Trọn một chữ thương

Vợ tôi thường tỏ ý không vui mỗi lần bác Hai ở dưới quê lên chơi.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Khi tôi dừng xe máy, đưa tay đẩy cánh cổng, bác Hai từ sau lưng xe bước xuống, vợ tôi cười tươi chào nhưng tôi tinh ý thấy mắt cô ấy nheo lại khi nhìn mớ đồ đạc, bao bì lỉnh kỉnh bác mang theo. Kiểu gì trong đó cũng có bó chè tươi, nải chuối, con gà làm sẵn cấp đông, mớ cá đồng đã làm sạch, hay có khi là mấy hũ mắm dù đã bọc kỹ cả chục lớp bao nylon vẫn bốc mùi khiến vợ tôi nhăn mặt mỗi khi nhận lấy.

Cô ấy quày quả xách vào trong bếp, nói bác lên chơi được rồi đừng xách đồ làm gì cho mệt, chợ gần, con chạy vù ra chợ là thứ gì cũng có. Bác Hai xua tay:

- Không mệt, xe chở chứ bác có mang vác đâu, xuống bến xe đứng đợi là chồng bây ra chở rồi. Mang lên cho ba bây ăn, ổng gọi điện về cứ nhắc thèm món quê hoài.

Ba tôi nghe tiếng bác Hai, chậm rãi trong nhà bước ra từng bước. Ba cười, mấy nếp nhăn trên khóe mắt xô lại, mắt ba hấp háy vui. Kể ra từ quê ngồi xe đò mấy tiếng là tới thành phố nhưng dễ gì bác Hai dứt được ruộng vườn, heo gà để thong thả đi chơi một chuyến. Ba tôi thì yếu, từ cái dạo ba đột quỵ ba chỉ quanh quẩn trong nhà rồi ra tới sân.

Ba tôi không uống trà mà mê nước chè tươi. Mỗi sáng trước khi đi làm, vợ tôi vò một mớ, bỏ vào ấm rồi chế nước sôi cho ba uống cả ngày. Bác Hai biết ý, dù ba tôi chẳng nhắc nhưng mỗi lần lên đều mang cho ba mấy bó chè cắt trong vườn. Thấy ba với bác ngồi nói chuyện dưới giàn bông giấy ngoài sân, tôi vào bếp vò bó chè trong cái bọc bác vừa đưa, pha một ấm đem ra sân. Ba rót ra ly thủy tinh, giơ trước mặt tôi nói chè quê hãm lên cái mầu sóng sánh vàng tươi rất đẹp, vị lại đậm.

*

Bác Hai tôi kéo ống quần, co một chân để trên ghế đá nói bữa nghe ba tôi nói thèm ăn cháo lươn nên dặn mấy đứa đi thả trúm để cho ít rồi mang lên đây. Bác bỏ lươn trong hũ nhựa, trên nắp có khoét lỗ cho không khí chui vào, ngồi trên xe thì bác để dưới chân chứ không bỏ gầm xe, lên tới đây còn sống nhăn. Ba tôi tặc lưỡi, em nói chơi thôi mà anh Hai, sao mà mang lên chi cho cực. Ba hỏi mùa này dưới quê đang mùa thả trúm hả anh Hai. Bác Hai gật, đồng gặt xong rồi, chiều chiều người ta đào trùn về thả trúm kiếm lươn. Trời mưa thì soi đèn đi bắt ếch. Mà đồng giờ không nhiều lươn, nhiều ếch như hồi trước nữa đây. Lươn đồng chừ mắc mà cũng hiếm để bán nữa.

Ba tôi uống một hơi hết ly nước chè nói, anh nhớ hồi anh em mình còn nhỏ không, thả trúm xiện đâu đứa nào qua mình. Sáng sớm đi giở trúm, cầm ống trúm lên nặng trịch là mừng. Giở trúm về mới ba chân bốn cẳng thay đồ chạy đi học. Lươn đem về rộng trong cái lu, bữa nào rảnh ba nấu cháo lươn hay xào sả ớt thì ăn hết nồi cơm.

