Họa sĩ Vũ Bạch Liên:

Tìm và đọc mình trong nghệ thuật

Nghệ thuật đồ họa Việt Nam có sự biến chuyển mạnh mẽ trong vòng 10 năm trở lại đây, với sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ, táo bạo thể nghiệm về hình thức và mạnh mẽ trong biểu đạt suy tưởng cá nhân. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện với Vũ Bạch Liên, nữ họa sĩ duy nhất được mời tham gia triển lãm sáng tác của sáu gương mặt nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật này ở Việt Nam, diễn ra từ ngày 19/7 đến 29/9, tại Hà Nội: Nghệ thuật đồ họa: Từ dân gian đến đương đại.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Vũ Bạch Liên
Họa sĩ Vũ Bạch Liên

Muốn làm một "chiến binh"

- Nếu tính theo thời gian đơn thuần, số năm chị gắn bó với nghệ thuật đồ họa chưa phải quá nhiều, chưa đến 20 năm. Nếu tính theo tiêu chuẩn nghề nghiệp thông thường, chị cũng không phải là người "học bài bản" về nghệ thuật đồ họa. Chị đã bắt đầu và đi qua những khắt khe trong chuyên môn nghề nghiệp của lĩnh vực này như thế nào?

- Còn nhớ, cuối năm 2007, lần đầu tôi làm quen với các kỹ thuật trong nghệ thuật đồ họa khi tham gia trại sáng tác mở rộng của Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam. Rất nhiều kỹ thuật mà lần đầu tiên, tôi được biết đến. Tôi không thể nào quên cái khoảnh khắc thầy hướng dẫn đến chỗ tôi, hỏi tôi đã làm được gì và đưa ông xem; nhưng khi thấy bức tranh phong cảnh in độc bản của tôi, ông không nói gì, đi qua luôn... Tôi cũng không quên cái cảm giác trong chính mình lúc ấy, thật xấu hổ. Thâm tâm, tôi không bao giờ muốn bị coi thường. Sau kỳ dự trại ấy, tôi xin đến nhà thầy học riêng. Ông là họa sĩ Lê Huy Tiếp. Thầy đã gò tôi vào kỷ luật, sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Có kỹ thuật mà sau này, tôi biết chỉ cần qua 10 bước thực hiện nhưng thầy đã bắt tôi đi qua số bước gấp 10 như vậy; ông muốn xem tôi có thể kiên nhẫn với nghệ thuật đồ họa đến đâu.

Từ cảm giác xấu hổ ấy, từ nhiều nhận xét, phản hồi của người xem rằng tôi không thể "thoát ra khỏi cái bóng" của bố tôi (cố họa sĩ nổi tiếng Lê Lam-PV) và của người thầy của tôi, từ đủ những vấp ngã trong cuộc sống này, tôi dần thấm hiểu là mọi thứ trong nghệ thuật hoàn toàn phải được bắt đầu từ chính mình...

- Để thoát ra khỏi cái bóng của ai đó là một cuộc vật lộn, đôi khi, trong bất lực với người sáng tác nói chung. Để làm được, chị thấy khó khăn nhất là gì?

- Trước khi theo học nghệ thuật đồ họa, tôi có một số năm thể nghiệm với nhiếp ảnh ý niệm. Năm 2005, sau khi học xong hệ tại chức tại Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp, tôi sinh cháu thứ hai. Những khoảng thời gian có thể dành cho riêng mình trong ngày, tôi chụp ảnh và xử lý với các phần mềm máy tính - thứ mà tôi có kinh nghiệm khi học đại học, để tạo hình trên ảnh nhằm chuyển tải được nỗi niềm nào đó bên trong tôi. Tôi gửi những bức ảnh ấy tới các diễn đàn nhiếp ảnh trên mạng cả ở trong và ngoài nước, chịu nhận những phản biện nhiều khi không có tính xây dựng vì nhiếp ảnh ý niệm thời đó vẫn bị coi thường, rằng dùng kỹ thuật xử lý là chính, không đáng giá như nhiếp ảnh báo chí, nhiếp ảnh của khoảnh khắc cuộc sống không lặp lại...

Nhiếp ảnh ý niệm là một bước rèn luyện về tạo hình và trải nghiệm tự tìm hiểu lại bản thân nhưng khi học chuyên sâu với đồ họa, tôi vẫn tiếp tục rơi vào lối mòn ảnh hưởng từ thầy của mình; ngay tại triển lãm cá nhân đầu tiên, tôi đã nhận phản hồi như vậy. Tôi được an ủi rằng, "ai cũng thế" trong một giai đoạn nhất định. Tôi chỉ còn cách tiếp tục đẩy bản thân vào các thể nghiệm tranh khắc gỗ với bản khắc rộng lớn hơn bình thường, thách thức tôi về khả năng quán xuyến không gian, độ lỳ lợm với từng nét khắc sắc lạnh và các sắc thái chồng lớp chỉ với đen-trắng. Từng ý tưởng được nhen nhóm và nuôi dưỡng từ từ để tìm cho được phương thức thể hiện phù hợp, từ chất liệu, kỹ thuật đến các ranh giới không gian thể hiện: vẫn là tranh hai chiều treo tường hay là không gian ba chiều của nghệ thuật sắp đặt, vẫn là tĩnh tại trưng bày hay có kết hợp âm nhạc và nghệ thuật trình diễn... Tôi là một chiến binh và muốn là một chiến binh lâu hơn nữa trong hành trình của mình, để cho mình bản lĩnh thoát ra khỏi bóng của bất kỳ ai.

