi trên chặng đường về, khi mưa xuân đang bắt đầu rắc nhẹ lên thành phố biển.

Bây giờ các con đã trưởng thành, sống đùm bọc yêu thương nhau, bà hạnh phúc. Hằng ngày, ông bà vẫn thức dậy từ rất sớm để rèn luyện sức khỏe, lúc trời nắng đẹp, lại cùng nhau đi bộ ra biển Đà Nẵng. Nhà ông bà ở ngay gần biển.