Nhắc tới ông nội, đột nhiên ba và bác Hai đều im lặng, mắt nhìn xa xăm. Ba tôi kể bà nội mất khi ba bốn tuổi, bác Hai lớn hơn ba vài tuổi. Ông nội quần quật với mấy thửa ruộng gà trống nuôi con. Nhà nghèo, hai thằng con sớm mất mẹ cứ như cái lau cây sậy mọc trên mảnh đất cằn. Tóc vàng như đuôi bò vì suốt ngày dang nắng, da dẻ thì đen như cột nhà cháy. Ông nội sớm tối ngoài đồng, bác Hai ở nhà nấu cơm, cơm chín bới đút em ăn. Tối leo lên mùng ngủ có khi đôi chân còn đen sì vì cả ngày chạy chân không chơi quên rửa. Mấy cái áo sứt bung chỉ lòi cả rún mà chẳng có ai khâu. Ông nội lo cái ăn đã mệt nhoài, không còn thời giờ để ý những chuyện khác. Vậy mà trầy trật, cũng tới hồi hai anh em biết thả lờ, thả trúm, đêm soi đèn đi bắt ếch về phụ ba bữa cơm, có khi còn dư đem ra chợ bán.

Đến năm bác Hai học lớp 12 thì ông nội mất. Ba tôi khi đó mới học lớp 9. Khi ông nội hấp hối nằm quắt queo với thân hình gầy gò trên giường cứ nhìn hai anh em mà chảy nước mắt. Ông không dặn dò gì nhiều, chỉ nói hai đứa ráng thương nhau mà sống. Sau ngày chôn ông, ba tôi ngồi bậu cửa nhìn ra mà nước mắt chảy dài. Mấy bà hàng xóm tặc lưỡi thương hai đứa còn nhỏ mà sớm mồ côi, biết làm sao sống ở cái xứ khắc nghiệt này. Bác Hai xuống bếp nhen lửa nấu cơm cho em ăn. Lửa liếm vào mấy cây củi, khói bay lên, nước mắt bác Hai chảy ròng ròng.

Ba tôi nói, bác Hai xưa học giỏi nhất trường. Đi học về chẳng bao giờ cầm quyển vở học, cứ suốt ngày đi đào dế, tát cá, bắt ốc, bắt lươn mà năm nào cũng nhận phần thưởng, được tuyên dương trước cờ vượt khó học giỏi. Sau khi ba mất vài tháng thì bác Hai đậu đại học bách khoa. Hồi đó, đậu đại học đâu phải dễ, cả làng, cả xã đồn nhau, khen thằng nhỏ nhà nghèo mà học giỏi quá chừng. Nhưng rồi bác lẳng lặng cất tờ giấy báo không đi học. Người làng ai cũng khuyên, đi học cho có tương lai, không tiền thì xin hỗ trợ, vay mượn nhưng bác Hai nhìn ba tôi mà lắc đầu. Lên phố học, một mình em ở nhà biết làm sao? Rồi bác nghỉ ngang, đi làm đủ thứ chuyện nuôi ba tôi ăn học. Bác làm hồ, thả lươn, quần quật với thửa ruộng như ông nội ngày trước. Ngày ba tôi nhận giấy báo đậu đại học, bác Hai cứ xoa xoa đôi bàn tay chai sần mà mắt đỏ hoe.

*

Bốn tháng trước, ba tôi đột quỵ, đêm đó tôi gọi điện báo tin cho bác Hai biết. Sáng sớm hôm sau, tôi thấy một người đàn ông gầy gò, khắc khổ ngồi quay lưng vào cổng nhà mình. Tôi mở cửa, sững sờ khi nhận ra bác. Bác nói nghe tin xong liền đi ngay trong đêm, nghe hai chữ đột quỵ là tay chân bác rụng rời. Xe đò ở quê đâu chạy giờ đó, bác phải nhờ hàng xóm chở ra quốc lộ, ngoắc đại chiếc xe khách, rồi kêu xe ôm mấy lượt mới lên đây. Bác run run hỏi tình hình của ba rồi bảo tôi chở ngay vào bệnh viện. Bác sĩ nói ba tôi được đưa đi cấp cứu trong giờ vàng nên không có gì nguy hiểm, điều trị thời gian là về được. Lúc đó tôi mới thấy bác thở phào, nét mặt giãn ra trên đôi mắt âu lo suốt đêm không ngủ.

