Không thể tiếp tục mạnh ai người đó làm!

Đã qua hơn tám năm kể từ khi Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tháng 10/2016. Nhưng cho đến nay, sự phát triển thực tế của tất cả 12 ngành liệt kê trong Chiến lược vẫn được coi là chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế văn hóa của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
HOZO hiện là Liên hoan Âm nhạc quốc tế định kỳ hằng năm do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, với nhiều hoạt động vệ tinh thu hút đông đảo nghệ sĩ và công chúng trẻ. Nguồn: Fanpage Hozo
HOZO hiện là Liên hoan Âm nhạc quốc tế định kỳ hằng năm do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, với nhiều hoạt động vệ tinh thu hút đông đảo nghệ sĩ và công chúng trẻ. Nguồn: Fanpage Hozo

Xác định trọng tâm, trọng điểm

Không còn dàn trải tính toán việc có thể tìm hướng phát triển đủ cả 12 ngành, thực tiễn đã đem lại nhiều kinh nghiệm, bài học thiết thực cho các địa phương trong việc nhìn lại khả năng của mình.

Là một tỉnh miền núi phía bắc, Hà Giang còn nhiều hạn chế về hạ tầng cơ sở vật chất, cuộc sống của người dân còn khó khăn. Từ thực tế đa dạng văn hóa và đặc điểm địa lý của địa phương cùng tiềm năng hiện có, Hà Giang xác định ngành công nghiệp văn hóa chủ lực của địa phương là du lịch văn hóa, với hai mô hình nổi bật: Du lịch cộng đồng và du lịch tâm linh, du lịch lễ hội. Cùng với đó là những nhóm sản phẩm du lịch khác, như nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm, thương mại xuyên biên giới… Những kết quả khả quan ban đầu, nổi bật là giải thưởng Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024 (Asia’s Leading Regional Cultural Destination 2024) do Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) trao tặng, tháng 9/2024, cho thấy sự đúng đắn của việc xác định trọng tâm, trọng điểm trong thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách thực chất ở địa phương này.

Tương tự, thành phố Hải Phòng cũng đã xác định rõ hai nhóm sản phẩm trọng tâm: Nghệ thuật biểu diễn và du lịch gắn liền với di sản văn hóa địa phương. Thành phố có 942 di tích, trong đó có hai di tích quốc gia đặc biệt, 117 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 411 di tích cấp thành phố. Bên cạnh đó là 11 di sản văn hóa phi vật thể thuộc Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và 15 bảo vật thuộc Danh mục Bảo vật quốc gia. Hải Phòng đã triển khai ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố.

Là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang chuyển hướng mạnh mẽ sang phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xem đây là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương. Cuối tháng 10/2024, Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án phát triển ngành Công nghiệp văn hóa thành phố đến năm 2030. Theo đó, thành phố chọn tám trong tổng số 12 ngành để ưu tiên phát triển, bao gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Mục tiêu theo Đề án là đến năm 2030, doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 7-8% GRDP, tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so chi phí sản xuất, với tổng doanh thu khoảng 148 nghìn tỷ đồng.

Cần một cơ quan đóng vai trò nhạc trưởng

Tuy nhiên, ở tầm mức vĩ mô, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực có tính chất liên kết mạnh mẽ tất cả các yếu tố, khu vực kinh tế-xã hội. Đặc biệt, vì các ngành công nghiệp này được khởi đi từ sự sáng tạo cá nhân nên luôn chứa đựng những yếu tố chưa có tiền lệ, đòi hỏi những cách xử lý, hợp tác tương ứng giữa tất cả các ngành và nhân sự liên quan.

Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã lập ra một cơ quan trực thuộc chính phủ chuyên trách lĩnh vực này, đóng vai trò nhạc trưởng, chỉ huy và điều phối toàn bộ các hoạt động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến công nghiệp văn hóa/công nghiệp sáng tạo/kinh tế sáng tạo. Đây cũng là cơ quan đảm nhận vai trò kết nối với các đối tác nước ngoài, làm công tác truyền thông đối nội và đối ngoại. Vương quốc Anh, nơi đưa ra sáng kiến và thúc đẩy mạnh mẽ các ngành kinh tế sáng tạo kể từ đầu thế kỷ 21, đã thành lập Hội đồng các ngành công nghiệp sáng tạo (Creative Industries Council/CIC), là diễn đàn giữa chính phủ, các doanh nghiệp và tổ chức sáng tạo. CIC tập trung giải quyết những rào cản đối với sự phát triển của các ngành sáng tạo tại Vương quốc Anh.

Trong châu lục, Hàn Quốc luôn được xem là hình mẫu phát triển công nghiệp văn hóa với nhiều bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Quốc gia này có cơ quan về nội dung sáng tạo quốc gia (Korea Creative Content Agency/KOCCA), đóng vai trò giám sát sự phát triển của nội dung sáng tạo Hàn Quốc, cả trong nước và quốc tế. Philippines hay Thái Lan cũng đều có các cơ quan tương tự cho lĩnh vực này, như Hội đồng phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo Philippines (Philippine Creative Industries Development Council/PCIDC); Cơ quan về kinh tế sáng tạo (Creative Economy Agency/CEA) của Thái Lan được thành lập từ năm 2005 với tầm nhìn trở thành động lực chính thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo của Thái Lan trên trường quốc tế.

Từ thực tiễn hoạt động trong nước, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, nhấn mạnh đến sự thiếu liên kết đồng bộ, thường xuyên, chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. “Nói một cách hình ảnh, chúng ta rất cần một nhạc trưởng tài ba để chỉ huy một dàn nhạc giao hưởng đồ sộ, với nhiều nhạc cụ độc đáo do các nhạc công từ nhiều nhà hát khác nhau tập hợp lại, để cùng hòa tấu bản giao hưởng lớn mang tên “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa” sao cho đúng bài bản, nhịp nhàng và đi sâu vào lòng khán thính giả”, ông Sơn chia sẻ.

Câu hỏi về một “nhạc trưởng” cho phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam cũng là câu hỏi kết lại sau hàng loạt đề xuất giải pháp cho lĩnh vực đang có nhiều điểm nghẽn này của ông Bùi Nguyên Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA).