Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn:

Tôi viết theo tinh thần dấn thân, nhập cuộc

Dấn thân với những đề tài lịch sử và xã hội là thử thách lớn đối với người cầm bút ở bất kỳ thế hệ nào bởi nó đòi hỏi rất nhiều thời gian và trí lực của người viết đồng thời phải chấp nhận nhiều rủi ro. Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn là một người bền bỉ đi trên con đường khó khăn này. Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng ông về văn chương và sự sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn (thứ hai, từ trái sang) gặp gỡ các bạn văn. Ảnh: VĂN HỌC
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn (thứ hai, từ trái sang) gặp gỡ các bạn văn. Ảnh: VĂN HỌC

Thật hơn đời thật

- Xin chúc mừng nhà văn Nguyễn Bắc Sơn lần thứ hai giành Giải thưởng Văn học sông Mê Kông với tiểu thuyết Lính tăng. Có yếu tố may mắn ở đây không, thưa ông?

- Lần đầu tiên được giải, tôi nghĩ là do tác phẩm có đề tài phù hợp với tiêu chí giải thưởng, còn lần này thì không.

Lính tăng viết về chiến tranh, câu chuyện tập trung vào một binh chủng đặc thù: Binh chủng Tăng-Thiết giáp và ở chiến trường C-Lào. Thế nên tôi phải tìm hiểu nhiều lắm, tưởng tượng, liên tưởng nhiều lắm mới "dựng" được những cuộc chiến đấu mà đơn vị tăng thiết giáp của ta đã tham gia. Dù có tổn thất nhưng cuối cùng cũng thắng lợi. Hai đại tá nguyên mẫu trong tiểu thuyết đã rất bất ngờ về một số chương tôi viết bởi trong đó, có những cảnh huống như thật, đời hơn cả đời thật.

- Khi viết về tiểu thuyết Lửa đắng của ông, nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét đại thể: có cảm tưởng Nguyễn Bắc Sơn là tác giả "bách khoa", rằng ông có vốn sống khổng lồ. Nhưng như ông vừa nói, Lính tăng viết về một đơn vị kỹ thuật đặc biệt, lại tác chiến trên chiến trường nước bạn Lào. Nghĩa là với tiểu thuyết này, ông không có vốn sống trực tiếp?

- Tôi luôn ghi nhớ ba nguyên lý trong cuộc sống này: Thứ nhất, không có cái gì tuyệt đối; thứ hai, vấn đề gì cũng có hai mặt, và cuối cùng, nguyên tắc nào cũng có ngoại lệ, thậm chí ngoại lệ của ngoại lệ.

Vốn sống quan trọng vô cùng đối với người viết. Nhưng quan trọng hơn cả vốn sống là cách vận dụng vốn sống ấy để dựng tình huống cho nhân vật xuất hiện. Cụ thể hơn là dựng nhân vật ấy qua thủ pháp kể, tả (tả bối cảnh xã hội, tả ngoại hình, nội tâm), đặc biệt là qua đối thoại, độc thoại.

Thực tế viết có vốn sống trực tiếp và gián tiếp. Viết về cuộc sống hôm nay thì đương nhiên rất cần vốn sống trực tiếp, viết về cuộc sống hôm qua (tiểu thuyết lịch sử) thì cần vốn sống gián tiếp thông qua đọc, tìm hiểu và trí tưởng tượng hơn người. Dù viết về hôm qua, hôm nay hay ngày mai, hoặc viết dòng trinh thám, đều rất cần trí tưởng tượng. Tất nhiên phải có vốn sống thì mới tưởng tượng được. Viết làm sao để được bạn đọc đồng thuận, đó là khi nó hợp logic cuộc sống và logic tác phẩm.

- Riêng với Lính tăng, có điểm tựa thực tiễn nào giúp thúc đẩy trí tưởng tượng trong ông để tái hiện câu chuyện?

- Tôi đã nhiều lần vào bảo tàng, chui vào xe tăng, nhờ cán bộ ở đó giảng giải về nguyên tắc vận hành, cách thức điều khiển thiết bị. Tôi cũng xin lên Trường sĩ quan Tăng-Thiết giáp, ngồi trong xe tăng đang chạy để "tìm" cảm giác thật của người lính tăng là như thế nào. Khi viết, phải đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật để kể, tả bằng tất cả các giác quan, thậm chí cả giác quan thứ sáu.

Dám đánh đổi để "sống kỹ"

- Hai tiểu thuyết Luật đờivà cha con, Lửa đắng của ông ngay khi mới phát hành đã được bạn đọc hào hứng đón nhận. Riêng Luật đời và cha con được chuyển thể thành phim truyện truyền hình Luật đời (đạo diễn Mai Hồng Phong) dài 26 tập, được bình chọn là Phim truyền hình hay nhất năm 2007. Vốn sống mà ông tích lũy đã được chuyển hóa vào tác phẩm này như thế nào, thưa ông?