Sức sống của nghệ thuật từ nhiều mảnh ghép cá nhân độc đáo

- Phải chăng, do chị không chịu sức ép từ việc phải kiếm sống, được làm nghệ thuật hoàn toàn tự do nên mới có thể nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo theo lối từ từ như vậy?

- Đúng là tôi không có nhu cầu sáng tác để có thu nhập, dù tôi biết, nghệ thuật đồ họa ngày càng được quan tâm bởi giới sưu tập và thị trường nói chung; một số anh chị, bạn đồng nghiệp của tôi sống bằng thu nhập từ sáng tác của mình. Nhưng cuộc sống không nuông chiều một ai.

Tôi suy nghĩ nhiều hơn về những điều liên quan sự sống-cái chết, sinh-diệt, cá nhân-bầy đàn, cá thể-tập thể... Nhưng suy nghĩ kiểu lý thuyết suông sẽ thành vô nghĩa với chính mình nếu như mình không thật sự sống với tất cả đúng đắn, sai lầm, tội lỗi, đẹp đẽ... của chính bản thân mình: tự ngã cái ngã của mình, tự thấm nỗi đau của mình, tự ngắm nỗi sợ của mình, tự xem cái sang chấn bên trong mình, tự ghê tởm cái xấu xí thứ N trong chính mình... để từ đó, tôi có thể chuyển hóa phần nào vào sáng tác. Như vậy, sao ta có thể vội? Chưa kể, như tôi đã nói, kỹ thuật trong nghệ thuật đồ họa đòi hỏi sự kiên nhẫn, tính kỷ luật và nếu như ta vội, ta sẽ mất.

Tìm và đọc mình trong nghệ thuật ảnh 1
Vũ Bạch Liên, Kết, sắp đặt đồ họa với các phân mảnh in cao-su trên tấm mica acrylic, trưng bày lần đầu tại triển lãm Nghệ thuật đồ họa: Từ dân gian đến đương đại. Ảnh: NVCC

- Trong quan sát của chị, nghệ thuật đồ họa ở Việt Nam đã và đang dịch chuyển với những tín hiệu đáng kể nào?

- Nhìn lại, sẽ thấy Trung tâm Mỹ thuật đương đại của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nơi mà lần đầu tôi - một người trẻ tham dự trại sáng tác đồ họa với đầy ngưỡng vọng, thì nay, mô hình trại sáng tác ấy đã bị thụt lùi xa trước sự mới mẻ trong sáng tác của người trẻ. Nhưng nếu so khu vực Đông Nam Á, thông qua mô hình cuộc thi và triển lãm Nghệ thuật đồ họa ASEAN thôi, chúng ta vẫn thua các nước bạn ở nhiều phương diện, chưa có kỳ triển lãm nào mà Việt Nam đạt giải cao nhất. Cũng có thể, chúng ta có rất nhiều họa sĩ đồ họa tuyệt vời nhưng họ không chịu tham gia chương trình hoặc tham gia với tác phẩm "vừa phải" thôi... Nhưng nhìn trên bình diện chung, lĩnh vực này đã chuyển động mạnh mẽ trong vòng 10 năm trở lại đây.

- Một minh chứng có lẽ là triển lãm nghệ thuật đồ họa mà chị được mời tham gia. Đây là triển lãm nhóm hiếm hoi ở Việt Nam chuyên về lĩnh vực này do một đơn vị tư nhân tổ chức. Nhận định của nhà tổ chức: những nghệ sĩ được mời tham gia sự kiện này là những "gương mặt nổi bật" trong nghệ thuật đồ họa Việt Nam đương đại, gợi suy nghĩ gì trong chị?

- Tôi cho rằng, sáu chúng tôi không hẳn đại diện cho cái gì, phương diện nào của nghệ thuật đồ họa Việt Nam đương đại. Nhưng có lẽ, sự độc đáo của mỗi cá nhân chúng tôi đem lại sự hay cho chính mỗi chúng tôi, để có người cùng sóng chạm vào, có thể trưng bày sáng tác cùng nhau.

Nghệ thuật đồ họa là lĩnh vực nghệ thuật thị giác duy nhất ở Việt Nam được lựa chọn để thực hiện mô hình triển lãm định kỳ mang tầm khu vực Đông Nam Á do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức: Cuộc thi và Triển lãm Nghệ thuật đồ họa ASEAN, bắt đầu từ năm 2012. Tại kỳ thứ ba, năm 2020, họa sĩ Vũ Bạch Liên là thành viên Hội đồng nghệ thuật của Triển lãm, bên cạnh các họa sĩ uy tín của Nhật Bản, Thái Lan.

Họa sĩ Vũ Bạch Liên giành được giải Nhất- Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2011 với bức tranh khắc gỗ Đông về; giải Nhì-Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020 với tác phẩm Họ - một phần của cuộc đời tôi, gồm 10.000 mảnh in vân tay của những người mà chị đã từng gặp, được ghép lại thành chân dung tự họa của chị.