Tiến sĩ Nguyễn Phúc An:

Tìm về cái đẹp của lịch sử dân tộc

Dòng sách chuyên khảo về những chủ đề "muôn năm cũ" của văn hóa nghệ thuật nói chung luôn kén chọn bạn đọc. Chưa kể, vì nhiều nguyên do, việc lưu trữ văn bản, tư liệu lịch sử ở nước ta hiện còn tản mát, phần nào khiến công việc khảo cứu càng vất vả. Dẫu vậy, vẫn có không ít người trẻ tự nguyện chọn con đường chông gai này, hoàn thành nhiều ấn phẩm công phu, tâm huyết. Nguyễn Phúc An là một người như vậy.
0:00 / 0:00
0:00
Tìm về cái đẹp của lịch sử dân tộc

Chưa bao giờ cảm thấy nản lòng

- Lý do nào khiến anh dành nhiều thời gian và công sức cho những ấn phẩm biên khảo vốn chẳng dễ gây chú ý trên truyền thông?

- Tôi thường nói đùa là như thể tôi có một món nợ tinh thần gì đó đối với âm nhạc và văn hóa dân tộc, để rồi tôi phải tự giác "đi trả" trong khi chính tôi còn chẳng biết đã "vay" từ lúc nào. Tôi cảm thấy bị cuốn vào công việc nghiên cứu, tìm hiểu, lý giải và phản biện một vấn đề nào đó nên cứ hăm hở đi.

- Khó khăn căn bản của công việc này với cá nhân anh là gì? Và ngược lại, thuận lợi nhất là gì?

- Khó khăn là về thời gian dành cho nó vì công việc chính của tôi là giảng dạy ở bậc đại học, thật sự bận rộn. Khó khăn không kém khác là kinh phí cho quá trình nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu. Nghiên cứu vốn cổ đòi hỏi tiếp cận tư liệu hiếm, mà hiếm thì thường đắt tiền. Còn thuận lợi nhất là tôi gặp được nhiều người bạn trong giới nghiên cứu sẵn sàng giúp đỡ tư liệu. Họ còn gợi mở, góp ý để nhen nhóm trong tôi thêm nhiều khía cạnh sâu rộng về nội dung. Đây đúng hơn là điều may mắn của tôi.

- Anh vừa nói đến kinh phí cho nghiên cứu và viết được một biên khảo, đúng là không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng thù lao cho dòng sách này mà anh nhận lại được như thế nào?

- Viết sách, nghiên cứu, dịch thuật là công việc nặng nhọc và mất nhiều thời gian, kể cả tinh thần, phải khẳng định một điều như thế, nhưng thu nhập thì ngược lại, không đáng kể. Thậm chí với dòng sách nghiên cứu, nhuận bút có khi không đủ bù lại tiền mà mình đã chi cho sách, tài liệu tham khảo để có đầy đặn dữ liệu, cứ liệu mà viết. Do đó, trên hành trình này, tôi đã xác định là không nghĩ đến thu nhập. May mắn là tất cả các sách thuộc dòng biên khảo, chuyên khảo do tôi viết được các nhà xuất bản đón nhận, đầu tư kinh phí để xuất bản và tìm đối tác phát hành. Tôi ký hợp đồng nhượng quyền trong một khoảng thời gian nhất định và nhận thù lao tác giả.

- Như vậy có thể hiểu là dòng sách này, trong đó có biên khảo của anh, vẫn được bạn đọc đón nhận, đem lại lợi nhuận nhất định cho nhà xuất bản và nhà phát hành?

- Tôi nghĩ rằng, phía xuất bản và phát hành dòng sách này cũng như tôi, thấu hiểu là tuy dòng sách kén người đọc nhưng có giá trị sử dụng lâu dài.

- Có khi nào cảm giác nản lòng với công việc này xuất hiện trong anh không?

- Tôi chưa bao giờ cảm thấy nản lòng, phải nói thật là như thế. Không biết vì sao nhưng tôi cảm thấy mình có một đam mê bất tận, cho đến thời điểm này, để làm nghiên cứu.

Tôi rất phấn khích khi tìm thấy một chủ đề có thể nghiên cứu được, và cảm động khi hoàn thành nghiên cứu mình đặt ra. Do đó, tôi luôn tha thiết làm mãi công việc này. Tôi không có ý định chuyển hướng mà chỉ mong muốn có thể mở rộng chủ đề nghiên cứu, biên khảo chung quanh các lĩnh vực văn học, văn hóa, âm nhạc, lịch sử dân tộc.

Sức sống riêng và những dư vị đẹp

- Cuốn nào để lại dư vị êm đẹp nhất trong anh, cho đến nay?