- Ở Luật đời và cha con, đó là vốn sống mà tôi đã tích lũy được từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp ở vùng tự do thuộc tỉnh Phú Thọ. Về chuyện cải cách ruộng đất và thời bao cấp, có nhiều người viết rồi. Nhưng mỗi người có một điểm nhìn, thái độ, chất giọng, một cái "tạng" khác nhau. Trong Luật đời và cha con, tôi quan tâm nhiều đến xung đột tất yếu giữa ba thế hệ trong một gia đình bắt đầu từ thời kỳ cải cách ruộng đất.

Lửa đắng thật sự là câu chuyện của thời đại với những yêu cầu nảy sinh trong quá trình cải tổ đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Ở Lửa đắng, tôi tập trung nhiều hơn vào vấn đề giáo dục, cải cách hành chính, cơ chế, có tính dự báo. Tôi bám sát những vấn đề mang tính phản biện xã hội. Cũng có những ý kiến góp ý rằng, tôi không nên viết bạo liệt như thế. Song tôi nghĩ, mình cứ viết theo tinh thần dấn thân, nhập cuộc của cây bút có trách nhiệm công dân và trách nhiệm nghệ sĩ thì chắc chắn sẽ được ghi nhận.

Thật ra, hai cuốn tiểu thuyết này của tôi viết về những câu chuyện của ngày hôm nay, trong đó có trải nghiệm sống thật sự của tôi, của bạn, của chúng ta.

- Nhưng những chủ đề, câu chuyện mang tính phản biện xã hội thường không nhanh chóng thuyết phục được các nhà xuất bản bởi dễ bị xem xét là chứa đựng nhiều thiên kiến, chủ quan đôi khi đến cực đoan, thưa ông?

- Tôi gặp khó khăn với Lửa đắng. Thời gian đợi giấy phép xuất bản dài gấp hai lần rưỡi thời gian để hoàn thành bản thảo (cười). Tôi đã ôm bản thảo đi qua tám nhà xuất bản, có nhà xuất bản thẩm định đến hai lần. Cuối cùng, Nhà xuất bản Lao động chấp nhận cấp giấy phép. Nhà văn Trần Dũng, lúc ấy là Quyền Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản, viết trong phiếu thẩm định: "Bản thảo này được viết ra từ trái tim của một nhà văn cộng sản, một "người trong cuộc" và có ích cho đất nước, cho Đảng ta không chỉ hôm nay… Tôi trực tiếp biên tập và xin hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm". Sau đó, Lửa đắng đã đoạt Giải ba-Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba (2006-2010) của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong cuộc thi ấy, tôi có hai cuốn được chọn vào vòng chung khảo.

- Câu chuyện với ông khiến tôi liên tưởng đến câu "nhà văn phải sống kỹ để tích lũy vốn sống". Nhân đây, ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về cái gọi là việc "sống kỹ" của các nhà văn Việt Nam hiện nay?

- Để sống kỹ cũng đâu đơn giản, anh phải dám dấn thân, hy sinh, dám đánh đổi thì mới có thể sống kỹ được. Hiện nay, không có nhiều người viết văn trẻ dám dấn thân, họ bị chi phối bởi áp lực của mưu sinh, họ ngại đánh đổi. Do đó, họ không đủ ý chí để vắt kiệt mình mà viết, không dành trọn vẹn tâm, ý trong một khoảng thời gian nhất định để hoàn thiện tác phẩm. Hệ quả là, chúng ta chưa có tác phẩm xứng tầm dù rằng cả 20 năm qua, thực tế cuộc sống hiện đại tạo ra rất nhiều đề tài lớn, là mỏ quặng quý để người cầm bút khai thác. Nhưng nói gì thì nói, chúng ta vẫn kỳ vọng vào lớp trẻ, bởi tương lai thuộc về lớp trẻ. Biết đâu có ngày, một tác phẩm lớn lộ sáng.

- Bảy cuốn tiểu thuyết của ông đã được xuất bản, trong đó có sáu cuốn được trao các giải thưởng trong và ngoài nước. Đã khi nào ông cảm thấy tạm hài lòng với công việc sáng tạo của mình?

- Giá như được làm lại, nghĩa là tái bản, tôi sẽ sửa chữa từng bản tiểu thuyết cho hoàn chỉnh hơn theo ý mình.

Còn bây giờ, ở tuổi U90 rồi, tôi vẫn "âm mưu" viết một cuốn tiểu thuyết mới, không phải về nhân vật lý tưởng, nhân vật chính diện, cũng không phải nhân vật phản diện mà là nhân vật đa diện, đa nhân cách. Cuộc sống vẫn như thế mà, có vĩ nhân và ngụy vĩ nhân, có chính diện và phản diện, rồi có nhiều nhân vật đa nhân cách.

Nhà văn phải "phát ngôn" bằng tác phẩm, mà nói nôm na, sự "phát ngôn" chính là lao động chữ nghĩa, rồi thời gian sẽ sàng lọc, chứng minh sức sống của các tác phẩm, chứng minh thành công của nhà văn.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở!'

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn (tên khai sinh: Nguyễn Công Bác) sinh năm 1941, nguyên quán thuộc huyện Thạch Thất (TP Hà Nội). Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội năm 1962 và công tác trong ngành giáo dục, từng tham gia Đoàn nghệ thuật thiếu nhi do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.