Để một nhóm, một tập thể trở nên mạnh mẽ nhưng vẫn tôn trọng sự khác biệt của mỗi thành viên, tố chất đầu tiên và quan trọng nhất mà người lãnh đạo cần có chính là phải biết cách truyền động lực, trước hết là thông qua khả năng hiểu rõ chân tướng của sự vật, hiện tượng, để áp dụng hiệu quả những kiến thức đó vào thực tiễn. Sự thấu hiểu và sự chân tình, thẳng thắn có tính chất giác ngộ của lãnh đạo quyết định sự thành công trong quản lý. Đó là sự kết nối bằng trái tim chứ không chỉ là mệnh lệnh... Truyền động lực còn thể hiện ở khả năng biết phân chia công việc, biết cách giao quyền cho cấp dưới.
Tố chất thứ hai cũng vô cùng quan trọng (và tạo nên sự khác biệt cho người lãnh đạo): Ý thức trách nhiệm của bản thân đối với mọi kết quả của tập thể. Sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân và biết cách chịu trách nhiệm, đó là sự dũng cảm, trung thực mà người lãnh đạo hiện đại cần có (và phải có).
Xây dựng hình ảnh và uy tín cho vị trí lãnh đạo cần bắt đầu từ yếu tố cốt lõi: Vai trò và giá trị nào mà người lãnh đạo tạo nên từ vị trí của mình?
Quá trình đi giảng dạy cũng như thực tiễn cuộc sống cho tôi thấy rất rõ giá trị của các “kỹ năng mềm” mà những nhà lãnh đạo, quản lý thể hiện trong cơ quan, tổ chức và đơn vị.
Đằng sau hai từ “trách nhiệm” không chỉ một cuộc đời, một sự nghiệp, một vận mệnh. Đó là điều cần được trau dồi trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh…, nhất là đối với các “thủ trưởng”. Bởi, những cách thức “thu phục nhân tâm” mang tính hình thức, dù mang lại thành công ban đầu, vẫn có thể sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu “cái Tâm” và tinh thần trách nhiệm.
Tổng hòa “quyền lực mềm” và “quyền lực cứng” không chỉ là nhu cầu mà còn là yêu cầu đặt ra cho mỗi nhà lãnh đạo, trong tiến trình nâng cao khả năng quản lý ở thời đại mới.