- Đó là khảo cứu đầu tiên của tôi, Đờn ca tài tử Nam Bộ-khảo & luận, vì đây là mảng nghệ thuật mà cá nhân tôi đam mê, tìm hiểu từ nhỏ. Tôi biết ca, biết đờn, tuy không hay và giỏi, nhưng nó đủ làm nên đam mê và mong muốn tìm hiểu, nghiên cứu cho tôi. Ngay khi còn học đại học, tôi đã nuôi tham vọng làm một nghiên cứu về nó. Vậy mà vẫn phải đợi hơn 10 năm sau, tôi mới bắt đầu được công việc. Điều thú vị là khi thật sự bắt tay vào nghiên cứu, những vấn đề tôi tưởng chừng đã nắm bắt và hiểu biết rất nhiều thì hóa ra, chưa đáng gì. Càng tìm hiểu tôi càng vỡ lẽ nhiều vấn đề cần được giải quyết, nhiều câu hỏi liên tục nảy ra, cần được hồi đáp. Quá trình nghiên cứu thực chất cũng là một quá trình học tập sâu, tự mình phản biện chính mình, tự mình tìm ra giải pháp để đi đến kết quả... Tôi thật sự biết ơn thầy tôi, thầy Hoàng Cơ Thụy, luôn ủng hộ tôi trên mọi khía cạnh nghiên cứu. Hơn thế nữa, thầy đã dẫn dắt, gợi mở, giải đáp cho tôi về những điều còn lấn cấn.

Một dư vị êm đẹp nữa là cuốn khảo cứu đầu tay ấy còn được nhà xuất bản đề cử dự Giải thưởng Sách quốc gia.

Tìm về cái đẹp của lịch sử dân tộc ảnh 1
Biểu diễn đờn ca tài tử. Ảnh: ĐĂNG KHOA

- Có điều gì đáng kể trong quan sát của anh về sự đón nhận của bạn đọc dành cho dạng sách biên khảo nói chung?

- Dòng sách nghiên cứu, khảo cứu, vì tính chuyên sâu và nhỏ hẹp của nó, đã tự giới hạn phổ bạn đọc; hầu hết người đọc dòng sách này là người trong ngành, có chuyên môn. Bạn đọc ngoài ngành nghề, hay nói vui là "vãng lai", đương nhiên là vẫn có nhưng hiếm. Thỉnh thoảng, tôi cũng nhận được một vài phản hồi từ người trong giới chuyên môn và cả từ người đọc "vãng lai", điều này cho tôi có thêm động lực để tiếp tục công việc, tuy gian nan, nhỏ bé, nhưng không vô ích.

- Theo như anh biết, bạn đọc sách của anh hiện nay có nhiều người trẻ không?

- Khá nhiều người trẻ đọc sách của tôi và điều này vừa làm tôi ngạc nhiên, vừa chính là niềm vui, là động lực cho tôi trong công việc. Điều đó còn chứng minh rằng, trong giới trẻ, vẫn luôn có nhiều người quan tâm đến văn hóa dân tộc. Chẳng hạn với cuốn Đờn ca tài tử Nam Bộ-khảo & luận, chắc là thoạt nghe, ai đó sẽ nghĩ sách này chỉ người trong ngành hay người có tuổi mới đọc. Ấy nhưng một số bạn đọc lại nghĩ, chắc tác giả cũng cỡ 60-70 tuổi rồi (cười). Hai bên ngạc nhiên về nhau khi gặp nhau. Rất cảm động!

- Được biết, anh lại đang thực hiện một biên khảo mới. Điều gì khiến anh giữ hy vọng về dòng sách này để tiếp tục với nó?

- Nhận chân, tìm về cái đúng, cái đẹp thật sự, cho dù chưa đến mức độ chính xác tuyệt đối, nhưng cũng sẽ tiệm cận đến chân lý, đó là lý do tại sao tôi cố gắng tìm tòi để "đính ngoa", "giải thiêng" cho những vấn đề sai lệch đã trở thành phổ thông. Tôi tin rằng, tuy dòng sách khảo cứu kén người đọc nhưng nó có sức sống riêng của nó, và hết sức cần thiết cho học thuật, là cơ sở để mọi người tìm tòi và phát huy cho những giá trị về sau. Tôi chuẩn bị phát hành biên khảo về sân khấu hát bội, sách cũng đang được nhà xuất bản biên tập, cùng một số sách dịch từ tiếng Trung nghiên cứu về lịch sử, văn học cũng như văn hóa Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn anh!

Tiến sĩ Nguyễn Phúc An (sinh năm 1984, tại Long Xuyên, An Giang) là giảng viên Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh nhiều bản dịch sách đã được xuất bản, anh là tác giả/ đồng tác giả của sáu cuốn biên khảo: Đờn ca tài tử Nam Bộ-khảo & luận (Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, năm 2018), Cụ Phó bảng Minh Xuyên Hoàng Yến & tác phẩm Cầm học tầm nguyên (khảo-chú-luận, Nhà xuất bản Văn hóa-Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, năm 2019) và ba cuốn đều do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành: Tự sự Truyện Kiều qua 20 bản tổ & bài bản nhạc tài tử miền Nam (đồng tác giả Hoàng Thân, năm 2019), Văn học trung đại Việt Nam nhìn từ thể loại tiểu thuyết truyền kỳ chữ Hán (năm 2020), Tuồng hát cải lương-khảo & luận (năm 2022).

Tìm về cái đẹp của lịch sử dân tộc ảnh 2