Dù tôi bảo đã có hai vợ chồng tôi thay phiên túc trực ở bệnh viện nhưng bác Hai vẫn cứ nằng nặc đòi ở lại chăm ba. Lúc ba xuất viện, bác gái dưới quê điện lên bảo về thu hoạch lúa, bác chần chừ mãi mới chịu về quê. Cứ tối tối, bác điện lên hỏi thăm suốt, rồi dặn dò tôi đủ điều. Tuần trước ba tôi nói đùa, bệnh ni mà có bát cháo lươn ở quê ăn là mau khỏi lắm anh Hai. Vậy mà hôm nay bác Hai mang lươn đồng lên thiệt.

Vợ tôi nói không biết làm lươn còn sống như vầy. Thỉnh thoảng nhà cũng ăn nhưng ra chợ toàn nhờ người ta làm sẵn. Bác Hai cười hiền, đừng lo, cứ để đó bác làm, bác còn mang thêm một ít tro bếp ở nhà lên. Lươn đồng ấy mà, cắt cổ moi ruột như ở thành phố là sai hết. Máu lươn là thứ bổ nhất của con lươn. Để nguyên con sống như vậy, bỏ tí muối, hay đổ tí nước sôi là tụi nó chết. Mình lươn trơn nhẫy, một tay cầm đầu lươn, tay kia lấy tro bếp tút từ trên xuống là sạch mà chẳng có mùi hôi. Rửa sạch sẽ rồi bắc lên bếp luộc chín, gỡ thịt, um với củ nén và nhiều nghệ tươi. Bác mang hết gia vị lên vì biết trên phố khó tìm củ nén. Người ốm mà có bát cháo lươn nấu đậu xanh là mau khỏi lắm.

Vợ tôi ngồi im nghe bác nói. Tôi biết mỗi lần nhìn mớ đồ quê bác Hai mang là cô ấy ngán ngẩm. Dù cố nhét cũng không hết cái tủ lạnh. Phần nữa vợ tôi thường chẳng biết chế biến những món đó. Bác Hai xuống bếp, tôi xuống phụ nhưng bác xua tay, bảo để tự bác làm. Bây giờ tôi mới để ý kỹ bác. Nay bác tôi trông già và gầy quá. Tóc trên đầu đã bạc quá nửa. Bàn tay gân guốc cầm con lươn tuốt tro bếp. Bác nói ở nhà bác đâu có nấu ăn, bác gái nấu ăn ngon nên giành làm hết. Giờ ba bây thèm nên bác mới nấu. Ba nói bác Hai giống ông nội từ hình dáng đến tính tình. Đời bác cực từ hồi nhỏ cho đến lúc già. Quanh năm suốt tháng đổ mồ hôi trên ruộng đồng, quần quật với mấy con trâu, con gà. Bác bệnh nhiều nhưng hiếm khi nào kể lể cho ai nghe. Năm ngoái bác đau bệnh nằm bệnh viện gần cả tháng mà dặn bác gái đừng nói cho ba nghe. Lúc ba biết, ba trách bác chỉ cười, nói làm chi cho thêm lo!

Chỉ một loáng tôi đã nghe mùi thơm tỏa ra khắp căn bếp. Mùi củ nén, mùi nghệ tươi đặc trưng của món ăn dưới quê. Bác nói cháo hầm lâu xíu cho hạt gạo nở bung, hòa quyện mới ngon. Phải chi có bếp củi như dưới quê thì ngon hơn nữa. Tới bữa, tô cháo bưng lên nóng hôi hổi sóng sánh mầu nghệ rắc thêm vài hạt tiêu làm ba tôi rưng rưng. Ba tôi xì xụp tô cháo, mồ hôi túa ra nhẹ nhõm. Vợ chồng tôi cũng ăn ngon lành. Vợ tôi gật gù, bác nấu ngon hẳn so với ngoài quán. Ba nói lâu rồi mới được ăn tô cháo nấu theo kiểu quê như vầy rồi bảo tôi múc thêm tô nữa.

Bác Hai ở chơi với ba vài ngày rồi bảo tôi chở ra bến xe về quê. Ngồi trên xe mà bác cứ nhắc chừng công việc nhiều nhưng cũng nên dành thời gian cho ba. Đời người mấy hồi, tình nghĩa vợ chồng, cha con, máu mủ nặng hơn bất kỳ điều gì trên đời! Đột nhiên tôi nhớ tới là ba tôi nói, trước khi mất ông nội đã dặn ba và bác hãy thương nhau mà sống. Và tôi biết, bác Hai đã dành cả đời để thương ba tôi…